Báo xuân

Nặng gánh mưu sinh đêm giao thừa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Khi những cư dân thành phố đang nô nức du xuân trong những bộ quần áo xúng xính, thì trên con đường rực rỡ ánh đèn vẫn có những phận người tất bật mưu sinh mặc cho năm mới đã ùa về rồi.

 Hiêm với chiến lợi phẩm trên lưng. Ảnh: Văn Ngọc
Hiêm với chiến lợi phẩm trên lưng. Ảnh: Văn Ngọc

Đêm 30 Tết, trời Pleiku bỗng trở nên giá lạnh lạ thường. Cái lạnh bất ngờ tụt xuống 13, 14 độ được cộng hưởng bởi cơn gió rít qua từng tán cây rồi sà xuống lòng được khiến ai nấy đều trở nên co ro. Trong cái lạnh như thế, Hiêm (12 tuổi, trú tại làng Ngó, phường Trà Bá, TP. Pleiku) vẫn phong phanh trên người một tấm áo gió mỏng tang. Tấm áo được in tên trường THCS Lý Tự Trọng đã ngả màu lấm lem của đất. Chính em cũng không biết ngôi trường đó ở đâu, bởi đó chỉ là tấm áo em được người khác cho trong một đêm lạnh như thế này. Và bởi, em chưa bao giờ được đến trường. Hiêm nói rằng, vì nhà nghèo, nên ngay từ nhỏ em đã không thể đến trường như chúng bạn mà đã phải đi chăn bò rồi đi lượm nhôm nhựa. “Nếu dừng lại thì cũng lạnh lắm, nhưng đeo cái bao đựng lon trên lưng, đi trên những con đường dốc này em toát cả mồ hôi nên không còn biết lạnh nữa”-Hiêm hồn nhiên.

Từ ngôi làng ven thành phố, mỗi buổi xế chiều, Hiêm lại cùng mẹ và những người phụ nữ nghèo của làng đổ về các tuyến đường trung tâm. Hiêm bảo rằng, phải đi vào buổi chiều tối vì giờ đó người thành phố bắt đầu nhậu nhẹt, rồi mới vứt vỏ lon ra ngoài. Càng đến ngày Tết, khi mọi người gặp mặt chung vui chè chén nhiều hơn thì lại là những ngày vui đối với Hiêm. Hiêm vui vì nhặt được nhiều vỏ lon hơn và những khi đói, thỉnh thoảng em vẫn được mọi người cho ăn những món ngon mà chưa bao giờ được thử. Với những đứa trẻ nghèo quanh năm chỉ biết đến cá khô, lá mì và thịt mỡ, đó hẳn là những món “sơn hào hải vị” mà chỉ người thành phố mới “dám” thưởng thức. Hiêm cho hay: “Mỗi ngày em đi được khoảng hai chuyến, cứ đầy một bao thì em lại mang về. Mỗi bao em lại bán được khoảng 30-40 ngàn đồng mang tiền về cho mẹ”. Nói rồi, Hiêm lại rảo bước với chiếc bao to gấp đôi thân người của em.

Trước khi chia tay, chúng tôi lì xì cho em thì Hiêm ngỡ ngàng lắm. Trong ánh mắt ngạc nhiên ấy hắt lên niềm vui sướng, cái niềm vui của lần đầu tiên trong đời được nhận tiền lì xì. “Em chưa bao giờ được nhận lì xì cả. Tết bố mẹ em cũng không có tiền mua bánh kẹo với quần áo mới đâu. Tết em vẫn đi nhặt vỏ lon mà, càng nhặt được nhiều thì em càng vui chứ cũng không cần gì cả”-Hiêm chia sẻ. Bằng lứa tuổi của em, những đứa trẻ khác đang được bố mẹ sắm sửa áo quần tung tăng đón năm mới. Trên cùng một con đường, khi Hiêm đang lê những bước chân còm cõi, đen sạm với “chiến lợi phẩm” trên vai thì những đứa trẻ ấy, đang ấm áp trong vòng tay của cha mẹ.

 

Tết đã về nhưng những người phụ nữ nghèo làng Ngó vẫn vất vả mưu sinh. Ảnh: Văn Ngọc
Tết đã về nhưng những người phụ nữ nghèo làng Ngó vẫn vất vả mưu sinh. Ảnh: Văn Ngọc

Tết này, cũng vẫn là một cái Tết…không có Tết với chị H’Lan. Khi cái giá lạnh bao phủ trên các con phố của đêm cuối năm, chị vẫn đang cặm cụi đi nhặt vỏ loon, thùng các tông để bán nhôm nhựa. Chị cho biết: “Nhà chỉ có mấy sào lúa, rẫy cũng không đáng bao nhiêu nên đêm về mình phải đi lượm thế này chứ, muốn lượm nhiều thì phải lục lọi trong đống rác người ta bỏ đi nữa. Cũng quen rồi nên giờ không thấy bẩn nữa, chỉ cần kiếm được nhiều nhiều bán có tiền là được”. Nhìn phố phường nhộn nhịp cờ hoa, trong thâm tâm chị H’Lan cũng cảm thấy nhói lòng. Làng Ngó chỉ cách trung tâm thành phố vài km, nhưng ở đó, những đứa con nheo nhóc của chị cũng không biết đến cái “mùi” của Tết. Chị nói rằng, nhìn người ta chuẩn bị sắm Tết mà chị càng thấy nhờ đến con mình và nếu năm nay nhặt được nhiều vỏ loon, chị sẽ mua ít bánh kẹo, cái bóng bay cho chúng đỡ tủi thân.

Những người như Hiêm và chị H’Lan mỗi ngày lại bắt đầu hành trình hàng chục km quanh các đường phố, các ngóc ngách của phố thị phồn hoa. Tết đã về ngập tràn từ ngoài đường, ngõ xóm, ùa vào những ngôi nhà, nhưng họ vẫn miệt mài bước chân mưu sinh. Phải chẳng, họ cũng đang đi tìm cái Tết của riêng mình…?

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm