Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Năng lượng bình an từ nét cọ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 6-12 tới đây, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra triển lãm của nhóm 5 họa sĩ, nhà điêu khắc khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên với chủ đề “Gọi bình yên về”. Bằng sự sáng tạo không ngừng với phong cách mỹ thuật đương đại, 3 tác giả đến từ Gia Lai góp mặt tại triển lãm đã mang đến nguồn năng lượng bình an trong từng nét cọ.

1. Trên tất cả, bình an là điều mà con người vươn tới, kiếm tìm. Nhưng, nó đến từ đâu, ngoại cảnh hay nội tâm? Và, văn học nghệ thuật nói chung, lĩnh vực mỹ thuật nói riêng sẽ góp phần giải đáp câu hỏi này, qua đó khẳng định vai trò của mình trong đời sống xã hội.

Chủ đề rất gợi của cuộc triển lãm nhóm lần này cùng những cái tên đủ sức thu hút người thưởng lãm, đó là Lê Vấn (Đak Lak), Bùi Văn Quang (Khánh Hòa), Hồ Thị Xuân Thu, Nguyễn Vinh và Mai Thị Kim Uyên (Gia Lai). Trừ họa sĩ Mai Thị Kim Uyên lần đầu tiên tham gia triển lãm nhóm, các họa sĩ, điêu khắc gia còn lại đều đã nhiều lần đến với những sân chơi đầy tính nghệ thuật, khẳng định tên tuổi tại các triển lãm trong nước và quốc tế.

Từ phải sang: nhà điêu khắc Nguyễn Vinh, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu, họa sĩ Mai Thị Kim Uyên là những người mong muốn truyền đi năng lượng bình an từ nét cọ. Ảnh: Phương Duyên


Trong số 3 tác giả Gia Lai, nữ họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu đóng vai trò dẫn đường. 3 người mang phong cách màu sắc rất riêng nhưng lại bổ khuyết cho nhau trong cùng một không gian, khi mềm mại, lúc gân guốc, làm bật lên những cá tính độc đáo. Họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu cho hay, những tác phẩm trưng bày lần này thể hiện sự dày công sáng tạo của các họa sĩ trong suốt 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điểm chung là họ không chọn lễ hội làm đề tài sáng tác mà nghiêng hẳn về những khoảnh khắc đời thường dung dị, sống động.

2. “Các sáng tác của tôi dường như là những cuộc hội thoại nội tâm sâu thẳm chỉ có thể giãi bày qua hình khối, khoảng trống không gian theo cảm thức của riêng mình”-nhà điêu khắc Nguyễn Vinh nói về 12 tác phẩm góp mặt tại triển lãm.

Sinh ra và lớn lên ở phố núi Pleiku, nhà điêu khắc Nguyễn Vinh đã dành trọn tình yêu cho thiên nhiên và con người nơi đây. Đặc biệt, anh ấn tượng sâu đậm với đặc trưng “mẫu hệ” ở vùng Tây Nguyên, nơi phụ nữ giữ vai trò điểm tựa. Người nghệ sĩ cũng không thôi trăn trở về sự tiếp biến văn hóa trước những đổi thay của cuộc sống hiện đại khiến nhiều phong tục truyền thống mai một, thưa vắng dần. Vậy nên, anh mơ ước “Gọi bình yên về” một cách thật hình tượng qua các tác phẩm: “Làng trong phố”, “Khoảng xanh”, “Những bà mẹ núi”. Được sự hỗ trợ của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu, anh cũng thành công trong việc đưa nghệ thuật sơn mài lên tượng, thể hiện qua các tác phẩm: “Phố mây”, “Nấc thang cao nguyên”…

Tác phẩm "Bạn đến chơi nhà" của họa sĩ Mai Thị Kim Uyên. Ảnh: Phương Duyên



5 “đứa con tinh thần” được anh hết lòng chăm chút, đó là “Lòng đất rỗng” (được đánh số thứ tự từ 1 đến 5). Anh tâm sự: Trước thực trạng rừng nhường chỗ cho thủy điện, sân golf; khoáng sản và nước ngầm bị khai thác vô tội vạ, lòng đất ngày càng bị “khoét rỗng”, gây ra những hệ lụy khôn lường về sinh thái lẫn sinh hoạt thường ngày của con người, loạt tác phẩm “Lòng đất rỗng” gửi đến người xem tiếng gào thét từ lòng đất, như một sự cảnh báo, để từ đây gọi bình yên quay về.

Trong khi đó, cũng được sự dìu dắt tận tình của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu, họa sĩ Mai Thị Kim Uyên trưởng thành theo một cách khác: ít góc cạnh hơn song vẫn đậm nét tự sự. Xuất hiện nhiều trong tranh sơn mài của chị là hình ảnh người phụ nữ hiện đại và kiêu hãnh, nữ tính như “Những cô gái đỏng đảnh”, “Khúc giao thừa”, “Ngoài kia thế giới bao la rộng lớn-bay đi”, “Buông”, “Đôi bạn”, “Hương nắng mới”… Chị bày tỏ: “Nở một đóa trong ngần, tôi chạm vào những khát khao đang tuôn chảy, chạm vào tâm thức của một phụ nữ muốn vượt lên trên giới hạn của bản thân để tìm về hạnh phúc, tìm về sự bình yên trong nội tại. Tôi chia sẻ nỗi niềm đó bằng ngôn ngữ hội họa theo cách của riêng mình”.

Nghệ thuật phản ánh sâu sắc nội tâm tác giả và tranh của nữ họa sĩ này cũng vậy. Sự êm ả lan tỏa, gợi bao niềm xao xuyến khi ngắm bức “Bạn đến chơi nhà” với một không gian đầy cây trái, nơi bạn bè đàm đạo bên tách trà, hát cho nhau nghe, nơi mấy đứa trẻ thỏa sức chạy nhảy. Mang lại cảm giác tương tự là các bức họa phong cảnh: “Lời thì thầm của cây sứ già”, “Hoàng hôn lạc bước”, “Hồ Núi Đá”, “Hoàng hôn trên đập Tân Sơn”… Chứng kiến nữ họa sĩ ngủ thiếp đi một giấc mệt nhọc ngay trên nền nhà, cạnh một bức vẽ dở dang, mới hiểu người nghệ sĩ đánh đổi như thế nào để truyền đi thành công năng lượng bình an.



3. “Tôi tự hào, hạnh phúc”-vừa tất bật chuẩn bị vận chuyển tranh vào TP. Hồ Chí Minh để tham gia triển lãm, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu vừa nở nụ cười mãn nguyện khi nói về học trò của mình. Chỉ trong 2 năm, Mai Thị Kim Uyên đã lĩnh hội nhanh chóng kỹ thuật làm tranh sơn mài, hơn nữa số lượng tranh hoàn thành cũng rất lớn, khoảng 25 bức. Còn nhà điêu khắc Nguyễn Vinh cũng có những ứng dụng thành công đối với sơn mài trong điêu khắc.

Tác phẩm "Mùa lá hát" của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu. Ảnh: Phương Duyên



Nổi tiếng với dòng tranh mang cảm hứng bất tận về đề tài Tây Nguyên mùa lễ hội, lần này, họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu chỉ mang vào Sài thành những sáng tác về Tây Nguyên rất đời thường. Thật thú vị khi chứng kiến nhịp điệu êm đềm, hình ảnh những người phụ nữ gùi củi, địu con trên đường làng trong “Mùa lá hát”, “Đợi”, “Hoa pơ lang bên đường”… Đáng chú ý là loạt tranh chủ đề “Pleiku phố”, đánh dấu sự chuyển hướng mạnh mẽ của nữ họa sĩ. Phố núi đi vào tranh của nữ họa sĩ gạo cội làng mỹ thuật Gia Lai với những bảng lảng đặc trưng, không kém phần lãng mạn như: “Dưới tán thông”, “Nắng ven đồi”, “Hạnh phúc”, “Miền sương tan”, “Gió đầu đông”…

Nổi bật là bức tranh mang chủ đề chính của cả nhóm: “Gọi bình yên về” (khổ 1,8x4 m). “Đây là cảm xúc của tôi khi nhớ lại sự vắng lặng của TP. Pleiku vào một hôm ra đường trong những ngày giãn cách do dịch Covid-19. Chính khi đó tôi chợt nhận thấy một ngày bình yên thật đáng quý xiết bao. Từ đó, cảm xúc này đã đi vào tranh của tôi. Tôi yêu quê hương thứ hai của tôi và luôn muốn nó hiện hữu trong tranh, một cách dung dị”-họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu bộc bạch.

 

 PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm