Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 25-6, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quản lý bảo vệ rừng 6 tháng đầu năm 2019; 2 năm thực hiện Kế hoạch số 1123/KH-UBND của UBND tỉnh về tổ chức thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, đồng thời sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Dự hội nghị có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Kpă Thuyên-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị chủ rừng.

Những kết quả đáng ghi nhận

Trong 6 tháng đầu năm nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị chủ rừng thực hiện nghiêm công tác quản lý bảo vệ rừng. Cũng trong khoảng thời gian này, các cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ 264 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp (giảm 70 vụ so với cùng kỳ năm 2018), trong đó, phá rừng 37 vụ với diện tích bị phá 40,9 ha; vi phạm về phòng cháy chữa cháy rừng 4 vụ; khai thác rừng trái phép 29 vụ; mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái pháp luật 183 vụ…


 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Đối tượng vi phạm gồm doanh nghiệp 3 vụ, cá nhân 127 vụ; số vụ còn lại chưa xác định đối tượng vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử lý 264 vụ, trong đó xử lý hành chính 236 vụ, xử lý hình sự 28 vụ (tăng 16 vụ so với cùng kỳ năm 2018). Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP. Pleiku và các huyện Ia Grai, Đak Đoa xuất hiện tình trạng ken cây lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất, bóc vỏ thông để bán. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương triển khai ngăn chặn tình trạng này; đồng thời giao Công an tỉnh cùng Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm, nếu đủ yếu tố phải khởi tố hình sự về tội hủy hoại rừng…

Thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2019, Thanh tra tỉnh đã thanh tra tại 3 Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ka Nak, Lơ Ku, Kông H’De và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đức Cơ. Qua đó, Thanh tra tỉnh đã phát hiện một số sai phạm về công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai và tài chính tại các đơn vị này. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao các ngành chức năng tiếp tục xử lý các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. Cũng trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng đã thi hành kỷ luật nhiều cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng.

Để thực hiện Kế hoạch số 1123/KH-UBND về tổ chức thu hồi diện tích rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng, UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và 138 xã đã thành lập Ban chỉ đạo thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Đến nay, Ban chỉ đạo các địa phương đã vận động, khuyến khích người dân kê khai diện tích nương rẫy đang sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp là 28.076 ha; trong đó, năm 2017 là 22.022 ha, năm 2018 khoảng 4.907 ha và năm 2019 khoảng 1.147,3 ha. Đặc biệt, trong 2 năm (2017-2018), qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân tại các địa phương đã nhận thức được chủ trương của tỉnh trong phát triển lâm nghiệp, trồng rừng nhằm tạo sinh kế lâu dài. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 13.001,3 ha rừng, đạt 93% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Đối với việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ rừng, ngay sau khi chỉ thị này được ban hành, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt đến các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành và cán bộ chủ chốt của tỉnh. Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 38-CTr/TU để triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW trên địa bàn tỉnh. Trong 2 năm qua, tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên; quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến gỗ; ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vận chuyển lâm sản trái phép qua biên giới… Nhờ đó, nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và hộ gia đình trong công tác quản lý bảo vệ rừng đã có sự chuyển biến; vai trò giám sát của người dân, cộng đồng và các đoàn thể với công tác này đã được nâng lên rõ rệt.

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý bảo vệ rừng, triển khai thực hiện Kế hoạch số 1123/KH-UBND, Chỉ thị số 13 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, một số cấp ủy và chính quyền địa phương cấp xã, đặc biệt là thôn, làng vẫn chưa xây dựng kế hoạch thực hiện, chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và vai trò quan trọng của Chỉ thị số 13-CT/TW. Tình trạng dân di cư tự do trên địa bàn vẫn chưa được quản lý. Đặc biệt, trong 2 năm qua, hầu hết các vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng do các cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý, còn chính quyền địa phương cấp xã phát hiện, bắt giữ và xử lý rất ít…

Trong việc thực hiện thu hồi đất rừng bị lấn chiếm vẫn còn một số Ban chỉ đạo cấp xã chưa thực sự vào cuộc quyết liệt; kinh phí hỗ trợ thực hiện thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và trồng rừng còn hạn chế, chưa kịp thời. Diện tích đất rừng bị lấn chiếm hầu hết người dân đang sản xuất nông nghiệp, nếu thu hồi chưa có nguồn vốn hỗ trợ trồng rừng ngay sẽ ảnh hưởng đến đời sống của bà con. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Lam-Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho biết: Diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm người dân đã canh tác nông nghiệp lâu năm, trồng cây công nghiệp dài ngày cho thu nhập ổn định, trong khi chu kỳ trồng rừng 5-7 năm mới được khai thác nên người dân còn băn khoăn. Đặc biệt, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số chưa quen trồng rừng để hưởng lợi nên việc vận động cũng như triển khai thực hiện kê khai đăng ký trồng rừng gặp nhiều khó khăn, thậm chí các hộ né tránh, không hợp tác. Nguồn kinh phí hỗ trợ 2 triệu đồng/ha không đủ mua giống trồng rừng đúng mật độ. Cùng quan điểm này, ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-cho rằng nên tăng mức hỗ trợ lên 3 triệu đồng/ha.

Ở lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, tại một số địa phương vẫn để xảy ra phá rừng trái phép, khai thác gỗ, ken cây. Tuy nhiên, một số chủ rừng, ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa nắm bắt thông tin kịp thời, bị động trong việc đưa ra các giải pháp tuần tra kiểm soát để ngăn chặn, xử lý. Số diện tích rừng khoán cho người dân địa phương quản lý bảo vệ khi bị xâm hại hoặc mất rừng chưa có chế tài xử lý người nhận khoán; nhu cầu đất ở, đất sản xuất và lâm sản phục vụ cho tách hộ, sửa chữa nhà còn lớn nhưng chính quyền cơ sở không nắm được và chưa có chính sách đáp ứng phù hợp. Hoạt động sản xuất, quản lý đất đai, nhất là đất chiếm từ rừng của người dân địa phương, người địa phương khác đến cư trú chưa hiệu quả…

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh: Bên cạnh những mặt tích cực, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều hạn chế như: các chủ rừng thiếu tinh thần trách nhiệm nên để mất đất và rừng; các cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan chỉ đạo chưa sâu sát, còn lơ là trong công tác quản lý bảo vệ rừng; các lực lượng chức năng liên quan quản lý bảo vệ rừng còn có hiện tượng tiêu cực; cơ quan phụ trách ngành nhưng chưa đi và biết hết các chủ rừng vi phạm; có Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, xã và lãnh đạo công ty lâm nghiệp không biết, không nắm diện tích rừng trên địa bàn mình quản lý; UBND các xã được giao rừng quản lý thời gian qua chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 13-CT/TW, Chương trình hành động số 38-CTr/TU… thường xuyên, liên tục cho người dân và cán bộ, đảng viên thực thi nhiệm vụ. Các chủ rừng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng, nếu để mất rừng và đất rừng phải xử lý theo quy định của pháp luật. Lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng nếu bị người dân tố giác, cấp trên phát hiện sai phạm sẽ phải xử lý nghiêm; các địa phương tổ chức thanh tra các xã được giao quản lý bảo vệ rừng. Đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Thanh tra tỉnh tiếp tục thanh tra các đơn vị còn lại, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm. Yêu cầu người dân đến xã kê khai đất lâm nghiệp lấn chiếm để trồng rừng. Sở Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Tài chính-Kế hoạch các địa phương rà soát lại giấy phép các xưởng chế biến gỗ nếu không đúng thì thu hồi. Các cấp, ngành và người đứng đầu phải làm trong sạch bộ máy thực thi pháp luật…

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng: Thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, dù có thiệt hại nhưng mức độ không cao. Để công tác bảo vệ và phát triển rừng mang lại kết quả cao phải có sự tham gia của cộng đồng, sự vào cuộc của Mặt trận và các đoàn thể, không để lực lượng quản lý bảo vệ rừng đơn độc. Trong thời gian tới sớm thành lập Ban Quản lý rừng Ia Tul. Sở Nông nghiệp và PTNT giúp UBND tỉnh điều chỉnh Kế hoạch số 1123 cho phù hợp; tuyên truyền, vận động người dân kê khai đất rừng bị lấn chiếm; rà soát lại 3 loại rừng phù hợp… Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng để được hưởng lợi.

 

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm