Báo xuân

"Ngã rẽ cuộc đời" của những huấn luyện viên 9X

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được làm thầy là mơ ước của nhiều người sau thời gian khổ luyện học nghề, làm thợ. Nhưng làm thầy ở tuổi 9X như trường hợp của Lê Văn Vũ, Nguyễn Văn Đại, Phạm Thành Nam ở Học viện Bóng đá HA.GL-Arsenal JMG là cả những câu chuyện dài.

Lê Văn Vũ-bi kịch của thủ khoa

Ngày cuối năm ở Học viện Bóng đá HA.GL-Arsenal JMG, công việc của Lê Văn Vũ tất bật hơn hẳn. Một mặt lo thục luyện giáo án trước khi ra sân, mặt khác phải tăng cường dò bài cũ cho các đàn em trước khi đến lớp kiểm tra kết thúc học kỳ I.

 

Trợ lý huấn luyện viên Nguyễn Văn Đại (thứ 2 phải sang) cùng U15 HAGL đoạt cúp vô địch.                                                                          Ảnh: M.V
Trợ lý huấn luyện viên Nguyễn Văn Đại (thứ 2 phải sang) cùng U15 HAGL đoạt cúp vô địch. Ảnh: M.V

Ngồi bên rìa đường biên sân cỏ, phóng tầm mắt nhìn “những viên ngọc thô” đang vờn bóng, chàng trai quê ở Sông Cầu (Phú Yên) tỏ vẻ tiếc nuối nhớ lại: Năm 2007, ngay trong năm đầu tiên trúng tuyển vào Học viện, sau một buổi tập hăng máu, Vũ phải ra Hà Nội mổ đầu gối vì rách sụn chêm. 5 năm sau, Vũ tiếp tục cùng lúc phẫu thuật cả hai đầu gối tại Bangkok, Thái Lan.

Được chữa trị ở một quốc gia có nền y học thuộc vào loại tiên tiến như Thái Lan, những tưởng ngày trở lại sân cỏ không xa. Thế nhưng chẳng hiểu sao, sau khi rời bàn mổ, bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Bầu Đức đưa Lê Văn Vũ quay trở lại Thái Lan, nhưng vào bệnh viện khác. Tại đây, bác sĩ đưa ra kết luận: Phải nghỉ đá bóng.

Từng chăm bẵm cậu học trò cưng của mình trong suốt 7 năm ở lò đào tạo HA.GL-Arsenal JMG, huấn luyện viên Dương Minh Ninh cho biết: “Công Phượng và Lê Văn Vũ là hai học viên nổi bật nhất trúng tuyển vào khóa I. Thậm chí lúc bấy giờ Vũ còn trội hơn Phượng nhờ có tốc độ cao, tư duy chơi bóng sáng suốt… Không chỉ có lợi thế ngay từ lúc tuyển sinh đầu vào, sau một năm nhập lò, Vũ khiến mọi người vô cùng ngạc nhiên, khi chiều cao của em tăng đột biến lên tới 12 cm, trở thành học viên cao nhất Học viện lúc đó. Một tài năng như thế nhưng đã không gặp may, chẳng khác nào một bi kịch”.

Lúc còn là học viên, Lê Văn Vũ khoác trên mình chiếc áo số 9, với biết bao kỳ vọng. Thế rồi cách đây 2 năm về trước, chàng trai này đành phải chuyển sang làm trợ lý cho chính người thầy cũ của mình, Guillaume Graechen ở Học viện HA.GL-Arsenal JMG. Mới đây, Vũ đã hoàn tất khóa học huấn luyện viên bằng C, để tiếp tục theo đuổi quả bóng tròn trên cương vị “gõ đầu trẻ”.

 

HLV Nguyễn Văn Đại (trái) và HLV Phạm Thành Nam (phải) cùng các học trò.
HLV Nguyễn Văn Đại (trái) và HLV Phạm Thành Nam (phải) cùng các học trò.

Nguyễn Văn Đại-hãy gọi tôi bằng “anh thầy”

Trong khi những người bạn cùng lứa như Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Thanh, Văn Toàn… đang lướt mình trên sân cỏ thì chàng trai quê gốc Vĩnh Phúc lại phải chia tay sự nghiệp “quần đùi áo số”, chuyển qua làm công tác huấn luyện. Nếu ngã rẽ cuộc đời của Lê Văn Vũ vì chấn thương thì trường hợp của Nguyễn Văn Đại được ví “phiên bản lỗi” do thấp bé nhẹ cân và vấn đề chuyên môn.  

Hè 2014, sau khi tốt nghiệp khóa đầu Học viện HA.GL-Arsenal JMG, hậu vệ cánh phải Nguyễn Văn Đại và một vài đồng môn được biệt phái làm “viện binh” cho Hoàng Anh-Attapeu (Lào). Trong màu áo đội bóng mới, Văn Đại đã góp một phần công sức giúp đội bóng này lần đầu tiên trong lịch sử đoạt Cúp vô địch Lao League mùa giải 2014-2015.

Chia tay Hoàng Anh-Attapeu, cầu thủ này về đầu quân cho đội hạng nhì Kon Tum ở mùa giải 2015. Và khi nhận ra rằng, bản thân mình không phù hợp để tiếp tục theo đuổi con đường cầu thủ chuyên nghiệp, một năm sau, Nguyễn Văn Đại quyết định chuyển sang làm trợ lý cho thầy Guillaume Graechen. Trong vai trò trợ lý cho huấn luyện viên Đinh Hồng Vinh ở đội tuyển U15 HA.GL, vào ngày 1-9-2016, đội bóng này quật ngã U15 PVF để đăng quang ngôi vô địch. Đây là danh hiệu đầu tiên trong sự nghiệp  huấn luyện viên của Nguyễn Văn Đại.

“Giáo trẻ” này tâm sự: “Tôi hài lòng với công việc hiện tại. Điều khó xử nhất đối với tôi bây giờ là không biết phải xưng hô với các đàn em khi mình đứng lớp là anh hay thầy. Các em vẫn đùa gọi tôi bằng “anh thầy”, bởi tôi chỉ hơn các em vài tuổi…”.

 

Trợ lý Phạm Thành Nam biểu diễn động tác cho đàn em. Ảnh: M.V
Trợ lý Phạm Thành Nam biểu diễn động tác cho đàn em. Ảnh: M.V

Phạm Thành Nam-làm thầy sớm cũng khổ  

Trong ngôi nhà Học viện HA.GL-Arsenal JMG, không ít người ví Phạm Thành Nam là “Ribery Việt Nam”. Con đường từ “viên ngọc thô mài dở” đến thầy giáo trẻ của Phạm Thành Nam giống với Nguyễn Văn Đại. Chỉ khác mỗi chỗ, năm 2015, sau khi chia tay nhà vô địch Hoàng Anh-Attapeu tại đất nước Triệu Voi, Thành Nam về đầu quân cho đội hạng nhất Phú Yên, sau đó chuyển sang làm nghề “gõ đầu trẻ”.

Thành Nam bộc bạch: “Trước khi chia tay sự nghiệp cầu thủ, tôi thực sự lấn cấn đứng giữa ngã ba đường, không biết nên chọn con đường nào. Nếu tiếp tục theo đuổi niềm đam mê đá bóng, vì thể hình hạn chế, e chẳng bằng ai. Còn chuyển sang làm công tác huấn luyện thì còn quá trẻ. Cuối cùng, tôi quyết định xin ở lại Học viện, chuyển sang nghề dạy học”.

“Những ngày đầu tập làm thầy, tôi thường xuyên đứng trước gương, soi mình hàng giờ đồng hồ, chỉnh lại quần áo, mái tóc, dáng đi, lời ăn tiếng nói. Mới làm thầy chưa lâu, cảm thấy mình già trước tuổi, làm thầy sớm cũng khổ…”-Nam chia sẻ. 

Minh Vỹ

Có thể bạn quan tâm