Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ngắm cánh cò xuân giữa phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm nay, mỗi khi phố núi Pleiku ngập tràn hơi xuân, ngàn hoa khoe sắc đón chào năm mới thì đàn cò trắng với số lượng hàng ngàn con từ nơi nào chẳng rõ lại bay về trú ngụ ở khu vườn tre của bà Bùi Thị Tiên (76 tuổi, trú số 14 Hoàng Văn Thái, phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Cuộc “chuyện trò” đầu năm mới của đàn có trắng cũng khiến cho không khí ngày xuân của gia chủ càng thêm rộn ràng, đầm ấm.

Thú vui ngắm cò

Bà Tiên cũng không nhớ rõ từ khi nào hàng ngàn con cò trắng đã chọn vườn tre phía sau nhà bà làm nơi trú ngụ. Khi mùa mưa Tây Nguyên bắt đầu, đàn cò bay đi nơi nào chẳng rõ, đến gần cuối năm chúng mới quay trở lại. Lúc này, phố núi Pleiku đã ngập màu xanh cây trái, trăm hoa đua nở chào xuân. Bà Tiên cũng không thể nào lý giải được vì sao xung quanh đó có rất nhiều bụi tre lớn nhỏ, các khu vườn rậm rạp khác nhưng đàn cò chỉ chọn vườn tre nhà bà làm nơi trú ngụ mỗi khi di cư đến đây.

 

Bức tranh đồng quê sinh động  hiện diện ngay trong lòng Phố núi.
Bức tranh đồng quê sinh động hiện diện ngay trong lòng Phố núi.

“Trời chưa hửng sáng, chúng bay đi kiếm ăn. Chiều tối chập choạng, đàn cò lại quay về vườn tre để ngủ”-bà Tiên kể. Cứ tầm 5 giờ sáng, đàn cò phía sau vườn đã huyên náo, í ới gọi nhau cùng thức dậy kiếm mồi. Khu vườn yên tĩnh bỗng trở nên ồn ã hơn bởi tiếng kêu đặc trưng của loài cò. Tiếng “trò chuyện” của đàn cò như một chiếc đồng hồ báo thức gia đình bà mỗi sáng. Lạ mắt hơn, trước khi đi ăn, đàn cò còn bay biểu diễn vài vòng xung quanh nhà bà như một lời chào tạm biệt, chúc gia chủ một ngày mới.

Đến chiều, lúc trời chập choạng, đàn cò từ khắp mọi nơi lại quay về chốn ngủ. Khác với khi đi, lúc về chúng chia ra thành từng đàn nhỏ từ 5 đến 10 con, đàn lớn thì tầm hơn trăm con. Hết đàn này lại đến đàn khác sà xuống đậu trên ngọn tre cao chót vót, thoải mái rỉa lông. Trong ráng chiều, khi những cụm mây xám hồng đùn lên trên nền trời, hình ảnh những cánh cò trắng chao nghiêng, bay lượn về nơi trú ngụ tạo nên một khung cảnh bình yên đến lạ. Bức tranh đồng quê sinh động tưởng chỉ có ở một vùng nông thôn nào đó nhưng lại hiện diện ngay trong lòng Phố núi. Đến khi trời tối hẳn thì những tiếng cò “trò chuyện” với nhau mới tắt.

 

Khi mùa mưa Tây Nguyên bắt đầu, đàn cò bay đi nơi nào chẳng rõ, đến gần cuối năm chúng mới quay trở lại.
Khi mùa mưa Tây Nguyên bắt đầu, đàn cò bay đi nơi nào chẳng rõ, đến gần cuối năm chúng mới quay trở lại.

Những người lớn tuổi ở khu vực nhà bà Tiên có thú vui mỗi chiều đem ghế ra đầu nhà thưởng hoa, ngắm những cánh cò sau một ngày kiếm ăn bay về vườn tre nương náu. “Cò về đây nhiều lắm. Tiếng cò kêu vọng cả vùng nghe vui tai. Hình ảnh cánh cò cũng gợi nhớ đến quê hương miền Trung của tôi những ngày thơ bé”- ông Nguyễn Công Thắng (hàng xóm nhà bà Tiên) nói.

“Nên giữ vườn cò phát triển du lịch”

Những cánh cò chao nghiêng khi hoàng hôn dần tắt nắng đã trở nên quá đỗi quen thuộc với gia đình bà Tiên và người dân sống ở khu vực này. Tuy nhiên, nhiều người không khỏi bất ngờ khi biết ở ngay trung tâm phố thị Pleiku lại xuất hiện đàn cò di trú lên tới hàng ngàn con. Vườn tre mà đàn cò chọn làm chỗ ngủ chỉ cao chừng hơn mười mét, nằm cách đường Hoàng Văn Thái áng chừng 20m, đông người qua lại. Nhưng sự nhộn nhịp phố thị vẫn không làm đàn cò trở nên nhút nhát mà ngược lại rất thân thiện, gần gũi. “Điều kì lạ là tôi chưa bao giờ thấy cò làm tổ hay đẻ trứng. Chắc đây chỉ là nơi để đàn chim di trú dừng chân mỗi năm”-anh Đỗ Mạnh Hùng (con trai  bà Tiên) nói.

 

Hàng ngàn con cò trắng đã chọn vườn tre phía sau nhà bà Bùi Thị Tiên (TP. Pleiku) làm nơi trú ngụ.
Hàng ngàn con cò trắng đã chọn vườn tre phía sau nhà bà Bùi Thị Tiên (TP. Pleiku) làm nơi trú ngụ.

Theo anh Hùng, gia đình anh đã phải đã rào khu vườn cẩn thận để hạn chế kẻ xấu lẻn vào săn trộm cò-những thanh niên càn quấy, mê rượu và mê luôn món thịt cò. Ngoài dùng súng bắn, họ còn dùng keo dính chuột để bắt cò. Nhiều lần, anh Hùng bắt gặp những xác cò dính chặt trên thân cây, có con thì đang giãy giụa đưa ánh mắt yếu ớt, hoảng loạn cầu cứu. Anh cẩn thận lấy nhựa keo ra khỏi chân cò rồi nhẹ nhàng thả bay đi chứ không bao giờ làm hại chúng. Đưa tay chỉ xác một con cò nằm chỏng chơ nơi góc vườn, anh Hùng xót xa nói: “Nhìn thật tội nghiệp, chúng nhỏ bé, có tí thịt mà săn bắt làm gì”. Thậm chí, anh Hùng còn cho biết đàn cò rất hoảng sợ bởi tiếng súng. Trước đây, chúng đã bỏ khu vườn này đi cả tháng mới chịu quay lại.

Anh Trần Quang Trung (thuê trọ gần nhà bà Tiên) nhận xét: “Cò về di trú ở ngay trong phố này chứng tỏ đất lành chim đậu. Chiều nhìn những cánh cò trắng chao xuống vườn tre thích lắm. Sao lại săn bắn tội chúng!”. Theo anh Trung, nên tìm cách giữ gìn đàn cò và phát triển chúng để làm điểm du lịch. Không cần phải đi đâu xa, người dân Phố núi có thể tận mắt chiêm ngưỡng đàn cò sải cánh bay lượn trong mênh mông chiều, thưởng ngoạn khung cảnh nên thơ, yên bình của một vùng “quê giữa phố”.

Trong bóng chiều chạng vạng, hàng ngàn con cò trắng sau một ngày kiếm ăn lại tìm về khu vườn tre của bà Tiên tìm nơi trú ngụ. Tôi lặng ngắm và nghĩ đến ý tưởng của anh Trung. Quả là rất có lý khi mà Pleiku hiện không có nhiều những điểm du lịch ngay trong lòng phố. Có lẽ, đây là một trong những điểm đến mà ngành Du lịch nên lưu tâm, để những du khách chỉ có điều kiện lưu lại Pleiku trong thời gian ngắn cũng được “trao tặng” những khoảnh khắc đáng giá.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm