Cốt cán FULRO trở thành người uy tín tiêu biểu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ một cốt cán trong tổ chức phản động FULRO trở thành người có uy tín tiêu biểu của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai), câu chuyện về ông Puih Hiơng (68 tuổi, già làng Trol Đeng, thị trấn Chư Ty) truyền cảm hứng về tinh thần kiên định, quyết tâm hướng thiện và tấm lòng tận tụy vì cộng đồng.

“Tôi bận làm lại cuộc đời”

Ông Puih Hiơng sinh năm 1956 ở làng Trol Đeng, một ngôi làng Jrai hiền hòa thuộc thị trấn Chư Ty. Được cha mẹ cho đi học, ông trở thành thầy giáo dạy học ở huyện Đak Glei, tỉnh Kon Tum. Dù đi dạy, ông vẫn nuôi dưỡng ước mơ học lên nữa để trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mọi người.

Chẳng ngờ, vào một đêm cuối đông năm 1977, có người rủ Puih Hiơng trốn ra rừng theo FULRO. Hắn vừa lôi kéo, vừa đe dọa rằng nếu ở lại làng, ông sẽ bị chính quyền bắt bớ, giam giữ. Lo sợ, ông gia nhập FULRO mà không biết rằng vì quyết định sai lầm đó mà sau này phải trả giá rất đắt.

“Tôi ở trong rừng suốt 2 năm ròng rã, hoạt động mạn Kon Tum, Chư Păh, Biển Hồ… Không có người tiếp tế, cả bọn tự chống chọi với đói rét, ốm đau. Có khi đói quá, chúng tôi xuống núi xin ăn hoặc trộm thức ăn của bà con đi làm rẫy. Trong thời gian đó, họ phong cho tôi là “Tiểu đoàn phó” kiêm công tác tham mưu. Đến đầu năm 1980, tôi bị bắt tại Gia Lai. Thời gian đầu, tôi hy vọng những người đứng đầu tổ chức FULRO sẽ giúp mình thoát tội. Nhưng thực tế thì chẳng hề có một sự can thiệp nào, tôi bị đưa đi cải tạo ở Trại giam Nam Hà, tỉnh Hà Nam. Trong suốt 16 năm 3 tháng chấp hành án, không có một ai trong tổ chức FULRO mà tôi từng đặt niềm tin đến thăm hay ít ra là gửi cho tôi một lời động viên, an ủi. Sự thất vọng gặm nhấm tôi suốt chuỗi ngày dài sau song sắt nhà giam. Tôi cay đắng nhận ra mình đã sai, đã làm những việc hại đến nhiều người”-ông Hiơng tâm sự.

Già làng Puih Hiơng cùng cán bộ An ninh Công an huyện Đức Cơ thăm gia đình anh Rơ Mah Quýt. Ảnh: T.T

Già làng Puih Hiơng cùng cán bộ An ninh Công an huyện Đức Cơ thăm gia đình anh Rơ Mah Quýt. Ảnh: T.T

Quyết tâm sửa lỗi, Puih Hiơng phấn đấu cải tạo tốt và vận động các phạm nhân khác chấp hành quy định của trại giam, được cử vào Ban Trật tự của trại. Năm 1997, mãn hạn tù khi đã bước vào tuổi trung niên, ông về quê vợ ở làng Pleiku Roh, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku. Vợ qua đời, con gái đi lấy chồng, ông cảm thấy cô đơn trong căn nhà vắng lặng. Thế rồi, ông quyết định trở về làng Trol Đeng. Lúc này, FULRO lại tìm cách liên lạc với ông nhiều lần, nhất là người bạn học thời niên thiếu tên Ksor Blih (còn gọi là Ama Rơ Chel-đối tượng cốt cán trong tổ chức MFI, FULRO lưu vong ở Mỹ).

Có lần, Blih gửi cho ông 10 USD. Ông hỏi: “Gửi cho tôi với mục đích gì?” thì Blih nói: “Gửi anh uống cà phê”. Nghe vậy, ông Hiơng trả lời dứt khoát: “Tôi không nhận. Tôi bận làm lại cuộc đời. Anh ở bên đó đừng làm bậy, khổ bà con. Lỡ nghe theo anh bị tù tội như tôi, anh có giúp gì được họ không?”. Blih không trả lời được câu hỏi này.

Ngăn bà con không đi vào đường tối

Ông Hiơng kể: Cũng vào thời gian đầu sau khi ông về làng Trol Đeng, có người dẫn ông đi phỏng vấn. Họ hỏi ông muốn đi Mỹ không thì ông dứt khoát nói không đi. “Người ta nói tôi đã bỏ lỡ cơ hội đi Mỹ, bỏ cơ hội “đổi đời”. Nhưng tôi chưa một lần ân hận vì quyết định đó. Bởi thông qua người anh ruột đang ở Mỹ, tôi biết sự thật về cái gọi là “thiên đường”, là “miền đất hứa” mà người ta vẽ ra. Anh tôi liên tục gọi điện về khuyên tôi đừng đi. Ở bên đó, anh tôi cũng phải đi làm quần quật cả ngày mới đủ sống, rất mệt mỏi. Tôi cũng không muốn như Ksor Blih, nhận mấy đồng bạc nhơ bẩn từ các tổ chức phản động khác rồi tuyên truyền vào trong nước, xúi giục bà con làm điều sai trái, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Tôi tự nhủ, tốt nhất, tôi nên ở lại quê hương để ngăn bà con trong làng, trong xã không nghe kẻ xấu lôi kéo hoạt động FULRO, “Tin lành Đê ga”, vượt biên”-ông Hiơng trải lòng.

Trung tá Nguyễn Văn Chinh-Đội trưởng Đội An ninh (Công an huyện Đức Cơ): “Điều rất đáng trân trọng ở ông Puih Hiơng là tấm lòng luôn hướng đến cộng đồng và tinh thần kiên định. Ông lấy bài học của chính bản thân để tuyên truyền giúp bà con không mắc mưu FULRO và các thế lực thù địch; cùng lực lượng Công an đấu tranh ngăn chặn hoạt động phục hồi FULRO, “Tin lành Đê ga”; giáo dục, cảm hóa các đối tượng lầm lỡ, trong đó có nhiều đối tượng từng là cốt cán FULRO. Uy tín và sức ảnh hưởng của ông Hiơng không chỉ ở làng mà trên địa bàn toàn huyện. Với những đóng góp đó, ông 6 lần được Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen; 10 lần được Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào thi đua yêu nước”.

Hơn 26 năm ở làng Trol Đeng, ông Hiơng đã chứng kiến bao biến cố của các buôn làng trên địa bàn tỉnh khi bà con bị FULRO o ép, xúi giục gây rối, bạo loạn để rồi rơi vào vòng lao lý, nhất là vào các năm 2001, 2004. Những thời điểm nóng bỏng đó, có người đến rủ ông tái hoạt động FULRO. Họ tâng bốc quá khứ của ông, gọi ông là “anh cả” và hứa hẹn nhiều lợi ích nghe rất bùi tai. Nhưng đã nếm mùi cơ cực và đau khổ vì theo FULRO nên ông không mắc mưu nữa mà đồng hành cùng cán bộ Công an, chính quyền thuyết phục bà con ra trở về, không tham gia biểu tình, gây rối.

Ông Hiơng chia sẻ: “Mềm mỏng có, kiên quyết có, tôi lấy bài học của bản thân để ra sức ngăn nhiều trường hợp tránh bước vào sai lầm mà tôi từng trải qua, ngăn điều xấu độc làm hại buôn làng. Có lần vào nửa đêm, cán bộ Công an đến nhà đề nghị tôi cùng đến xã biên giới Ia Pnôn để ngăn cản Ksor Gai qua biên giới nhận tài liệu về để tuyên truyền, hoạt động FULRO. Tôi tức tốc đi ngay và thuyết phục thành công, tránh cho Gai lao vào con đường tội lỗi. Cũng có người cố chấp, không nghe tôi cảnh báo, theo FULRO làm điều sai trái nên phải nhận án phạt tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” như Siu Brơm (làng Ngol Rong, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ). Năm 2010, Ksor Blih liên lạc, chỉ đạo Brơm móc nối hoạt động cùng với các đối tượng tại TP. Pleiku, Chư Prông, Chư Sê, Đak Đoa, Đức Cơ thành lập cái gọi là “Hội thánh Tin lành Đê ga tỉnh Gia Lai” và được FULRO lưu vong phong làm “Chấp sự phó”. Sau gần 10 năm cải tạo, ngày Brơm trở về, tôi đến thăm, Brơm bảo: “Giờ tôi tin anh rồi”.

Cũng theo ông Hiơng, năm 2015, làng Trol Đeng có 3 người gồm Rơ Mah Quýt (SN 1978), Ksor Thái (SN 1979) và Kpuih Tuyl (SN 1989) trốn sang Thái Lan. Người ta tuyên truyền sang Thái Lan 2-3 ngày thì được đi nước thứ 3 luôn. Nhưng thực tế thì họ qua đó hơn 2 tháng mà chẳng thấy ai đoái hoài. Đi làm không đủ gạo ăn, lại sợ Cảnh sát Thái Lan bắt, họ đi theo một người Campuchia cùng cảnh ngộ về Campuchia rồi lẩn trốn trong rừng, khu vực giáp biên giới Việt Nam. Một tối, bố vợ Quýt hớt hải chạy sang nhà ông Hiơng hỏi có cách nào để đón họ về làng không? Ông liền điện thoại nhờ cán bộ Công an giúp đỡ. Thế rồi, cán bộ Công an làm các thủ tục rồi cùng ông trực tiếp vào rừng đón 3 người lầm đường trở về.

Ông nói với họ: “Hồi trước, chú thuộc thành phần được đi Mỹ nhưng chú đã quyết định ở lại quê hương. Ở đâu cũng phải lao động mới có ăn, nhưng đất khách quê người vất vả, khó khăn hơn nhiều. Các cháu qua Thái Lan một thời gian là hiểu rồi, ở Mỹ cũng thế thôi. Các cháu đừng đi đâu nữa, sống với bà con buôn làng đầm ấm, tình cảm, chịu khó làm ăn mới ổn định được”. Họ cúi đầu, lặng lẽ ăn năn.

Sau chuyến vượt biên hao tiền tốn của, trở về tay trắng, đời sống gia đình Quýt, Thái, Tuyl đều gặp khó khăn. Là tổ trưởng tổ vay vốn trong làng, ông Hiơng đề xuất chính quyền địa phương tạo điều kiện cho họ vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư phát triển kinh tế. Sau 8 năm nỗ lực, chăm chỉ làm ăn, hiện nay, cả 3 nhà đã ổn định. Anh Quýt làm kinh tế khá nhất, có 5 ha điều, 600 cây cà phê, mới xây căn nhà to đẹp trị giá 500 triệu đồng. Anh này còn được bà con tín nhiệm giao phụ trách điểm nhóm Tin lành Việt Nam miền Nam của làng. Cũng với mong muốn bà con không lầm đường lạc lối như mình, anh Quýt thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con sống tốt đời, đẹp đạo, không theo “Tin lành Đê ga”, không vượt biên.

Xây dựng làng Trol Đeng giàu đẹp

Cuộc sống của ông Hiơng ở làng Trol Đeng mỗi ngày trôi qua bình yên. Hơn 20 năm trước, ông tái hôn. Giờ con trai của ông cũng có gia đình riêng. Vợ chồng ông đi làm túc tắc, đào ao thả cá, chăm sóc 2 ha điều, 500 cây cà phê. Thỉnh thoảng, ông ra xã dự tập huấn rồi về hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cây điều, cà phê.

“Ngày xưa, vì theo FULRO mà ước mơ làm bác sĩ của tôi lỡ dở. Rất may, tôi không bị quá khứ đè nặng, được dân làng tin tưởng, lắng nghe. Tôi đưa ra những lời khuyên, hành động để ngăn bà con không bị tiêm nhiễm bởi cái xấu. Mong muốn được góp sức bảo vệ bình yên cho buôn làng, đẩy lùi những tập tục lạc hậu, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của người Jrai, tôi vận động bà con đau ốm phải đến trung tâm y tế chữa trị, không mời thầy cúng, thầy bói, không tin “ma lai, thuốc thư”. Tôi cũng khuyến khích bà con duy trì các nghề thủ công như đan lát, dệt thổ cẩm, tập đánh cồng chiêng, xoang… Tôi còn tự nguyện hiến tặng 3 sào đất để dân làng có không gian chung tổ chức các lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống”-ông Hiơng chia sẻ.

Trải qua bao thăng trầm, ông Hiơng luôn tìm thấy bình yên ở ngôi nhà nhỏ có nhiều cây cối, có ao cá dưới chân đồi làng Trol Đeng. Ông tâm sự: “Ngôi làng chính là nơi suốt cuộc đời tôi gắn bó, là cội nguồn sức mạnh để tôi quyết tâm sống có ích, góp sức củng cố tình đoàn kết, xây dựng buôn làng ấm no, giàu đẹp”.

Có thể bạn quan tâm