Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ngăn chặn sử dụng củi rừng sấy thuốc lá trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chỉ còn 1 tháng nữa là vào vụ sấy thuốc lá. Hiện tại, cả ngàn lò sấy ở khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai đang tích trữ củi để làm chất đốt. Chính quyền các địa phương đang tích cực chỉ đạo ngành chức năng tăng cường kiểm tra nhằm ngăn chặn việc chủ lò lén lút mua củi, gỗ rừng tự nhiên về sấy thuốc lá.


Cả ngàn lò sấy tích trữ củi


Lâu nay, các doanh nghiệp ký hợp đồng đầu tư cho nông dân trồng thuốc lá trên địa bàn đều thỏa thuận thu mua thuốc lá đã sấy khô. Để đáp ứng yêu cầu này, người trồng thuốc lá ở vùng Đông Nam tỉnh đã xây dựng gần 1.000 lò sấy (bình quân 2 ha thuốc lá/lò sấy). Theo công nghệ sấy thuốc lá đang áp dụng thì một mẻ sấy phải đốt bằng củi 2 ngày đầu khi lá thuốc còn tươi, yêu cầu ngọn lửa phải to để có nhiệt độ cao; 3 ngày tiếp theo mới sấy bằng trấu để giữ nhiệt độ vừa phải cho lá thuốc chuyển sang vàng. Để các lò sấy này hoạt động, người dân phải mua đủ loại củi, kể cả việc lén lút mua củi rừng tự nhiên để cất giấu, tích trữ làm chất đốt, dù việc làm này đang bị cấm. 

 Đống củi rừng tự nhiên trước lò sấy thuốc lá ở xã Chư Gu (huyện Krông Pa). Ảnh: P.T
Đống củi rừng tự nhiên trước lò sấy thuốc lá ở xã Chư Gu (huyện Krông Pa). Ảnh: P.T



Huyện Krông Pa có diện tích cây thuốc lá lớn nhất tỉnh. Ông Tô Văn Chánh-Chủ tịch UBND huyện-cho hay: Vài năm trở lại đây, diện tích cây thuốc lá vụ Đông Xuân ổn định ở mức 1.800-2.000 ha. Để phục vụ sấy lá thuốc thành nguyên liệu thuốc lá sợi vàng bán cho các doanh nghiệp, người dân trong huyện đã xây dựng gần 470 lò sấy. Theo phương pháp sấy thuốc lá truyền thống, người dân sử dụng lò sấy bằng củi hoặc dùng củi dẫn lửa phụ với trấu để làm chất đốt sấy thuốc lá.

Chỉ còn 1 tháng nữa là vào vụ thu hoạch thuốc lá. Lúc này, các chủ lò đang tích trữ củi để chuẩn bị cho vụ sấy. Đi dọc quốc lộ 25 qua địa bàn xã Chư Gu, Chư Rcăm hoặc trên đường vào xã Phú Cần, Ia Mlah đều thấy các đống củi cao ngất ngưởng nằm hai bên đường và trong sân, vườn những hộ dân có lò sấy thuốc. Bà Nguyễn Thị Nụ (thôn Chư Đông, xã Chư Gu) cho hay, gia đình bà trồng 1,5 ha thuốc lá. Lò sấy kiểu cũ gần 20 năm nay chỉ đốt bằng củi chứ không dùng trấu. Chỉ tay vào đống củi cao lút đầu người xếp ở sân, bà Nụ nói: “Để sấy 1,5 ha thuốc lá, gia đình phải mua 12-13 xe công nông củi, hết tổng cộng gần 25 triệu đồng. Trước đây, gia đình dùng củi rừng đốt giữ được ngọn lửa lâu, nhiệt độ cao hơn nên chỉ mất khoảng 15 triệu đồng tiền củi/vụ sấy, giờ củi rừng hiếm rồi, Kiểm lâm bắt dữ quá nên chỉ mua củi cây điều, cây xoài để sấy thuốc thôi”.

Đi tiếp vào buôn Lúk (xã Phú Cần), nơi được coi là “thủ phủ” thuốc lá của huyện Krông Pa, chúng tôi thấy rất nhiều lò sấy thuốc lá được xây dựng san sát. Ngoài đường, trước sân, trong vườn của các hộ dân, đâu đâu cũng thấy các đống củi cao ngất ngưởng. Ông Đinh Xuân Phúc (người dân buôn Lúk) cho hay, xung quanh nhà ông có 18 hộ dân đã xây hơn 20 lò sấy thuốc lá. “Nhà tôi trồng 2,5 ha thuốc lá, phải sấy khoảng 10 lò/vụ, chi phí tiền củi và trấu làm chất đốt hết 40 triệu đồng. Người ta chở củi cây xoài, cây điều đến tận lò bán với giá 3 triệu đồng/xe, mỗi xe chừng 4 ster củi”-ông Phúc nói.

Huyện Ia Pa cũng là địa phương có diện tích cây thuốc lá lớn với khoảng 700 ha. Toàn huyện có 218 lò sấy thuốc lá, trong đó, xã Ia Trok có 90 lò, hầu hết tập trung ở thôn Kơ Nia. Ông Triệu Văn Chèn (người dân thôn Kơ Nia) cho biết, người dân trong thôn chủ yếu là dân tộc Tày gốc Lạng Sơn, có nghề trồng thuốc lá từ lâu đời. “Khi đi kinh tế mới vào đây, chúng tôi thuê đất của người Jrai địa phương để trồng thuốc lá. Nhà tôi cũng thuê đất trồng 1 ha thuốc lá. Trước đây, tôi dùng củi rừng để sấy thuốc, nhưng giờ chỉ dùng củi cây điều cùng với trấu. Củi rừng sấy tốt hơn nhưng Kiểm lâm bắt phạt quá nên giá cao và không ai dám dùng”-ông Chèn cho hay.

Chưa phát hiện người dân sử dụng củi rừng tự nhiên trái phép

Khảo sát thực tế ở nhiều hộ dân có lò sấy thuốc lá tại huyện Krông Pa, Ia Pa và thị xã Ayun Pa, chúng tôi thấy hầu hết củi người dân tích trữ là củi cây điều, cây xoài, bạch đàn và một số ít nhà mua củi cây cà phê, cao su về làm chất đốt. Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết, người dân chủ yếu dùng củi có nguồn gốc từ cải tạo vườn tạp, thân cây điều, xoài… Diện tích điều của huyện trước đây lên đến 3.000 ha, nhưng hiện nay chỉ còn 600 ha. Sự sụt giảm đó là do người dân chặt bỏ diện tích vườn điều đã già cỗi, kém hiệu quả để tái canh hoặc chuyển sang cây trồng khác. Hầu hết thân điều được sử dụng làm củi bán cho các lò sấy thuốc lá.

Kiểm lâm Ia Pa kiểm tra đống củi của ông Triệu Văn Chèn ở thôn Kơ Nia xã Ia Trốc huyện Ia Pa. Ảnh: P.T
Kiểm lâm Ia Pa kiểm tra đống củi của ông Triệu Văn Chèn ở thôn Kơ Nia (xã Ia Trốc, huyện Ia Pa). Ảnh: P.T


Niên vụ 2019-2020, khu vực Đông Nam tỉnh có gần 3.000 ha thuốc lá, trong đó, huyện Krông Pa 2.000 ha, huyện Ia Pa gần 700 ha và thị xã Ayun Pa khoảng 300 ha.
 

Trong buổi chiều 13-1, chúng tôi thấy trước cổng một căn nhà khóa cửa có lò sấy thuốc lá ở buôn Lúk (xã Phú Cần) có đống củi rừng tự nhiên lẫn nhiều thân gỗ cà chít, căm xe, bằng lăng với đường kính 15-20 cm. Kiểm lâm địa bàn đi cùng cho hay, đây là gỗ người dân mua từ huyện Chư Prông về đã được kiểm tra và có giấy tờ hợp pháp. Còn trước sân căn nhà ở thôn Chư Đông (xã Chư Gu) có 2 đống củi, gỗ rừng tự nhiên chất cao. Gỗ được cắt đều đặn theo quy cách dài tầm 1 m, đường kính 10-20 cm, hầu hết là thân cây dầu lẫn cà chít, căm xe… Một thanh niên từ trong nhà đi ra với thái độ xét nét, từ chối cho chúng tôi biết họ tên. Anh nói, củi này do một người ở thị trấn Phú Túc mua từ xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) về bán lại. “Bố tôi mua 1 xe tải giá 23 triệu đồng, có giấy tờ hẳn hoi. Hôm trước, Kiểm lâm vào kiểm tra rồi. Ông già cất giấy, nhưng ông đi làm đồng rồi nên không lấy cho xem được”-anh này nói.

Ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa xác nhận thông tin trên. Ông Dụng cho biết, trên địa bàn, một số hộ dân mua củi rừng tự nhiên có nguồn gốc hợp pháp (củi khai thác từ công trình thủy lợi Ia Mơr, huyện Chư Prông) do thương lái vận chuyển về bán. Hạt Kiểm lâm huyện đã kiểm tra hồ sơ và đối chiếu với thực tế thấy phù hợp. Tuy nhiên, theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa, không loại trừ việc vẫn còn một số hộ lén lút cất giấu củi rừng tự nhiên chờ đến lúc vào vụ sấy mới chở về lò. Mới đây, lực lượng Kiểm lâm huyện đã phát hiện gần lò sấy thuốc lá thuộc buôn Ninh (xã Chư Drăng) có khoảng 2 ster củi rừng tự nhiên cắt ngắn theo quy cách phục vụ lò sấy thuốc lá. Tuy nhiên, qua xác minh không có người đến nhận nên lực lượng Kiểm lâm đã chở số củi nói trên về tạm giữ tại Hạt. 

Để ngăn chặn tình trạng người dân sử dụng củi rừng tự nhiên làm chất đốt sấy thuốc lá, UBND các huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh đã ra văn bản chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, Hạt Kiểm lâm phối hợp tuyên truyền, vận động và buộc chủ lò sấy thuốc lá ký cam kết không sử dụng củi rừng tự nhiên để sấy thuốc; đồng thời, thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm… Ông Hà Quang Tuyến-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa-cho biết: Còn 1 tháng nữa mới vào vụ sấy thuốc lá nhưng đơn vị đã chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn kiểm tra tất cả các lò sấy thuốc lá, tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ không được sử dụng củi gỗ rừng tự nhiên để làm chất đốt. Hạt Kiểm lâm huyện cũng tái kiểm tra lò sấy thuốc lá, nếu phát hiện vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, Hạt tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và phối hợp với đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra các lò sấy thuốc lá; phối hợp với 2 ban quản lý rừng tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn việc người dân vào rừng chặt củi về sấy thuốc lá. Đến nay, đơn vị chưa phát hiện trường hợp cất giấu củi rừng để sấy thuốc lá.

 

PHƯƠNG TẤN
 

Có thể bạn quan tâm