Báo xuân

Ngành Công thương: Nhiều giải pháp hiệu quả góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm qua, Sở Công thương đã thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp-thương mại trên địa bàn tỉnh và thu được kết quả tích cực góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội nhiệm kỳ 2010-2015 của tỉnh Gia Lai.
 

Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.

Triển khai nhiệm vụ của ngành Công thưong năm 2014 trong điều kiện kinh tế trong nước vẫn còn rất nhiều khó khăn như: sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi chậm, sức mua giảm, thị trường xuất khẩu còn gặp khó khăn; lãi suất cho vay giảm nhưng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển còn ít; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trong tỉnh còn thấp; tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Trước những khó khăn trên, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh và Bộ Công thương cùng với sự tập trung chỉ đạo, điều hành của tập thể lãnh đạo Sở, sự nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp, năm 2014 ngành Công thương Gia Lai đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của tỉnh giao. Một số chỉ tiêu chủ yếu của ngành thực hiện đạt, vượt và tăng so với kế hoạch năm 2013 như: giau trị sản xuất công nghiệp đạt 8.386 tỷ đồng (giá cố định 1994), tăng 11,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 33 ngàn tỷ đồng, tăng 19,2%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 620 triệu USD, tăng gấp 2,39 lần so với năm 2013 và là năm có kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất từ trước tới nay, vượt 106,8% kế hoạch; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 80,3 triệu USD.

Chủ động đôn đốc thực hiện các dự án nâng cấp lưới điện nông thôn bằng vốn vay ADB và vốn vay KFW, đã đóng điện 284/284 công trình (đạt tỷ lệ 100%). Tích cực triển khai thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện đạt sản lượng gần 17 ngàn kWh, tương đương trên 27 tỷ đồng.

Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Từ năm 2009 đến nay đã tổ chức được trên 30 đợt đưa hàng Việt về nông thôn với hơn 300 lượt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia và tổ chức nhiều điểm bán hàng lưu động mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thực hiện tốt việc kiểm tra, đôn đốc chuẩn bị dự trữ hàng hóa và triển khai kịp thời chủ trương của UBND tỉnh về tăng cường công tác bình ổn giá cả thị trường trong các dịp lễ, Tết; trong năm không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, gây bất ổn thị trường. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường và đạt kết quả tốt, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm.

Những kết quả đạt được trên đã làm tiền đề để Hội đồng Nhân dân tỉnh thống nhất quyết nghị, tiếp tục chỉ đạo ngành Công thương triển khai thực hiện đạt một số chỉ tiêu trong năm 2015 như: giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) 9.437 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 16.878 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 38.000 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu đạt 440 triệu USD.

 

Đưa hàng Việt về nông thôn.
Đưa hàng Việt về nông thôn.

Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu năm 2015, ngành Công thương đã xác định và triển khai một số giải pháp, nhiệm vụ cần tập trung thực hiện như: triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển công nghiệp, đổi mới các biện pháp quản lý, quản trị của doanh nghiệp, mở rộng sản xuất, cải tiến máy móc thiết bị và phát huy tốt công suất các nhà máy; đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa các dự án mới đi vào hoạt động, đồng thời thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất đúng thời vụ và đảm bảo tiêu thụ tốt sản phẩm làm ra.

Bên cạnh đó, tổ chức tốt thị trường lưu thông hàng hóa, đảm bảo cung cầu và ổn định thị trường giá cả. Trước hết, triển khai công tác dự báo thị trường, theo dõi, cập nhật thường xuyên diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sức mua của thị trường trong tỉnh, tổ chức tốt thị trường bán buôn, bán lẻ đảm bảo thông suốt đến các địa phương trong tỉnh. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổ chức nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Trước mắt, tăng cường các biện pháp để đảm bảo nguồn hàng, cung ứng hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu trước, trong và sau Tết Ất Mùi 2015, đồng thời tổ chức bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh.

Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu và kinh tế biên mậu, tập trung xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu với số lượng dự ước: cà phê 150.000 tấn/300 triệu USD, cao su 15.000 tấn/27 triệu USD, mì lát 125.000 tấn/32 triệu USD, gỗ tinh chế 11 triệu USD, các mặt hàng khác đạt 70 triệu USD. Tăng cường các biện pháp quản lý và đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ), phấn đấu trong năm 2015 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tại cửa khẩu này đạt khoảng 180 triệu USD.

Công tác quản lý thị trường cũng là nhiệm vụ mà ngành Công thương sẽ chú trọng triển khai trong năm 2015 nhằm chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn cũng như tuyến biên giới. Đồng thời, ngành cũng tăng cường công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến, thực hiện tốt chủ trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động.

Tin tưởng rằng, với những giải pháp cụ thể trên, ngành Công thương sẽ đạt được kế hoạch đề ra, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2011-2015.

Huỳnh Ngọc Tục
Giám đốc Sở Công thương Gia Lai

Có thể bạn quan tâm