Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ngành nông nghiệp Gia Lai: Vượt khó để phát triển ổn định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2018, thời tiết diễn biến thất thường, sâu bệnh hại khiến năng suất một số cây trồng giảm, cộng với giá cả nhiều mặt hàng nông sản tụt dốc đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đối diện với nhiều khó khăn như vậy song ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn phát triển ổn định, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa.
Thời tiết cực đoan, giá nông sản giảm
Vụ Đông Xuân 2017-2018, thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong vụ mùa 2018, do mưa sớm và kéo dài liên tục 3 tháng (từ tháng 6 đến tháng 8) đã làm hạn chế khả năng thâm canh, phát triển các loại cây trồng ở khu vực phía Tây. Bên cạnh đó, giá cả nhiều mặt hàng nông sản như: hồ tiêu, cà phê, mía... xuống thấp đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Cụ thể, trong năm 2018, hàng ngàn héc ta hồ tiêu của người dân tại các huyện: Chư Pah, Đak Đoa, Ia Grai, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông bị chết đồng loạt. Nguyên nhân khiến cây hồ tiêu chết là do thời tiết mưa kéo dài, nước không thoát kịp làm thối rễ, bệnh hại xâm nhập. Trong khi đó, giá hồ tiêu tiếp tục xuống thấp (chỉ còn khoảng 50.000 đồng/kg) khiến người trồng gặp rất nhiều khó khăn.
 Mô hình trồng rau an toàn của gia đình ông Nguyễn Việt Lào (thôn Vinh Hà, xã Ia Blang, huyện Chư Sê). Ảnh: Bội Ngọc
Mô hình trồng rau an toàn của gia đình ông Nguyễn Việt Lào (thôn Vinh Hà, xã Ia Blang, huyện Chư Sê). Ảnh: Bội Ngọc
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng diện tích cà phê của tỉnh là hơn 94.900 ha, năng suất bình quân đạt 28,6 tạ nhân/ha. Tuy nhiên, niên vụ 2018-2019, năng suất cà phê nhiều vùng giảm 30-50% so với niên vụ trước. Ngoài ra, giá cà phê hiện nay cũng chỉ dao động ở mức trên dưới 33.000 đồng/kg nhân, giảm 5.000-7.000 đồng/kg nhân so với vụ trước. Theo người trồng cà phê, với giá như hiện nay và năng suất giảm thì sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân không có lãi, thậm chí còn lỗ vốn. Ông Đỗ Văn Thức (thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cho biết: “Gia đình tôi có 6 ha cà phê. Năm nay thu hoạch chỉ được hơn 50 tấn cà phê tươi, giảm hơn một nửa so với vụ trước. Với giá hiện nay, tôi chỉ bán được hơn 350 triệu đồng, trong khi tiền đầu tư gần 400 triệu đồng”.
Nỗ lực vượt khó
Vượt qua những khó khăn gặp phải, năm 2018, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Cụ thể, tổng diện tích gieo trồng năm 2018 đạt 535.364 ha (đạt 100,59% kế hoạch năm), tăng 0,6% so với năm 2017. Trong đó, cây lương thực đạt 120.883 ha; cây tinh bột có củ 71.202 ha; cây thực phẩm 46.769 ha; cây công nghiệp ngắn ngày 48.135 ha; cây công nghiệp dài ngày 230.417 ha và một số cây hàng năm khác.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Theo đó, ngành đã triển khai hiệu quả cánh đồng lớn, áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm nước trên cây trồng cạn chủ lực, đưa cơ giới vào sản xuất, đẩy mạnh chương trình tái canh và ghép cải tạo cà phê, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn... Toàn tỉnh có hơn 23.571 ha cây trồng được áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (hơn 10.452 ha cà phê, 2.925 ha hồ tiêu, 2.499 ha cây ăn quả, 3.407 ha rau quả, 2.805 ha mía và hơn 1.474 ha cây trồng khác); thực hiện được 33 cánh đồng lớn với tổng diện tích 2.936 ha; tái canh cà phê được 3.358 ha (đạt 147,9% kế hoạch)...  
Theo ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trong năm 2018, cơ cấu cây trồng của tỉnh tiếp tục được điều chỉnh phù hợp, gắn với thị trường theo hướng phát huy lợi thế của địa phương. Nhiều mô hình sản xuất rau quả ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ đã đem lại thu nhập cao hơn 30-40% so với sản xuất thông thường. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có giá trị cao, gắn với công nghiệp chế biến; các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến được đưa vào sản xuất; năng suất, chất lượng cây trồng được nâng cao; hiệu quả sản xuất và thu nhập của người dân được cải thiện rõ nét... 
“Bước vào năm 2019, ngành Nông nghiệp tiếp tục hướng đến phát triển, liên kết, kết nối giữa sản xuất với chế biến. Đưa tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch, chế biến để tăng giá trị và lợi nhuận. Xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng, từng địa phương. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp tập trung chuyển đổi cây trồng, trong đó rà soát những diện tích lúa kém hiệu quả, diện tích hồ tiêu chết, diện tích mía năng suất thấp... để khuyến cáo người dân chuyển sang trồng cây khác có lợi thế hơn và phát triển thêm các loại cây ăn quả, các loại rau, hoa theo hướng công nghệ cao”-ông Trương Phước Anh cho biết.
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm