Báo xuân

Ngành Tài chính: Vượt qua thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2016, cùng với cả nước, tỉnh ta tiếp tục hoàn thành vượt mức thu ngân sách theo chỉ tiêu của Trung ương giao và mục tiêu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra. Tổng thu trên địa bàn đạt trên 3.540 tỷ đồng, vượt 6,9% so với năm trước. Tuy vậy, năm Bính Thân vẫn gặp nhiều “lận đận” đối với ngành Tài chính tỉnh nhà. Thu ngân sách vẫn gặp bất lợi, tỷ lệ tự cân đối giảm dần so với những năm trước và chưa đáp ứng được nhu cầu chi đầu tư phát triển, thực hiện chính sách an sinh xã hội, quốc phòng-an ninh và những nhiệm vụ chi thường xuyên quan trọng của địa phương ngày càng lớn.
 

Quầy giao dịch Kho bạc Nhà nước tỉnh.     Ảnh: Đ.T
Quầy giao dịch Kho bạc Nhà nước tỉnh. Ảnh: Đ.T

Mặc dù thu ngân sách nhà nước năm 2016 ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều vượt dự toán, nhưng thu cân đối ngân sách cấp tỉnh ước chỉ đạt 2.127 tỷ đồng. Do nắng hạn kéo dài nên sản lượng điện không đạt, nhiệm vụ thu của Văn phòng Cục Thuế tỉnh chỉ đạt 95% nên không đảm bảo cân đối được kế hoạch chi theo dự toán, số nợ đọng thuế tăng cao do một số doanh nghiệp lớn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, hiện nay, công tác quản lý thuế còn nhiều bất cập nên ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách địa phương. Nhiều khoản thu chưa đưa vào quản lý, việc phối hợp với cơ quan Tài chính huyện, thị xã, thành phố trong việc cấp giấy phép kinh doanh với cấp mã số thuế không chặt chẽ nên còn bỏ sót. Nhiều trường hợp kinh doanh cùng ngành nghề, cùng điều kiện như nhau nhưng số thuế nộp chênh lệch giữa các hộ quá lớn, gây tâm lý không tốt cho người nộp thuế. Việc phân cấp nguồn thu cho các huyện, thị xã, thành phố chậm và chưa tích cực nên chưa thật sự khuyến khích các địa phương thực hiện nhiệm vụ thu, nhất là các nguồn thu về tài nguyên khoáng sản, kinh doanh dịch vụ, các doanh nghiệp có số doanh thu lớn trên địa bàn…

Công tác phân bổ dự toán chi ngân sách được đổi mới theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa và thực hiện phân cấp quản lý theo ngành nên đã huy động được các nguồn lực để bổ sung cho cân đối ngân sách, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và dịch vụ công. Tuy nhiên, công tác quyết toán, quản lý, giám sát, kiểm soát chi thiếu chặt chẽ, nhất là chi xây dựng cơ bản và một số nhiệm vụ chi thường xuyên nên còn lãng phí, thất thoát gây bất bình trong nhân dân.

 

Nhà máy MDF Gia Lai.        Ảnh: Đ.T
Nhà máy MDF Gia Lai. Ảnh: Đ.T

Năm 2017 được xác định là năm khởi đầu cho thời kỳ mới để ổn định quản lý ngân sách của 4 năm (2017-2020), nghĩa là phải thực hiện đúng tinh thần chủ động và sáng tạo của các cấp quản lý ngân sách và các đơn vị sử dụng ngân sách, thực hiện ổn định mức bổ sung cân đối  trong 4 năm. Theo đó, địa phương, đơn vị nào quản lý tốt nguồn thu, nhiệm vụ chi có hiệu quả sẽ phát triển, nâng thu nhập cho người dân và cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị, địa phương. Ngược lại, nếu không quản lý tốt sẽ khó khăn, thậm chí sẽ không hoàn thành nhiệm vụ. Năm Đinh Dậu 2017 cũng là năm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh và cũng là năm mà tỉnh Gia Lai quyết tâm thực hiện công tác mời gọi đầu tư.

Tuy vậy, năm 2017 vẫn còn là năm có nhiều khó khăn, thách thức, do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai từ những năm trước, giá cả hàng hóa sản xuất và tiêu dùng không ổn định, vốn tín dụng nhà nước hạn chế, tín dụng “đen” chưa được ngăn chặn, đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa và công nhân, người lao động chưa được cải thiện, việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều bất cập và đáng lo ngại, tệ nạn xã hội phức tạp, an ninh biên giới còn nhiều khó khăn, tiềm lực quốc phòng quân sự địa phương cần được quan tâm. Đó là những nhiệm vụ lớn mà ngành Tài chính phải nhận thấy để chủ động tham mưu tính toán, cân đối trên cơ sở điều chỉnh, cơ cấu lại nguồn thu, nhiệm vụ chi một cách hợp lý, hiệu quả, gắn nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế với đảm bảo xã hội phát triển, chăm lo sức khỏe nhân dân, đồng thời giữ vững quốc phòng-an ninh trong tình hình mới.

Theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, mục tiêu đề ra cho năm 2017 là tổng thu ngân sách trên địa bàn phải đạt từ 3.613 tỷ đồng trở lên, tổng chi ngân sách địa phương là 9.934 tỷ đồng. Điều này cho thấy việc cân đối ngân sách còn phụ thuộc lớn vào nguồn bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương, mục tiêu tăng dần mức tự cân đối trên địa bàn là rất khó. Việc khắc phục vấn đề này chỉ bằng con đường tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ để thoái vốn, bổ sung đủ vốn điều lệ cho các doanh nghiệp lâm nghiệp hoạt động. Đồng thời, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, giảm dần chi thường xuyên, đẩy mạnh phân cấp, điều chỉnh, cơ cấu lại nhiệm vụ chi hợp lý theo hướng sắp xếp thứ tự ưu tiên. Bên cạnh đó, cần tổ chức lại bộ máy quản lý hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập để tinh giản biên chế một cách phù hợp theo hướng trọng dụng người tài, kiêm nhiệm nhiều việc, nhất là cấp cơ sở để nâng cao thu nhập từ tiền lương và hiệu quả công việc thông qua khoán biên chế, sử dụng ngân sách được giao.

Năm Đinh Dậu 2017 là năm đánh dấu cho quá trình vượt qua khó khăn, thách thức mới, mở đầu cho thời kỳ hội nhập của tỉnh nhà. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức ngành Tài chính phải tinh thông nghiệp vụ, nỗ lực thật sự trong tư duy và hành động. Chúng ta tin tưởng rằng, với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Bộ Tài chính, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị-xã hội, sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành của các doanh nghiệp và sự giúp đỡ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, ngành Tài chính Gia Lai sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Th.S Nguyễn Dũng
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính

Có thể bạn quan tâm