Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ngành Y tế Gia Lai: Vì sự hài lòng của người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển (2/3/1950 - 2/3/2020), ngành Y tế Gia Lai luôn bám sát yêu cầu chính trị của địa phương, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vì sự hài lòng của người dân.  
Những kết quả nổi bật
Trong hai cuộc kháng chiến đầy khó khăn gian khổ, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, đối diện với bom đạn, cái chết cận kề, đội ngũ cán bộ y tế trong tỉnh đã không quản hy sinh, kiên trì bám làng, bám dân, “ba cùng” để vận động quần chúng, chăm sóc sức khỏe, khám-chữa bệnh (KCB), xây dựng đời sống mới. Trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, mỗi thầy thuốc vừa là “người mẹ hiền”, vừa là một chiến sĩ thực thụ.
Sau chiến tranh, ngành Y tế tỉnh Gia Lai tiếp tục khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đến nay, mạng lưới y tế của tỉnh được củng cố vững chắc. Tuyến tỉnh có 6 bệnh viện, 2 Chi cục, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Giám định Y khoa, Trung tâm Pháp y, Trường Trung cấp Y tế. Tuyến huyện có 17 trung tâm y tế đa chức năng, 222 trạm y tế tuyến xã; có 3 bệnh viện tư nhân. Toàn ngành có 4.355 cán bộ y tế, trong đó có 893 bác sĩ. Toàn tỉnh hiện có 196 trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% xã trên địa bàn tỉnh có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 2.100 nhân viên y tế  thôn, gần 200 cô đỡ thôn.
Đội ngũ y-bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh tham gia cấp cứu bệnh nhân với thiết bị máy móc hiện đại. Ảnh: Đức thụy
Đội ngũ y-bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai tham gia cấp cứu bệnh nhân với thiết bị máy móc hiện đại. Ảnh: Đức Thụy
Đội ngũ cán bộ y tế tỉnh không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo ở tất cả các tuyến, nhất là đội ngũ bác sĩ. Nếu như năm 2015 chỉ có 7,18 bác sĩ/vạn dân, 80% xã có bác sĩ thì đến nay đạt 7,7 bác sĩ/vạn dân, 90% xã có bác sĩ. Công tác y tế dự phòng được triển khai hiệu quả. Nhiều loại dịch bệnh đã được khống chế, đẩy lùi và từng bước khống chế các bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm. Công tác KCB có bước chuyển biến tích cực. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được thực hiện, chất lượng chuyên môn y tế các tuyến từng bước được nâng lên. Người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế dễ dàng hơn, đặc biệt là các chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi và các đối tượng chính sách. Đội ngũ y-bác sĩ có sự chuyển biến rõ rệt về phong cách, thái độ phục vụ người bệnh. Các cơ sở y tế được đầu tư xây dựng xanh-sạch-đẹp. Nhờ đó đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tăng tỷ lệ hài lòng của người bệnh.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang triển khai 2 khoa: Tim mạch (50 giường bệnh); Ung bướu và Y học hạt nhân (40 giường bệnh) trong khuôn khổ dự án Bệnh viện vệ tinh; bước đầu hoạt động có hiệu quả, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị. Cụ thể: Khoa Tim mạch là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội; Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai.
Thực hiện chương trình hợp tác hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ TP. Hồ Chí Minh cho tỉnh Gia Lai, thời gian qua, các cơ sở KCB của tỉnh đã tiếp nhận, ứng dụng các kỹ thuật mới, thành tựu y học tiên tiến vào công tác KCB, góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh. Các bệnh viện tuyến tỉnh đã triển khai nhiều phương tiện, máy móc hiện đại như: CT-Scanner, MRI, máy nội soi, C-ARM, máy chạy thận nhân tạo, máy xét nghiệm đa chức năng... triển khai nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu mà trước đây chỉ thực hiện ở bệnh viện tuyến trung ương như: phẫu thuật nội soi, phẫu thuật thần kinh-cột sống, vi phẫu thuật thần kinh sọ não… Từ đó góp phần giảm tải cho những bệnh viện tuyến trung ương, đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại chỗ, giảm nhiều chi phí điều trị cho người bệnh. Ở tuyến cơ sở, các bác sĩ được tạo điều kiện đào tạo nâng cao trình độ. Công tác đào tạo đội ngũ y tế tuyến xã được chú trọng, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân lực tuyến cơ sở, đáp ứng nhu cầu KCB của người dân.
Song song với sự phát triển của hệ thống y tế công, các cơ sở y tế tư nhân cũng hình thành và thể hiện vai trò tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, triển khai nhiều kỹ thuật cao tại địa phương, nhất là Bệnh viện Đại học Y Dược-Hoàng Anh Gia Lai.
Nâng cao chất lượng phục vụ, vì sự hài lòng của người dân
 Mạng lưới y tế tỉnh Gia Lai ngày càng phát triển, đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân ngay từ tuyến cơ sở. Ảnh: N.N
Mạng lưới y tế tỉnh Gia Lai ngày càng phát triển, đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân ngay từ tuyến cơ sở. Ảnh: N.N
Phát huy những kết quả đạt được trong 70 năm qua, ngành Y tế tỉnh đang tập trung toàn lực, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai các hoạt động phòng-chống dịch bệnh Covid-19 với quyết tâm không để bệnh bùng phát và lây lan trên địa bàn. Theo đó, ngành đẩy mạnh truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng-chống dịch bệnh nói chung. Chủ động giám sát dịch tễ, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng-chống sốt rét, sốt xuất huyết, sởi, bạch hầu, viêm não…
Cùng với đó, ngành Y tế sẽ triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác KCB, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở. Phát triển và mở rộng dịch vụ, kỹ thuật y tế tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, cải thiện và nâng cao hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện trong toàn hệ thống. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính trong KCB; triển khai tốt các nội dung hợp tác với TP. Hồ Chí Minh trên cơ sở kế hoạch đã ký kết với các đơn vị y tế của thành phố về hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế... Tiếp tục thực hiện đấu thầu thuốc tập trung theo quy định để chủ động nguồn cung ứng thuốc cho các đơn vị y tế. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc thiết yếu, vắc xin, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm, sinh phẩm y tế, máu và chế phẩm máu phục vụ cho công tác KCB và phòng-chống dịch bệnh, cũng như khi có thiên tai xảy ra... Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu phấn đấu cuối cùng của ngành Y tế tỉnh nhà là sự hài lòng của người dân.  
NGUYỄN ĐÌNH TUẤN
Phó Giám đốc Sở Y tế 

Có thể bạn quan tâm