Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ngày 28-10, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận 2 dự thảo luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 28-10, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên thảo luận trực tuyến để đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). 
Tham gia thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), hầu hết đại biểu Quốc hội đánh giá cao những quy định đổi mới, tiến bộ trong dự thảo Luật; đồng thời đề nghị cần rà soát kỹ để đảm bảo thi đua, khen thưởng thực chất, thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Các đại biểu cho rằng, không phủ nhận vai trò động lực và hiệu quả của thi đua khen thưởng đối với đời sống xã hội và xây dựng bảo vệ Tổ quốc. 
Tuy nhiên, trên thực tế, có thi đua để phát huy, có thi đua để khắc phục, hoàn thiện hơn nên cần khắc phục tính hình thức và chạy theo thành tích. Vì vậy, Luật cần có quy định rõ, cụ thể, khen thưởng phải theo công trạng của cá nhân, tập thể mới thực sự động viên đối tượng được khen thưởng, khích lệ cộng đồng nỗ lực hướng tới.
Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV ở đầu cầu Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn
Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV ở điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần quan tâm khắc phục việc quy định xét thi đua tính theo tỷ lệ mà không phân cấp rõ ràng trong đăng ký dẫn đến việc tổ chức bình xét, đánh giá còn nể nang, còn phân định cấp trên, cấp dưới nên mang tính hình thức. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát và bổ sung về phạm vi, thẩm quyền phát động, chỉ đạo phong trào thi đua để có quy định khuyến khích mọi hình thức thi đua với sự tham gia của đa dạng, đông đảo các thành phần, tầng lớp xã hội.
Đóng góp và dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, việc sửa đổi là phù hợp nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khắc phục những bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành và đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập của nền điện ảnh Việt Nam. 
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần quan tâm đến chính sách đầu tư phát triển điện ảnh, việc sản xuất phim, phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim, quy định về hội đồng thẩm định và phân loại phim… Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định theo hướng tổ chức, cá nhân thực hiện phổ biến phim phải tự phân loại phim và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế “hậu kiểm” nội dung phim để đảm bảo hiệu quả, kịp thời kết hợp với chế tài xử lý vi phạm. Các đại biểu cũng ủng hộ quan điểm ngân sách Nhà nước phải bảo đảm là chủ lực, chi phối để phổ biến điện ảnh đến với đồng bào các dân tộc, nhất là ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số... 
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm