Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ngày làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Gia Lai: Đánh giá tổng thể tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2019

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hôm qua (9-12), kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI đã khai mạc. Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu nghe đại diện HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và một số ban, ngành báo cáo tình hình hoạt động trong năm 2019 và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 cùng một số nội dung quan trọng khác.
Các ông, bà: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Phan Chung-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ayun H'Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp. Tham dự kỳ họp có ông: Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng
Báo cáo tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng khẳng định: Năm 2019, kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển đúng hướng và đạt kết quả khả quan; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Theo đó, kết thúc năm 2019, dự ước có 20/21 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh năm 2010) tăng 8,16%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phù hợp, trong đó, nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm 37,34%, công nghiệp-xây dựng chiếm 28,41%, dịch vụ chiếm 34,25%. GRDP bình quân đầu người đạt 49,8 triệu đồng.
Tuy giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu... giảm so với năm 2018 nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng ổn định nhờ việc gia tăng xuất khẩu một số mặt hàng như: hoa quả tươi, nước ép hoa quả, trái cây đóng hộp, hạt điều nhân, tinh bột mì. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 ước thực hiện 500 triệu USD, đạt 100% kế hoạch, tăng 6,38% so với năm 2018. Thu ngân sách nhà nước năm 2019 trên địa bàn ước đạt 4.908 tỷ đồng, bằng 109% dự toán Trung ương giao, bằng 100,06% dự toán HĐND tỉnh giao (bằng 98,16% kế hoạch phấn đấu), tăng 8,86% so với năm 2018.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang (thứ 3 từ trái sang) trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang (thứ 3 từ trái sang) trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
“Song song với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Đến nay, TP. Pleiku đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018. Thị xã An Khê đang hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên toàn tỉnh lên 72 xã, đạt tỷ lệ 39,1%; có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 69 làng nông thôn mới”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng phấn khởi thông tin tại kỳ họp.
Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, kêu gọi đầu tư tiếp tục được UBND tỉnh quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả khả quan. Chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng lên, các nhiệm vụ trọng tâm được ngành giáo dục thực hiện nghiêm túc, tích cực. Mạng lưới và nguồn lực y tế không ngừng được củng cố và phát triển; công tác xã hội hóa y tế được chú trọng. Các vấn đề bức xúc xã hội, đơn thư khiếu nại, tố cáo được tập trung xử lý. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng, bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2019, ngành nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn như diễn biến thời tiết không thuận lợi; bệnh dịch tả heo châu Phi, sâu keo mùa thu hại bắp, khảm lá vi rút hại mì, bệnh trắng lá mía hoành hành. Tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép vẫn còn diễn ra ở một số địa phương. Phạm pháp hình sự tuy giảm nhưng tính chất, hậu quả một số vụ xảy ra nghiêm trọng. Tình trạng vay “tín dụng đen”, lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn xảy ra ở một số địa phương.
Cùng chung nhận định, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang cho rằng: “Tuy các chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch nhưng thực tế vẫn còn không ít hạn chế, khuyết điểm cần nghiêm túc nhìn nhận, phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục. Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực phấn đấu với quyết tâm chính trị cao nhất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm, tạo thế và lực cho giai đoạn phát triển mới”.
Tập trung giải quyết kiến nghị của cử tri
Cũng trong ngày làm việc đầu tiên, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh đã trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri 17 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trước kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XI.
Thời gian qua, nông dân trên địa bàn tỉnh gặp khó bởi giá hồ tiêu và cà phê xuống thấp. Cử tri tại các huyện Ia Grai, Mang Yang và TP. Pleiku đề nghị UBND tỉnh có chính sách trợ giá đối với 2 loại cây trồng chủ lực này; đồng thời có hướng hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Về vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai đồng bộ các giải pháp từ khâu tổ chức sản xuất đến tăng cường xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Cụ thể, đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh định hướng phát triển vùng chuyên canh các cây trồng chủ lực của tỉnh về quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất theo 2 nhóm sản phẩm gồm: sản phẩm chủ lực của tỉnh và đặc sản của địa phương. “Ủy ban nhân dân tỉnh đang chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cũng như truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên nói.
Các đại biểu bỏ phiếu bầu bổ sung thành viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu bỏ phiếu bầu bổ sung thành viên UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Đức Thụy


Trong ngày 9-12, HĐND tỉnh đã tiến hành miễn nhiệm, bầu bổ sung thành viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, ông Đỗ Việt Hưng-Giám đốc Sở Xây dựng và Đại tá Lê Kim Giàu-Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã trúng cử chức vụ Ủy viên UBND tỉnh khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021); đồng thời thống nhất miễn nhiệm chức vụ Ủy viên UBND tỉnh khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021) đối với ông Lê Xuân Hòa-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và ông Bùi Khắc Quang-nguyên Giám đốc Sở Công thương do được nghỉ chế độ hưu trí theo quy định.

Trả lời ý kiến của cử tri huyện Phú Thiện về việc hiện nay, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn không có đất ở, đất sản xuất nên lấn chiếm đất rừng để lập các khu dân cư trái phép. Do vậy, UBND tỉnh cần xem xét có chủ trương lập các dự án bố trí dân cư cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Về vấn đề này, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Phú Thiện rà soát các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất theo đúng tiêu chí quy định. Từ đó, xác định diện tích đất cần bố trí để lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để triển khai thực hiện.
Cử tri TP. Pleiku phản ánh nạn phá rừng vẫn xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, trong khi đó việc xử lý cán bộ vi phạm còn nhẹ. Ông Kpă Thuyên khẳng định: “Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như rà soát, củng cố các trạm, chốt bảo vệ rừng tại các điểm nóng; tổ chức nhiều đoàn tuần tra, kiểm soát cũng như triển khai công tác thu hồi đất rừng bị lấn chiếm và trồng rừng nhằm khôi phục rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Tuy nhiên, kết quả đạt được của một số đơn vị, địa phương chưa cao, chưa triệt để”. Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cũng thông tin: Năm qua, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành xử lý quyết liệt các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, không bao che, dung túng. Cụ thể, năm 2019, riêng Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành xem xét kỷ luật 35 cán bộ, công chức, viên chức để xảy ra các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn. Đối với các vụ phá rừng, khai thác rừng trái phép có dấu hiệu phạm pháp hình sự, UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiến hành điều tra, khởi tố vụ án; đã khởi tố vụ án, khởi tố 42 bị can, đưa ra xét xử 17 bị cáo liên quan đến các sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trong năm 2019.
Ngoài ra, một số kiến nghị của cử tri liên quan đến vấn đề đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế, đất đai, tài nguyên-môi trường và các vấn đề về an sinh xã hội khác cũng đã được UBND tỉnh trả lời cụ thể ngay tại kỳ họp. 
Bên cạnh đó, trong ngày làm việc đầu tiên, Thường trực HĐND tỉnh đã báo cáo kết quả giám sát của HĐND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, kết quả giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 và các kỳ họp trước của HĐND tỉnh khóa XI chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa dứt điểm…
Hôm nay (10-12), kỳ họp sẽ tiếp tục với phần thảo luận tổ và thảo luận chung tại hội trường.
 DUNG TẤN

Có thể bạn quan tâm