Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ngày làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI: Kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hôm qua (8-12), kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XI đã khai mạc dưới sự chủ trì của ông Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và bà Ayun HBút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Tham dự kỳ họp có các ông: Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan cùng 72/77 đại biểu HĐND tỉnh.

 

Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã nghe đại diện HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và một số ban, ngành báo cáo tình hình hoạt động trong năm 2020 và mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 cùng một số nội dung quan trọng khác.

Những kết quả quan trọng

Báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông nhấn mạnh: Mặc dù chịu tác động tiêu cực bởi thiên tai và dịch Covid-19 nhưng tỉnh ta đã nỗ lực và đạt nhiều kết quả quan trọng. Dự ước có 15/21 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch mà Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 6,3% (trong đó, nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,91%; công nghiệp-xây dựng tăng 6,66%; dịch vụ tăng 6,6%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 51,9 triệu đồng/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 30.000 tỷ đồng, bằng 100% Nghị quyết, tăng 15,39% so với năm 2019...

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy


Năm qua, ngành nông nghiệp đã thể hiện được vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản ước thực hiện 30.186 tỷ đồng, bằng 100,5% kế hoạch, tăng 5,84% so với năm trước. Toàn tỉnh có trên 28.130 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Công tác phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Toàn tỉnh hiện có 68 dự án xin chủ trương đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.

“Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 88 xã và 97 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới. Gia Lai có thêm 107 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn lên 149. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 4,5%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn 6,25%. Công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực. An ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí…”-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông thông tin.

Ông Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Ông Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy


Trong số 21 chỉ tiêu chủ yếu năm 2020 mà Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, có 6 chỉ tiêu không đạt gồm: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP); thu nhập bình quân đầu người; kim ngạch xuất khẩu; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ; số lao động được tạo việc làm mới. Đánh giá về vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Châu Ngọc Tuấn cho rằng: “Bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức được đánh giá là chưa từng có trong lịch sử, đó là đại dịch Covid-19; cùng với đó là những vấn đề về biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ... đã tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội. Sản xuất kinh doanh bị đình trệ, giao thương, đầu tư bị gián đoạn; các hoạt động xã hội, nhất là y tế, giáo dục-đào tạo, du lịch, văn hóa, thể dục thể thao và đời sống mọi mặt của nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng”. Ngoài ra, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng chỉ rõ, việc triển khai các nhiệm vụ năm 2020 vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: việc triển khai một số chương trình, dự án trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm; công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản ở một số địa phương còn buông lỏng. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh vẫn còn để xảy ra nhiều vụ khai thác, phá rừng trái pháp luật gây dư luận xấu…

Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu: Cùng với việc quyết định những công việc theo thẩm quyền, các đại biểu cần tập trung thảo luận, phân tích kỹ lưỡng, chỉ rõ nguyên nhân, thống nhất các giải pháp, giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, từng cấp, trước hết là cho các cơ quan, đơn vị chủ trì và người đứng đầu từng sở, ngành, địa phương để nhanh chóng khắc phục có hiệu quả những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra.

Nhiều tờ trình bám sát thực tiễn

Bám sát các yêu cầu đặt ra trong tình hình thực tiễn, 18 dự thảo nghị quyết của UBND tỉnh trình tại kỳ họp lần này đề cập về các nội dung liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cũng như những vấn đề bức thiết đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, nhiều vấn đề quan trọng trên các lĩnh vực khác nhau đã được trình bày tại các tờ trình như: dự thảo Nghị quyết danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất trong năm 2021; dự thảo Nghị quyết danh mục các công trình, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh; dự thảo Nghị quyết phê duyệt dự toán thu, chi và phương án phân bổ ngân sách nhà nước năm 2021; dự thảo Nghị quyết phê duyệt Kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2021…

Các đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy



Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Tờ trình số 2355/TTr-UBND ngày 19-11-2020 về đề nghị quyết định chủ trương đầu tư Chương trình kiên cố hóa hạ tầng giao thông và kênh mương trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 500 tỷ đồng; ngân sách huyện, xã, huy động trong nhân dân và các nguồn khác là 500 tỷ đồng. Chương trình hứa hẹn sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, đảm bảo quốc phòng-an ninh, giảm nghèo bền vững nếu được HĐND tỉnh thông qua.

Tương tự, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh xem xét thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng diện tích qua tổ chức rà soát, tổng hợp danh mục 251 công trình, dự án cần thu hồi trong năm 2021 trên địa bàn là hơn 1.892,6 ha. Dự kiến tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng là hơn 1.529,7 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh hơn 130,1 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện hơn 336,5 tỷ đồng và nguồn vốn khác hơn 1.040 tỷ đồng.

 “Trong số các dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình, một số nội dung có tính chất quan trọng, tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế-xã hội của nhân dân trong những năm tới, đòi hỏi các đại biểu cần tập trung thảo luận kỹ lưỡng như: chủ trương đầu tư Chương trình kiên cố hóa hạ tầng giao thông và kênh mương trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025; quy định về người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị-xã hội ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai…”-Chủ tịch HĐND tỉnh Châu Ngọc Tuấn đặc biệt nhấn mạnh.

Cũng trong phiên làm việc đầu tiên, các đại biểu đã nghe báo cáo đánh giá kết quả công tác năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2021 của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông báo công tác tham gia xây dựng chính quyền năm 2020; UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh…

Hôm nay (9-12), kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XI sẽ tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với nội dung thảo luận tổ và thảo luận chung tại hội trường.

DUNG TẤN

Có thể bạn quan tâm