Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ngày làm việc đầu tiên, kỳ họp thứ 9-HĐND tỉnh Gia Lai khóa X: Kết quả đạt được và thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề "nóng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Như GLO đã đưa tin, ngày 15-7, kỳ họp thứ 9-HĐND tỉnh Gia Lai khóa X bước vào ngày làm việc đầu tiên. Trong ngày làm việc, các đại biểu đã được nghe đại diện HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ tỉnh và một số ngành báo cáo về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015; nghe nội dung các tờ trình của UBND trình tại kỳ họp.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,75%
 

Ảnh: Đức Thụy
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Trong 6 tháng đầu năm 2015, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo thực hiện của UBND, sự phối hợp của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể cùng sự nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, nhân dân và các doanh nghiệp trong toàn tỉnh, nhìn chung, kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển đúng hướng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững.
 
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 11,75%. Trong đó, nông-lâm nghiệp, thủy sản tăng 6,3%, công nghiệp-xây dựng tăng 12,21%, dịch vụ tăng 14,34%. Kết thúc vụ Đông Xuân, toàn tỉnh đã gieo trồng được 64.381 ha cây trồng các loại (vượt 0,5% kế hoạch, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước). Tổng sản lượng lương thực 148.554 tấn (đạt 85,5% kế hoạch). Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện 4.307 tỷ đồng (tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 6 tháng ước đạt 18.739 tỷ đồng (bằng 49,3% kế hoạch, tăng 13%). Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 185 USD (bằng 42% kế hoạch, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước)...

Thu ngân sách 6 tháng đạt 1.536,6 tỷ đồng (bằng 61,3% dự toán Trung ương giao, 56,9% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước); chi ngân sách 6 tháng đạt 3.800 tỷ đồng (bằng 47,7% dự toán Trung ương giao, 46,1% dự toán HĐND tỉnh giao, cao hơn 3,5% so với cùng kỳ năm trước); tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 24.200 tỷ đồng (tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước); tổng dư nợ cho vay là 48.300 tỷ đồng (tăng 26% so với cùng kỳ năm trước)... Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung chỉ đạo quyết liệt; phân bổ 118 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2015. Đến nay, đã có 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục, y tế, khoa học-công nghệ, thông tin-truyền thông tiếp tục có bước phát triển. Duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học; tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 an toàn, nghiêm túc; giải quyết việc làm mới cho 10.817 lao động; thực hiện trợ cấp cho 23.333 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập: Khô hạn xảy ra trên diện rộng, kéo dài gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp; giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực xuống thấp, kim ngạch xuất khẩu giảm; tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí, phạm pháp hình sự tuy giảm về số vụ nhưng xảy ra nhiều vụ nghiêm trọng; tệ nạn xã hội, tự tử, chết đuối... còn xảy ra nhiều.

Tập trung vào những vấn đề “nóng”

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong ngày làm việc đầu tiên là việc đánh giá kết quả giám sát “Tình hình triển khai thực hiện và chất lượng phát triển cây cao su trên đất rừng nghèo theo Dự án phát triển 50.000 ha cao su trên địa bàn tỉnh từ năm 2008 đến nay”.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ông Hà Sơn Nhin-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại kỳ họp.  Ảnh: Đức Thụy

Theo báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, vừa qua, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát tại UBND tỉnh, UBND các huyện Đức Cơ, Chư Prông, Chư Pưh, Ia Pa và các điểm đã khai hoang, trồng cao su từ năm 2008 đến nay của một số doanh nghiệp tại các địa phương trên.  Sau cuộc giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã có những kết quả sát thực và cụ thể.

Theo đó, UBND tỉnh đã cho phép 44 dự án trồng cao su trên đất rừng tự nhiên nghèo, cho 17 doanh nghiệp thuê đất trồng cao su trên địa bàn 5 huyện Đức Cơ, Chư Prông, Chư Pưh, Ia Pa, Ia Grai với diện tích 32.555,6 ha. Tổng kinh phí đầu tư là 4.670,2 tỷ đồng. Theo kết quả giám sát, đến nay, tổng diện tích cao su trồng mới trên đất lâm nghiệp là 25.547 ha, nâng tổng diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh hiện nay lên khoảng gần 100.000 ha. Hầu hết diện tích trồng mới cây cao su đều thuộc địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, là những nơi nhạy cảm về tình hình an ninh-quốc phòng. Bởi vậy, các dự án này đã góp phần cải thiện kinh tế cho người dân, xây dựng các công trình vùng dự án (điện, đường, trường, trạm...), thu hút và sử dụng lao động, đặc biệt là lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Đồng thời, tham gia cùng chính quyền địa phương góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh nông thôn trên địa bàn vùng biên giới.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ông Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại kỳ họp . Ảnh: Đức Thụy

Tuy nhiên, qua 7 năm thực hiện, chương trình chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cây cao su chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Đến nay, chỉ mới trồng được 25.547,5 ha, đạt 51,1% kế hoạch. Tình trạng tranh chấp đất trong vùng dự án giữa doanh nghiệp và người dân vẫn chưa được xử lý triệt để (tại địa bàn huyện Chư Prông, Chư Pưh, Mang Yang). Hầu hết phần diện tích đã được xây dựng cơ sở hạ tầng vùng dự án đều chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhiều doanh nghiệp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phá vỡ quy hoạch, tự ý trồng cỏ, nuôi bò trên diện tích đất được giao trồng cao su.
 

Chiều cùng ngày, kỳ họp đã tiến hành biểu quyết miễn nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đối với ông Phạm Thế Dũng (đã nghỉ hưu theo quy định); miễn nhiệm chức Ủy viên UBND tỉnh Gia Lai khóa X, nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Trần Đình Thu (do chuyển công tác). Đồng thời, kỳ họp cũng đã tiến hành biểu quyết bầu bổ sung ông Vũ Văn Lâu-Giám đốc Công an tỉnh vào chức vụ Ủy viên UBND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2011-2016.

Bên cạnh đó, chất lượng phát triển cây cao su thấp và có xu hướng chết dần. Theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, diện tích cao su bị chết và kém phát triển là 2.598,8 ha (chiếm 10,2% diện tích cao su đã trồng). Có một số diện tích cao su chất lượng sinh trưởng và phát triển kém, tỷ lệ sống đạt thấp (65%). Việc tuyển dụng lao động dài hạn vào làm công nhân của một số dự án trồng cao su chưa đạt kế hoạch...

Theo đánh giá của HĐND tỉnh, qua 7 năm triển khai dự án, theo quy định đến nay các doanh nghiệp chưa phải nộp tiền vào ngân sách. Trong khi đó khoản tiền từ việc bán gỗ, củi tận thu trên diện tích khai hoang vẫn còn nợ ngân sách tỉnh hơn 8 tỷ đồng.

 

Các đại biểu bỏ phiếu bầu bổ sung ông Vũ Văn Lâu-Giám đốc Công an tỉnh vào chức vụ Ủy viên UBND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2011-2016 Ảnh: Trần Dung
Các đại biểu bỏ phiếu bầu bổ sung ông Vũ Văn Lâu-Giám đốc Công an tỉnh vào chức vụ Ủy viên UBND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2011-2016. Ảnh: Trần Dung

Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu cũng đã được thông qua kết quả tham vấn lấy ý kiến nhân dân về địa giới hành chính giữa tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum tại các xã Kon Pne, xã Đak Rong (huyện Kbang) và các xã Ia Khươl, Ia Phí (huyện Chư Pah).

Ngày mai, kỳ họp tiến hành phiên thảo luận tại tổ. GLO sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Trần Dung-Minh Triều

Có thể bạn quan tâm