Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ngày làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XII: Xem xét nhiều nội dung quan trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 7-12, HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã khai mạc kỳ họp thứ 9 dưới sự chủ trì của các ông, bà: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ayun H'Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Trong ngày làm việc đầu tiên, kỳ họp đã tập trung xem xét nhiều nội dung quan trọng.
 

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (bìa trái) trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (bìa trái) trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực

Trong phiên làm việc sáng 7-12, các đại biểu đã nghe Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H'Bút thay mặt Thường trực HĐND tỉnh báo cáo tình hình hoạt động năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023. Theo đó, với tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực của Thường trực HĐND tỉnh, năm 2022, các ban HĐND tỉnh đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với UBND tỉnh tổ chức thành công 5 kỳ họp HĐND tỉnh để quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương theo thẩm quyền. Sau các kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành kịp thời thông báo kết quả kỳ họp và hoàn chỉnh, phát hành 84 nghị quyết đúng quy định. Thường trực HĐND tỉnh cũng đã thống nhất, quyết định ban hành 52 nghị quyết chấp thuận chủ trương xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh và quyết định các nội dung khác thuộc thẩm quyền. “Trong năm, HĐND tỉnh tổ chức 3 cuộc giám sát chuyên đề; tổ chức 53 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND tỉnh với 4.250 lượt cử tri tham dự. Ngoài ra, việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền quan tâm giải quyết, trả lời cho công dân theo quy định, đã bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, được công dân đồng tình, ủng hộ”-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thông tin.

Thay mặt UBND tỉnh báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành nêu rõ: Năm 2022, Gia Lai có 19/21 chỉ tiêu kế hoạch đạt và vượt so với năm 2021. Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2022 (theo giá so sánh 2010) tăng 9,27% so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp; GRDP bình quân đầu người đạt 60,45 triệu đồng. Bên cạnh đó, diện tích gieo trồng, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu, số doanh nghiệp thành lập mới... tăng so với năm 2021. Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm. Triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy


Đánh giá về kết quả đạt được trong năm 2022, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Trong từng lĩnh vực, chúng ta vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: có 2 chỉ tiêu chính không đạt so với nghị quyết HĐND tỉnh đề ra; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; việc triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết một số khu vực chưa kịp thời; lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất toàn tỉnh và một số địa phương chậm ban hành; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra; tai nạn giao thông tăng cả 3 chỉ số… Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu: “Trên cơ sở tình hình thực tiễn của đơn vị, địa phương, chúng ta nêu cao trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận nhằm đánh giá sát, đúng những kết quả đã đạt được, những bất cập, hạn chế và chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cho cả giai đoạn 2020-2025”.

Xem xét nhiều tờ trình quan trọng

Trong phiên làm việc buổi chiều, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông cùng lãnh đạo các sở, ngành thay mặt UBND tỉnh trình bày 30 tờ trình đề nghị HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về: quy định mức chi hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên tham gia khóa đào tạo để nâng cao năng lực và mức chi hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; quy định nội dung và mức chi kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới thuộc Chương trình “Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030”… Trong đó, đáng chú ý là tờ trình để HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết “Quy định chi tiết danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Dự thảo nghị quyết này nêu rõ nội dung như: mức thu dịch vụ bán trú; dạy các môn tự chọn: Tiếng Anh, Tin học và các môn năng khiếu, kỹ năng sống; dịch vụ phục vụ trực tiếp người học; dịch vụ đưa đón học sinh đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông trình bày một số tờ trình do UBND tỉnh trình tại kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông trình bày một số tờ trình do UBND tỉnh trình tại kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy



Để lấy ý kiến của người dân đối với dự thảo nghị quyết này, trước đó, bên cạnh tiếp thu, chỉnh sửa các ý kiến thẩm tra của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải thông tin công khai trên trang thông tin của Sở, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết này. Các ý kiến tại hội nghị đều cho rằng việc ban hành nghị quyết là cần thiết. Đồng thời, đề nghị việc thực hiện các khoản thu phải đảm bảo sát với tình hình thực tế của từng vùng, miền nhưng trên nguyên tắc đảm bảo công bằng xã hội và chất lượng giáo dục. Đối với các học sinh thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo nên có chính sách miễn thu, giảm các khoản thu... Ngoài ra, để tránh lạm thu, lạm chi trong quá trình tổ chức thực hiện phải có vai trò, trách nhiệm của hội phụ huynh; có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan tài chính, HĐND và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp theo quy định.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết “Quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Thay mặt UBND tỉnh trình bày dự thảo, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-nêu rõ: Nghị quyết này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh gồm: Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh, UBND cấp huyện, xã và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Việc xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết này là hết sức cần thiết. Nghị quyết góp phần tạo cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất từ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời, giải ngân các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2022 và những năm kế tiếp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa thay mặt UBND tỉnh trình bày một số tờ trình. Ảnh: Đức Thụy
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa thay mặt UBND tỉnh trình bày một số tờ trình. Ảnh: Đức Thụy


Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp đều có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Do đó, đề nghị các đại biểu tham dự kỳ họp tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận, phân tích về những nguyên tắc, mục tiêu, chính sách quan trọng, nguồn lực thực hiện của từng dự thảo nghị quyết; phân tích, đánh giá thấu đáo các tác động của chính sách và các nội dung cụ thể quy định trong dự thảo nghị quyết, bảo đảm nghị quyết của HĐND tỉnh có tính thống nhất, đồng thuận cao và thuận lợi trong tổ chức, triển khai thực hiện.

Trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri

Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên đã trực tiếp trả lời và chỉ đạo giải quyết 13 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XII. Trong đó, cử tri TP. Pleiku kiến nghị về việc dự án nông nghiệp công nghệ cao trên đất Dự án 327 tại làng B và thôn 6 (xã Gào) đã được UBND tỉnh ra quyết định sơ tuyển nhà thầu nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa triển khai thực hiện, gây bức xúc trong Nhân dân. Cử tri TP. Pleiku đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoặc hủy bỏ kết quả sơ tuyển nhà thầu để mời gọi các nhà đầu tư khác triển khai dự án.

Trả lời kiến nghị này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên cho biết: Sau khi rà soát các hồ sơ liên quan đến dự án nông nghiệp công nghệ cao tại làng B và thôn 6 (xã Gào), UBND TP. Pleiku đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh hủy kết quả sơ tuyển nhà thầu đối với dự án trên. Cuối năm 2021, UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tư pháp và các ngành báo cáo cụ thể việc hủy kết quả sơ tuyển nhà thầu. Tuy nhiên, qua rà soát, các ngành báo cáo một số vướng mắc do pháp luật chưa có quy định hoặc hướng dẫn liên quan đến hủy kết quả sơ tuyển nhà thầu. Vì vậy, UBND tỉnh đã có Công văn số 5253/VP-CNXD ngày 3-12-2021 yêu cầu UBND TP. Pleiku rà soát, củng cố lại toàn bộ hồ sơ có liên quan đảm bảo chặt chẽ về cơ sở pháp lý, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để kiểm tra, xử lý. Trường hợp không đủ cơ sở pháp lý đề xuất thì chủ động có văn bản xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn xử lý theo đúng quy định.

Đối với kiến nghị của cử tri huyện Đak Đoa về xúc tiến kêu gọi đầu tư tại khu quy hoạch thương mại thị trấn đã được đưa vào quy hoạch thu hút đầu tư thành khu thương mại, siêu thị và được giải tỏa, san ủi từ năm 2020 đến nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên thông tin: Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi đầu tư dự án Siêu thị Trung tâm và Khu dân cư mới Đak Đoa tại Khu quy hoạch thương mại thị trấn Đak Đoa. Hiện đã hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhưng còn vướng mắc về quy trình xử lý sắp xếp tài sản công. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát xử lý để hoàn thành chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trong tháng 12-2022.

Ngày 8-12, đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tổ.

QUANG TẤN - TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm