Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ngày làm việc thứ 3 kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh khóa XI: Nhiều ý kiến từ thảo luận tổ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Kỳ họp thứ ba-HĐND tỉnh Khóa XI từ ngày 10 đến 13-7-2017 đã chia làm 8 tổ để thảo luận. Qua thảo luận trong 1 buổi (sáng ngày 11-7) đã có trên 66 lượt ý kiến tham gia với nhiều vấn đề được đại biểu quan tâm. Các ý kiến đã bày tỏ sự đồng tình cao với các báo cáo của HĐND và UBND tỉnh; phấn khởi trước những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2017. Hầu hết các ý kiến cho rằng mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, 6 tháng đầu năm 2017 đã cơ bản hoàn thành được các nhiệm vụ trọng tâm, kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định.

Một số ý kiến của các đại biểu. Ảnh: Đ.T
Ảnh: Đức Thụy

Báo Gia Lai Điện tử lượt trích một số ý kiến của các đại biểu:

Về Báo cáo số 44/BC-HĐND ngày 10-7-2017 của Thường trực HĐND tỉnh về kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ Hai, HĐND tỉnh khóa XI.

- Việc tạm ứng trước nguồn kinh phí của tỉnh để chi trả tiền hỗ trợ cho 269 hộ dân có đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi dưới 30% để thực hiện dự án đường Đông Trường Sơn theo kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh tại báo cáo 44/BC-HĐND ngày 10-7-2017 là không đúng quy định vì Bộ Tổng Tham mưu đã không chấp nhận chi trả cho tỉnh và nếu sau khi trình Thủ tướng Chính phủ không đồng ý chi trả lại số tiền trên lại cho tỉnh thì tỉnh lấy nguồn ở đâu để trả lại số tiền đã tạm ứng.

- Thường trực HĐND có giám sát về giải quyết kiến nghị cử tri tại kỳ họp thứ Hai có phần giải quyết chi trả cho 269 hộ thuộc dự án đường Đông Trường Sơn theo Nghị định 69 của Chính phủ quy định UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, tuy nhiên lại quy định thêm đối tượng bị thu hồi đất dưới 30% nhưng không có tiền trả cho người dân, đến nay UBND tỉnh vẫn chưa đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề này.

- Việc các tổ đại biểu tập hợp các ý kiến, kiến nghị cử tri chưa phân loại ý kiến của cấp huyện để trả lời cho cử tri mà dồn lên đề nghị UBND tỉnh trả lời là không đúng. Do đó, đề nghị Thường trực HĐND tỉnh quan tâm, chỉ đạo.

- Đề nghị UBND tỉnh báo cáo tiến độ kiểm kê phân loại ba loại rừng để sớm có văn bản thay thế Quyết định 53/QĐ-UBND ngày 4-2-2008 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Gia Lai; sau khi có kết quả rà soát ba loại rừng, tiến hành thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để giao lại cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất.

- Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương cùng vào cuộc, tìm ra phương thức làm khoa học hơn khi thực hiện thu hồi đất lâm nghiệp. Rà soát lại diện tích nào thu hồi, diện tích nào giao cho người dân.

- Tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn phức tạp. Hạn chế ở cách thức quản lý, vấn đề đặt ra là cơ chế, chính sách cho lực lượng nòng cốt là Kiểm lâm địa bàn?

- Công tác bảo vệ và phát triển rừng còn bất cập: Việc sắp xếp bộ máy tổ chức quản lý, bảo vệ rừng (các chủ rừng, các Ban quản lý) chưa phù hợp; nhiều diện tích rừng chưa có chủ đang do UBND cấp xã tạm thời quản lý trong khi công việc của UBND cấp xã nhiều nhưng thiếu nhân sự, trình độ chuyên môn không chuyên, quy mô quản lý rộng, địa hình rừng núi xa xôi, phức tạp… vì vậy xã không đủ nhân lực để quản lý, bảo vệ rừng; công tác phối hợp với chính quyền địa phương chưa tốt. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, rà soát, xác định để thành lập đủ các Ban quản lý rừng phòng hộ chuyên trách nhằm quản lý phần diện tích rừng do xã tạm thời quản lý hiện nay. Đồng thời điều chỉnh, sắp xếp lại các BQL cho phù hợp với quy mô quản lý, nhân lực của đơn vị, điều kiện địa giới hành chính; củng cố công tác phối hợp thực hiện giữa chính quyền địa phương và các chủ rừng…

- Việc trồng rừng hiện nay phần lớn là nằm ở phía Đông Trường Sơn, thường mùa mưa rơi vào tháng 9, 10 nên việc chúng ta lấy việc trồng rừng phía Tây (mùa mưa diễn ra từ tháng 2 đến tháng 6) để đánh giá tình hình trồng rừng hiện nay không đạt là không chính xác.

- Đề nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh diện tích đất rừng thuộc địa bàn hành chính huyện Ia Grai nhưng đang do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly quản lý về cho BQL rừng phòng hộ Bắc Ia Grai quản lý nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phù hợp với việc thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng ở khu vực này.

+ Vẫn để xảy ra tình trạng vận chuyển trái phép lâm sản, ngày 20-1-2017 tại tiểu khu 174 xã Hà Tây thuộc lâm phần Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh, đề nghị UBND tỉnh trong thời gian đến cần làm rõ người để ra sai phạm và xử lý quyết liệt nhằm răn đe trong thời gian đến.

- Theo báo cáo của UBND tỉnh toàn tỉnh hiện có 9.010 ha cây trồng tưới bằng công nghệ tiết kiệm nước, cần phải đánh giá đầy đủ nội dung này: Tỷ lệ diện tích cây trồng hiện nay tưới bằng công nghệ này đạt bao nhiêu? Phấn đấu trong năm và đến năm 2020 là bao nhiêu diện tích? Giải pháp khuyến khích, hỗ trợ bằng biện pháp cụ thể nào để tăng tỷ lệ này.

- Về xây dựng cánh đồng lớn còn nhiều khó khăn: quy hoạch, cam kết của nhà máy, các quy chế… Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hướng dẫn cụ thể.

- Các cơ quan chuyên ngành của UBND tỉnh cần nêu giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng bệnh trắng lá mía, nguyên nhân tại sao để bệnh kéo dài khi việc phát hiện từ lâu, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn ở đâu khi khoán trắng cho người nông dân.

- Việc chủ trương phát triển ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao là chủ trương lớn của Tỉnh ủy, đề nghị UBND tỉnh cần có những biện pháp hỗ trợ cụ thể thêm cho nhân dân và doanh nghiệp, hiện nay chưa có biện pháp hỗ trợ nào. Đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân của những hạn chế khuyết điểm và các giải pháp trong thời gian tới như thế nào. Những vấn đề tồn tại hạn chế thuộc về lãnh đạo và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp.

- Hiện nay, tình trạng thực phẩm bẩn, không an toàn còn tồn tại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo hơn nữa về an toàn vệ sinh thực phẩm ở các khâu hợp đồng, tuyển dụng nhân sự; mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ kiểm tra vệ sinh thực phẩm; hình thành các khu giết mổ tập trung… để thuận tiện quản lý, kiểm tra, xử lý, nâng cao hiệu quả công tác này.

- Đề nghị UBND tỉnh làm rõ tính chính xác của việc thông báo lũ, chỉ đạo kịp thời chấn chỉnh việc thông báo lũ đợt tháng 12/2016 của thủy điện An Khê - Kanak không chính xác làm cho người dân chủ quan khi có lũ đến không ứng phó kịp. Đề nghị, Công ty thủy điện An Khê - Kanak hỗ trợ thêm cho người dân bị thiệt hại do lũ gây ra, vì hiện nay áp dụng hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh là chưa thỏa đáng với sự đầu tư của người dân.

- Để giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển (hiện nay chi thường xuyên chiếm đến 75% dự toán chi hàng năm, trong khi chi đầu tư phát triển và các chương trình mục tiêu quốc gia… chỉ chiếm 25% dự toán chi), đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở Nội vụ, Sở Tài chính tham mưu tìm ra giải pháp hướng dẫn công tác xã hội hóa các ngành, lĩnh vực, nhằm tinh giảm bộ máy hành chính Nhà nước, dừng chia tách địa giới hành chính, khuyến khích việc sáp nhập và thực hiện việc kiêm nhiệm các chức danh.

- Thu ngân sách nhà nước cao nhất so với cùng kỳ của nhiều năm trước nhưng thu thuế từ khu vực công nghiệp 6 tháng đầu năm chỉ đạt 45,7% dự toán Trung ương giao và đạt 45,3% dự toán của HĐND tỉnh giao, chưa đạt so với kế hoạch. Đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp để thực hiện đạt kế hoạch đề ra vì đây chính là nguồn thu quan trọng trong cơ cấu thu ngân sách tỉnh.

- Nợ thuế hiện còn ở mức cao và có tăng so cùng kỳ nhưng giải pháp và chỉ tiêu đề ra để phấn đấu cuối năm 2017 đạt thấp hơn 5% là khó thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh giải trình rõ và cụ thể hơn.

- Đề nghị Cục thuế tỉnh công khai danh sách các doanh nghiệp nợ thuế. Nợ bao nhiêu/doanh nghiệp? Đề nghị cho biết vì sao có tình trạng doanh nghiệp nợ thuế, tuyên bố giải thể và thành lập doanh nghiệp mới rồi lại nợ thuế, tuyên bố giải thể,.. Trách nhiệm quản lý thuộc về cơ quan nào? Giải pháp trong thời gian tới?

- Tình trạng nợ đọng các loại bảo hiểm gần 125 tỷ đồng, chiếm 6,5% tổng số phải thu, đề nghị UBND nêu cụ thể định hướng, giải pháp trong thời gian đến?

- Về xây dựng đường Hồ Chí Minh tuyến tránh đi qua thành phố Pleiku: Đoạn qua địa bàn huyện Chư Pah dài 5,15 km đã ảnh hưởng đến 104 hộ dân phải giải tỏa, đền bù, di dời; khi triển khai thực hiện ảnh hưởng đến kênh mương thuỷ lợi, đường dân sinh; Mặt đường khi hoàn thành đưa vào sử dụng có bề rộng là 24,75 mét, nhưng trong quy hoạch là 100m, hiện tại là đối với những hộ dân có GCN QSD đất nhưng nhà cửa xuống cấp không xây dựng được. Giá đền bù thấp so với giá thị trường (hiện còn 15 hộ dân chưa thống nhất, đền bù cây trồng xen canh bằng một nửa so với cây trồng chính là thấp. Việc công trình triển khai chậm không phải do địa phương mà do đơn vị thi công.

- Dự án đường quốc lộ 25 (đoạn tránh thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) được xác định đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, nếu để kéo dài sẽ càng khó khăn hơn cho việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng sau này. Đề nghị UBND tỉnh có kiến nghị với Trung ương sớm có kế hoạch cấp kinh phí thực hiện dự án nói trên.

- Về quy hoạch du lịch: Mặc dù đã triển khai nhưng kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và mong muốn của nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp, tập trung triển khai thực hiện, nhất là công tác quảng bá về du lịch của tỉnh nhà. So với tiềm năng du lịch tỉnh ta không thua các tỉnh bạn nhưng chưa tận dụng, chưa phát huy thế mạnh, chưa kêu gọi đầu tư nhưng người thực hiện chưa thực sự có tâm, có tầm, chưa tham mưu, đề xuất được gì cho tỉnh.

- Hiện nay, việc xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. UBND tỉnh cần có giải pháp, chỉ đạo quyết liệt và tăng cường các nguồn lực để 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch đề ra.

- Một số địa phương huy động quá sức dân, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân nông thôn. Đề nghị chọn những xã có tiềm năng về các tiêu chí, kết hợp chọn những doanh nghiệp có hoạt động gắn với nông thôn và cần có chương trình “khởi nghiệp cho nông dân”.

- Theo báo cáo UBND tỉnh đánh giá việc phát hiện, bắt giữ ma túy tăng 48,08% so với cùng kỳ nhưng lực lượng Công an chưa phát hiện đường dây buôn bán ma túy lớn hoặc trung chuyển ma túy từ địa phương khác hoặc từ Lào, Campuchia vào địa bàn tỉnh, nhưng qua báo cáo của Viện Kiểm sát vẫn xác định được nguồn ma túy đưa vào tỉnh ta từ phí Bắc và phía Nam. Vậy, chức năng của Công an đã làm hết nhiệm vụ chưa hay còn buông lỏng.

- Một số ý kiến nhận định các đội, trạm cảnh sát giao thông trên các quốc lộ 19, 25 vào mùa ép niên vụ 2016-2017 “hoạt động tích cực”, đều đặn 24/24, nhưng vẫn có tình trạng xe quá tải quanh nhà máy đường An Khê, Ayun Pa. Cơ quan báo chí đã phản ánh tình trạng xe chở quá khổ, quá tải, trách nhiệm của ngành chức năng? Người dân phản ánh vấn đề tiêu cực trong vấn đề vận chuyển mía có không. Đề nghị UBND tỉnh kiểm tra giải trình để HĐND biết...

Gia Lai online

Có thể bạn quan tâm