Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Bàn giải pháp phục hồi và tăng trưởng kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 7-7, nhiều vấn đề nổi cộm trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục được các đại biểu HĐND tỉnh Gia Lai đưa ra bàn thảo. Các đại biểu tại 5 tổ thảo luận đã thẳng thắn trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ đối với những vấn đề còn vướng mắc.

Các giải pháp phục hồi và tăng trưởng kinh tế; giảm tỷ lệ nợ thuế; đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2022; chỉ tiêu giảm nghèo; đào tạo, giải quyết việc làm năm 2022; các hoạt động kích cầu du lịch… cùng nhiều vấn đề quan trọng khác đã được các đại biểu đưa ra thảo luận sôi nổi và thẳng thắn.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nêu lên những vướng mắc trong Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Đức Thụy
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nêu lên những vướng mắc trong Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Đức Thụy


Đối với vấn đề được các đại biểu quan tâm và đề cập nhiều tại phiên thảo luận là Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất cấp huyện còn chậm tiến độ.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tỉnh đấu thầu, thuê đơn vị tư vấn triển khai thực hiện từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc. Bởi hiện vẫn chưa có quy hoạch cả nước cũng như quy hoạch vùng Tây Nguyên. Bất cập này khiến các địa phương gặp khó khăn trong việc lập quy hoạch sử dụng đất cũng như các kế hoạch khác.

Đề cập đến kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của các địa phương hiện còn chậm, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng: “Đây là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cũng như hoạt động giám sát của HĐND ở các huyện, thị xã, thành phố chưa sâu sát; thiếu đôn đốc việc triển khai thực hiện. Ngoài ra, Sở Tài nguyên-Môi trường chưa làm việc hết trách nhiệm, việc phối hợp thực hiện chỉ dừng lại giữa Sở với huyện, chưa trực tiếp làm việc với cấp ủy, HĐND để chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt hơn”.

Về tình hình nợ thuế, nhiều đại biểu cho rằng cần phải kiên quyết thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ theo quy định. Tính đến ngày 30-6-2022, tổng nợ thuế toàn ngành là 531,3 tỷ đồng. Trong đó, nợ khó thu là 26,6 tỷ đồng, nợ chờ xử lý là 61,2 tỷ đồng; đang trình các cấp có thẩm quyền xử lý xóa nợ, nợ đang khiếu nại, khiếu kiện, nợ có khả năng thu là 443,5 tỷ đồng. Như vậy, khoản nợ có khả năng thu còn chiếm tỷ lệ cao.


Các đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Cục Thuế tỉnh có giải pháp tích cực hơn nữa để giảm tỷ lệ nợ thuế. “Chúng ta không thể nêu giải pháp là cưỡng chế chung chung mà phải đưa ra giải pháp cụ thể cho từng trường hợp. Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thu hồi nợ đọng, đảm bảo đúng đối tượng và số tiền thuế nợ, mang lại hiệu quả cao trong công tác thu nợ”-đại biểu Nguyễn Đình Phương-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh-nêu giải pháp.

Bàn về kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch của tỉnh, đại biểu Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-nhấn mạnh: “Trong 6 vừa qua, ngành Du lịch của tỉnh đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Chúng tôi đã tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, tiếp thị phát triển các sản phẩm của địa phương, nhằm thu hút khách du lịch và triển khai mạnh mẽ các chương trình kích cầu du lịch”. Theo đó, nhờ triển khai kế hoạch phục hồi phát triển các hoạt động du lịch tỉnh năm 2022 với phương châm thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh, tổng lượt khách tham quan, du lịch ước đạt 475.000 lượt (tăng 87% cùng kỳ). Doanh thu du lịch ước đạt 290 tỷ đồng (đạt 58% kế hoạch, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ).

Theo đại biểu Trần Ngọc Nhung, thời gian tới, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cùng các địa phương sẽ tập trung quản lý tốt các hoạt động tổ chức lễ hội, biểu diễn nghệ thuật; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Tham mưu UBND tổ chức Festival cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai lần thứ II-năm 2022; tổ chức Hội diễn Nghệ thuật các huyện biên giới (mở rộng) lần thứ nhất năm 2022. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện các giải pháp trong kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch năm 2022; triển khai "Kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam"; tổ chức lớp tập huấn công tác quảng bá, xúc tiến điểm đến cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Nhiều ý kiến tâm huyết được đưa ra tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đức Thụy
Nhiều ý kiến tâm huyết được đưa ra tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đức Thụy


Liên quan đến các chính sách về dân tộc, một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận đó là những tác động từ Quyết định 861 ngày 04-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, tổng kinh phí thực hiện chế độ, chính sách trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm hơn 137,8 tỷ đồng với 263.056 đối tượng bị ảnh hưởng; do các xã khu vực III, khu vực II biến động giảm khu vực và các thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II đã ra khỏi danh sách được phê duyệt giai đoạn 2021-2025.

Về vấn đề này, đại biểu Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh-có ý kiến: “Ban Dân tộc tỉnh cũng đã có tham mưu cụ thể cho UBND tỉnh. Hiện nay Gia Lai chỉ còn huyện Kông Chro còn hưởng chính sách huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ. Việc thực hiện các chính sách dân tộc trong thời gian tới nếu không có sự lồng ghép với các chương trình, dự án khác thì cũng sẽ gặp rất khó khăn”.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thùy Trang-Bí thư Đảng ủy xã Ia Tul (huyện Ia Pa)-băn khoăn: Mặc dù ngay từ đầu năm, khi phân bổ dự toán, huyện Ia Pa đã thực hiện cắt giảm tối đa các nhiệm vụ chi thường xuyên khác để ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các chế độ chính sách theo Nghị quyết số 136/2021/NQ-HĐND ngày 25-2-2021 của HĐND tỉnh Gia Lai về Quy định về chức danh, bố trí số lượng người, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố và khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị-xã hội ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Gia Lai và Nghị quyết 285/NQ-HĐND ngày 10/12/2020 của HĐND tỉnh Gia Lai về việc Phê chuẩn Đề án tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025 của HĐND tỉnh. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không đảm bảo đủ nguồn để thực hiện, vì số kinh phí còn thiếu lên tới hơn 9,8 tỷ đồng và nằm ngoài khả năng cân đối của huyện. Ngoài ra, Nghị quyết 136/2021/NQ-HĐND hiện còn nhiều bất cập trong thực hiện; một số nội dung hướng dẫn chưa cụ thể, rõ ràng, nhất là việc hỗ trợ phụ cấp kiêm nhiệm thêm chức danh để hưởng chế độ.

Cũng trong phiên thảo luận tổ chiều ngày 7-7, một số vấn đề khác đã được các đại biểu cho ý kiến như: vấn đề đào tạo nghề cần gắn với nhu cầu địa phương, bổ sung các giải pháp cụ thể để thực hiện chỉ tiêu lao động qua đào tạo đảm bảo; quan tâm giải quyết các chính sách cho đội ngũ ngành Y tế, nhằm giảm tình trạng nhân viên y tế bỏ việc, qua đó góp phần giải quyết khó khăn về nguồn nhân lực y tế; huy động các nguồn lực để bao phủ BHYT đạt chỉ tiêu đề ra trong năm 2022;…

Ngày 8-7, kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa XII bước vào ngày làm việc cuối cùng với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ủy ban nhân dân tỉnh giải trình một số vấn đề cần làm rõ trước khi HĐND tỉnh thông qua các nghị quyết và bế mạc kỳ họp.

Báo Gia Lai điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.


 

MINH DUNG

 

Có thể bạn quan tâm