(GLO)- Bất chấp những biến thiên của thời cuộc và chỉ được xem như “nghề tay trái” trong xã hội, song, từ xưa đến nay, tư lễ vẫn là một nghề quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt ở cả thành thị và nông thôn. Đặc biệt, vào mỗi dịp Xuân về Tết đến, khi đình làng có cúng kiếng, hội hè sẽ không thể thiếu người tư lễ với công việc chính là viết văn, đọc chúc và xướng tế.
Theo cụ Nguyễn Trợ (80 tuổi, ngụ tại tổ dân phố 13, phường Tây Sơn, thị xã An Khê)-người có thâm niên 10 năm với nghề-thì tư lễ là nhân vật đứng đầu trong Ban Hương lễ-một bộ phận đảm nhận vai trò khá quan trọng trong mỗi lễ cúng, tế đình làng. Ban Hương lễ thường gồm 7 người (1 tư lễ và 6 lễ sinh lo việc dâng trà, rượu…). Để trở thành tư lễ, họ cần phải nhận được sự tín nhiệm từ phía các “ông Cả” (người già uy tín) cũng như bà con dân làng. Và thường thì trước đó, họ phải có một thời gian dài làm lễ sinh, tức theo các tư lễ “tiền bối” để phụ việc và học hỏi dần từ đức tính, lối sống đến cung cách hành lễ, xướng tế.
Cụ Nguyễn Trợ trong trang phục hành lễ, kể lại những tháng năm gắn bó với nghề tư lễ của mình. Ảnh: Hồng Thi |
Nghề tư lễ vốn chẳng dễ dàng, bên cạnh sự cần cù, chịu khó, đòi hỏi người đảm trách phải cực kỳ nhạy bén và có khiếu. Cái khiếu ở đây không chỉ là sự am hiểu, uyên thông về lễ nghi, tên gọi, sắc thần… để viết đúng và đầy đủ nội dung bài văn tế (loại văn đọc sau đó đem đốt trong lễ cúng tế), mà còn là chất giọng-lúc ngân nga, trầm bổng, vần điệu, khi lại mạnh mẽ, dứt khoát-trong suốt quá trình hành lễ, xướng văn. “Một người tư lễ được gọi là thực thụ khi và chỉ khi năng khiếu ấy phải hòa quyện cùng cái tâm và sự nhiệt huyết của chính bản thân họ”-cụ Nguyễn Trợ nói.
Theo chia sẻ của những người đã và đang đảm trách tư lễ thì việc soạn thảo bài văn tế được coi là nhiệm vụ rất quan trọng. Bởi, có văn thì mới có xướng, có thứ để “thưa, gởi” tới thần linh.
Ông Phạm Văn Thành-tư lễ hiện tại của Tổ đình An Lũy, cho biết: Có một cuốn sổ hướng dẫn viết văn (15 trang) được truyền từ đời tư lễ này sang đời khác và được chúng tôi bảo quản rất cẩn thận. Trước đây, toàn bộ bằng chữ Hán, tổng hợp tất cả các văn bản dùng để tế các vị thần và những bậc tiền nhơn, thánh hiền có công khai thiên lập địa ở các đình, miếu, vạn trên địa bàn An Khê. Văn tế vì thế cũng được viết bằng chữ Hán. Sau này, toàn bộ nội dung hướng dẫn ấy được tư lễ Trần Giới dịch sang chữ Quốc ngữ để dễ viết, dễ đọc. Bài văn tế cũng chuyển đổi nhưng cách viết theo hàng dọc thì vẫn giữ. Và cũng bởi chỉ phiên âm lại chữ Hán nên người tư lễ buộc phải nắm và thấu hiểu cơ bản nội dung, ngữ nghĩa để viết cho thật chuẩn xác.
Tùy vào từng lễ tế, hội làng cụ thể mà nội dung cũng như số lượng bài văn tế được thay đổi và bổ sung sao cho phù hợp. Cụ Trợ cho hay, tại các đình, miếu, vạn ở An Khê, hàng năm thường vẫn duy trì lễ cúng Khai sơn vào ngày mồng 10 tháng Giêng và lễ cúng Quý xuân vào ngày mồng 9 và 10-2 Âm lịch (các miếu, vạn vào ngày 16 và 17-2 Âm lịch). Lễ Khai sơn được tổ chức với mục đích báo cáo, xin các thần cho xuống đồng sản xuất; cầu mong mưa thuận gió hòa, vụ mùa thuận lợi. Sau đó, tiến hành hạ cây nêu được dựng trước sân đình trong dịp Tết Nguyên đán nhằm xua đuổi ma quỷ đến quấy phá và chính thức mở cửa rừng. “Cách đây chừng hai chục năm, phải xong lễ Khai sơn người dân mới dám vác cuốc đi làm, bây giờ họ ít khắt khe hơn rồi. Nhưng phong tục vẫn được coi trọng và giữ gìn”-cụ Trợ tâm sự.
Chiêng trống khai lễ nổi lên theo lệnh của Ban Hương lễ tại lễ kỷ niệm 224 năm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (1789-2013). Ảnh: Hồng Thi |
Còn lễ Quý xuân được coi là lễ lớn của đình làng, diễn ra với nhiều nghi thức phức tạp, trang nghiêm. Người tư lễ phải chuẩn bị 3 bài văn tế khác nhau (văn tế khi nghinh thần, văn tế cô hồn, văn tế tiền nhơn) và đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Tuy không phải khắt khe như chủ tế (trước khi cúng thần phải ăn chay, tắm rửa sạch sẽ bằng hỗn hợp nước các loại lá chanh, bưởi, sả…) nhưng người tư lễ phải hết sức chú trọng đến việc rèn luyện và giữ gìn tâm đức cũng như phẩm hạnh của mình. Bên cạnh đó, nếu gia đình có tang phải kiêng cử đúng 3 năm mới được quay lại hành lễ.
Riêng tại Tổ đình An Lũy, ngoài hai lễ trên, còn có thêm lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (mồng 4 Tết thường niên) và lễ giỗ vua Quang Trung (ngày 28-7 Âm lịch). “Hai lễ này, mọi công tác chuẩn bị đều do Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã lo liệu, kể cả việc viết văn tế. Tôi chỉ phối hợp với họ trong việc tiến hành lễ nghi và đọc văn”-ông Thành nói.
Cụ Trợ luôn trăn trở, liệu thế hệ trẻ sau này có đủ kiên nhẫn và thời gian dành sự quan tâm và lòng nhiệt huyết của mình trong việc duy trì đời sống tinh thần, tâm linh cho dân làng và địa phương? Giờ đây, dù không còn làm nữa nhưng cụ Trợ vẫn thường xuyên “truyền lửa nghề” thông qua việc tư vấn, góp ý và sẵn sàng giúp đỡ những tư lễ đương nhiệm mỗi lúc họ cần hay gặp khó khăn.
Hồng Thi