Năm 1969, ông Bùi Viết Minh cùng gia đình từ làng Kế Môn (xã Điền Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) chuyển vào Gia Lai sinh sống. Khi đó, ông đã có nghề kim hoàn “lận lưng” và gia nhập vào lứa thợ lành nghề ở Pleiku lúc bấy giờ. Ở tuổi “tam thập nhi lập”, ông Minh mở tiệm vàng Ngọc Lợi (260 Hùng Vương, TP. Pleiku). Đến giờ, ông vẫn giữ một góc làm việc nhỏ quen thuộc dù nghề này đang dần mai một.
Đáng nói, vùng đất ông Minh ra đi chính là cái nôi của nghề kim hoàn cả nước. Sử sách còn ghi: Năm 1783, sau khi được một người Hoa có bí quyết chế tác và độc quyền kinh doanh vàng bạc truyền nghề, ông Cao Đình Độ (quê Thanh Hóa) đã chọn làng Kế Môn làm nơi lập thân, dạy nghề cho con cháu và một số người dân trong vùng. Danh tiếng lan truyền, ông và con trai Cao Đình Hương được mời về nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ vàng bạc và chế tác đồ trang sức cung đình. Tài danh bậc nhất nên họ được trọng dụng dưới cả thời Tây Sơn và thời nhà Nguyễn. Sau khi ông Cao Đình Độ qua đời, Vua Gia Long đã truy phong cho ông tước hiệu “Đệ nhất Tổ sư”; tương tự, ông Cao Đình Hương sau này được truy phong tước “Đệ nhị Tổ sư”.
Từ “cái nôi” trên, người dân làng Kế Môn tỏa đi khắp các vùng miền, mang theo nghề kim hoàn nức tiếng. Ông Minh có hẳn một thống kê riêng: 90% chủ tiệm vàng tại Pleiku thập niên 70, 80 của thế kỷ trước là người Huế; trong số này có đến 2/3 là người làng Kế Môn, gồm cả chủ những tiệm vàng lớn như: Vĩnh Thạnh, Ngọc Diệp… góp phần khai lập và định hình bản sắc nghề kim hoàn ở Gia Lai.
Vậy nên, dễ hiểu vì sao niềm đam mê với nghề kim hoàn đã ăn vào máu ông Minh từ thuở nhỏ. Với ông, vẻ đẹp lấp lánh của những món trang sức vàng, bạc có một sức hút khó cưỡng. Nhưng cũng phải quen biết, tin tưởng lắm ông mới được truyền nghề bởi đặc thù của công việc là tiếp xúc với những nguyên liệu quý nên ngoài năng khiếu và sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, người học việc còn phải có phẩm chất trung thực, thật thà.
Làm đẹp bằng trang sức là nhu cầu muôn thuở nên nghề kim hoàn luôn có chỗ đứng. Thời kỳ đầu của nghề kim hoàn tại Phố núi, khi mà mọi công đoạn đều phụ thuộc vào đôi tay, khối óc của con người thì người thợ tài hoa luôn được săn đón. Số người theo học cái nghề kỳ công này cũng nhiều. Riêng dòng họ ông Minh có hơn chục người làm nghề kim hoàn. Ông chủ tiệm vàng Ngọc Lợi nhớ lại: Lúc cao điểm, cơ sở của ông có 6 thợ gia công nhẫn, lắc tay, dây chuyền… Chưa kể, bản thân chủ tiệm vàng đã là một người thợ. Không hiểu nghề thì không thể sát sao. Ngày đó, ông tự mua vàng, bạc về phân kim rồi gia công. Với con mắt tinh tường, chỉ cần nhìn qua là ông phân biệt được ngay vàng thật, giả hay đoán được tuổi vàng.
Mê nghề và tự trọng với nghề nên ông Minh rất cầu toàn: Sản phẩm phải vừa đẹp, vừa đúng hẹn với khách. Không ít lần ông quên ăn, quên ngủ gò lưng bên chiếc bàn gỗ ngổn ngang các loại đồ nghề để hoàn thiện từng chi tiết nhỏ. Đôi tay khéo léo của ông đã biến những thỏi vàng, bạc thuần ánh kim sắc lạnh thành sứ giả của cái đẹp lộng lẫy. Khi chưa thật ưng ý, ông sẵn sàng nấu chảy nguyên liệu ra làm lại từ đầu. Chưa kể, mỗi tiệm vàng còn phải tạo sự thu hút riêng từ cách sáng tạo mẫu mã sao cho đẹp mắt, tinh xảo, hợp thời.
Giờ thì máy móc hiện đại thay con người. Hàng từ TP. Hồ Chí Minh đổ về ào ạt với đa dạng mẫu mã, giá thành lại thấp hơn hàng thủ công do được sản xuất hàng loạt. Theo thời thế, tủ kính của tiệm vàng Ngọc Lợi giờ đây cũng trưng bày phần lớn hàng nhập. Chỉ khi có vài người khách lớn tuổi đến đặt hàng vì thích đôi bông tai, sợi dây chuyền theo kiểu dáng thịnh hành của hàng chục năm trước, ông chủ tiệm 68 tuổi mới lại ngồi vào bàn làm việc. “Cuộc sống mỗi ngày một khác, không thể nhìn mãi về quá khứ. Tôi chỉ tiếc là con cái không ai theo nghề”-ông Minh giãi bày.
Nhắc đến lứa thợ kế cận, người trong nghề ai cũng biết tiếng ông Phạm Ngọc Tuấn-Chủ tiệm bạc Ngọc Tuấn (224 Hùng Vương, TP. Pleiku). Sau 33 năm thăng trầm với nghề, ông vẫn giữ trọn tâm nguyện: Làm cho đến khi nào… không thấy đường nữa thì mới nghỉ! “Ngày trước, ba tôi chuyên sửa đồng hồ. Hồi đó, nghề này khá lắm. Ba muốn có người theo nghề mà tôi không chịu nên ổng đánh cho mấy trận. Nhưng tôi quyết tâm học thành thợ kim hoàn vì lỡ mê rồi”-ông Tuấn kể.
Theo ông Tuấn, thật ra học nghề kim hoàn không quá khó. Quan trọng là từ kiến thức căn bản mà người thầy truyền dạy, học trò có tinh ý hay không để sáng tạo, thăng hoa với nghề. Ý thức rõ điều này, ông luôn tìm tòi chế tác những mẫu nhẫn, vòng, hoa tai… kiểu cách, tân thời, đa số đều được khách hàng nhiệt tình đón nhận. Đến giờ, ông đã nhận dạy nghề cho mười mấy học trò. Người thợ giỏi nghề nay đã ở tuổi 50 hồi tưởng: “Mê lắm. Làm đến 2-3 giờ sáng là chuyện thường. Có năm, tôi làm đơn hàng Tết rồi gục xuống ngủ quên trên bàn làm việc. Ba tôi nhiều khi nửa đêm thức giấc, thấy con vẫn miệt mài thì xót ruột nhưng biết có ngăn cũng không được nên… lẳng lặng cúp cầu dao vờ như mất điện!”.
Nói rồi, ông chủ tiệm bạc đưa chúng tôi xuống thăm tầng hầm của ngôi nhà, nơi ông đặt xưởng với đủ loại đồ nghề để giới thiệu các công đoạn sản xuất. Lớp “hậu bối” như ông đã chú trọng đầu tư từ máy ép khuôn, máy bơm sáp đến máy đúc… Theo cách làm truyền thống trước đây thì mỗi ngày ông chỉ làm được 1-2 chiếc nhẫn, nhưng nay có thể làm gấp đôi, gấp ba. Chúng tôi không khỏi chú ý đến 2 chiếc kệ lớn đặt áp tường. Đây là nơi lưu giữ hàng ngàn mẫu trang sức, có đánh mã số riêng. Nhiều mẫu ra đời từ cả chục năm trước, nếu khách đặt vẫn có thể đáp ứng ngay. Hiện cửa tiệm của ông có khoảng 30-40% sản phẩm tự sản xuất.
Dù rất yêu và giỏi nghề nhưng ông Tuấn vẫn phải thừa nhận: Nếu không nhập hàng về bán thì không cạnh tranh được với các cơ sở khác. Đây là lý do khiến nghề kim hoàn ở Pleiku từ chỗ rất thịnh giờ chỉ mang lại thu nhập đủ sống, rất khó quay lại thời hoàng kim như trước đây.
Dù tình hình chung có phần ảm đạm nhưng một số doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, trang sức tại Phố núi vẫn khá vững và tạo việc làm ổn định cho nhiều thợ kim hoàn, trong đó có Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Vĩnh Thạnh 1 (số 100 Trần Phú và 104 Hai Bà Trưng, TP. Pleiku). Hiện Công ty có 16 nhân viên làm việc thường xuyên tại xưởng sản xuất. Tạm dừng tay để trò chuyện cùng chúng tôi, anh Đặng Ngọc Song (163 Trần Xuân Soạn, TP. Pleiku) chia sẻ: 25 năm trong nghề cũng là chừng ấy năm anh gắn bó với Công ty. “Tôi mê nghề từ nhỏ, một công việc rất nghệ thuật nên chưa khi nào tôi nghĩ là sẽ từ bỏ”-anh Song mỉm cười hồn hậu.
Kế thừa truyền thống hơn 60 năm qua của gia đình, ông Hoàng Ngọc Minh-Giám đốc Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Vĩnh Thạnh 1 luôn ý thức vai trò “đầu tàu” của doanh nghiệp trong ngành kim hoàn của tỉnh. Ông đồng thời còn kiêm chức Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam. Vì vậy, đầu tháng 7-2022, khi Hội phối hợp với Công ty cổ phần Tây An Group, Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam tổ chức họp báo công bố cuộc thi “Nữ hoàng trang sức Việt Nam 2022”, doanh nghiệp đã quyết định vừa tài trợ, vừa tham gia dự thi.
Qua 8 lần tổ chức (2 năm/lần), đây là cuộc thi duy nhất trong phạm vi cả nước cùng lúc tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam và những bộ trang sức tinh xảo được các nghệ nhân kim hoàn tài năng chế tác. Dự kiến, vòng thi bán kết và chung kết sẽ diễn ra tại TP. Pleiku từ ngày 10 đến 20-10-2022. Cùng với trao giải “Nữ hoàng trang sức Việt Nam”, Ban tổ chức sẽ trao giải cuộc thi “Thiết kế trang sức năm 2022” cho những nghệ nhân, đơn vị thiết kế sản phẩm để các thí sinh trình diễn. Đáng chú ý, giải đặc biệt trị giá lên đến 50 triệu đồng.
Theo ông Minh, Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Vĩnh Thạnh 1 sẽ có 3 bộ sản phẩm tham gia dự thi, do đơn vị sản xuất hoàn toàn thủ công. Ông Minh bày tỏ kỳ vọng: “Hiện giờ chỉ còn khoảng 20% thợ kim hoàn tại Pleiku đang theo nghề. Khi quyết định tham gia cuộc thi này, tôi mong muốn qua đó quảng bá cho doanh nghiệp và tỉnh nhà, đồng thời “tiếp lửa” cho các nghệ nhân kim hoàn để họ luôn giữ vững tình yêu với nghề”.