Multimedia

Emagazine

E-magazine Xuất khẩu nông sản: Tín hiệu lạc quan

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích trên 100.500 ha. Đầu năm mới Giáp Thìn 2024, nhiều doanh nghiệp đón tin vui khi giá cà phê tăng cao, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Có được điều này là nhờ tác động của các hiệp định thương mại tự do đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao năng lực xuất khẩu.

Là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu của tỉnh, năm 2023, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang Gia Lai (TP. Pleiku) đã cung ứng ra thị trường 60.000 tấn cà phê nhân xanh, trong đó, sản lượng xuất sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc chiếm 80%, đạt gần 100 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt 18 triệu USD. Bà Phan Thị Hồng Nhung-Kế toán trưởng Công ty-cho biết: “Xuất khẩu cà phê những tháng đầu năm tăng trưởng mạnh là do thời điểm cuối năm, cà phê bước vào thu hoạch nên đầu năm có lượng hàng lớn. Mặt khác, giá cà phê thế giới ngày càng tăng khiến giá trị kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này ngày càng lớn”.

Ngay khi trở lại hoạt động bình thường từ ngày 19-2, Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) đã tổ chức cho công nhân vệ sinh máy móc, phân ca làm việc để kịp tiến độ các đơn hàng sau Tết. Năm 2023, sản lượng chanh dây tươi thu mua và chế biến của Công ty đạt xấp xỉ 100 ngàn tấn để sản xuất các mặt hàng như: nước chanh dây cô đặc đông lạnh, nước chanh dây thanh trùng đông lạnh, hương chanh dây tự nhiên. Các sản phẩm này được phân phối đến hơn 40 nước trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Anh...

Tương tự, bà Trần Thị Thu Thủy-Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông-cho hay: “Doanh nghiệp trở lại sản xuất từ ngày 15-2 để trả các đơn hàng đã ký từ trước Tết Nguyên đán 2024. Đây là đơn hàng mà đơn vị ký kết hợp đồng dài hạn với đối tác Mỹ. Năm 2023, Công ty đã xuất khẩu 1.206 tấn mủ Latex HA sang thị trường Mỹ với kim ngạch 1,25 triệu USD. Ngoài ra, Công ty xuất khẩu các sản phẩm: SVRCV 50, SVRCV60, SVR3L, SVR10 sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ với sản lượng 1.050 tấn, kim ngạch 1,5 triệu USD”.

Những năm qua, chuối cũng là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Sở hữu vùng nguyên liệu hơn 400 ha trên địa bàn các xã: Ia Pết, Hneng, Kon Gang (huyện Đak Đoa), Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn là doanh nghiệp tiên phong về xuất khẩu chuối.

Để có đơn hàng xuất khẩu bền vững trong thời gian tới, các doanh nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng cường đầu tư trang-thiết bị, công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn, thị hiếu tiêu dùng trên thế giới. Ngoài ra, doanh nghiệp phải thay đổi theo hướng sản xuất xanh để đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu…

Theo bà Phan Thị Hồng Nhung, năm 2024, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang Gia Lai đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 60.000 tấn cà phê. Để đạt kế hoạch đề ra, Công ty đã liên kết với các hộ dân canh tác trên 20.000 ha cà phê theo tiêu chuẩn chất lượng cao 4C và RA nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân và giải quyết vấn đề về môi trường. Bên cạnh đó, trong năm 2024, Công ty sẽ chọn vùng nguyên liệu cà phê có gắn liền tín chỉ carbon với diện tích 5.000 ha. Đồng thời, Công ty cam kết bao tiêu sản phẩm cho người dân cao hơn giá thị trường 200-300 đồng/kg. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn góp phần giúp Công ty mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trong khi đó, năm 2024, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn đặt mục tiêu tăng 20% sản lượng xuất khẩu với khoảng 24.000 tấn chuối, doanh thu đạt 400 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu này, theo ông Lê Hoàng Linh, Công ty dự kiến đầu tư 10-15 tỷ đồng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, nâng cấp dây chuyền sản xuất, đóng gói sản phẩm, mua máy bay không người lái phục vụ quản lý sâu bệnh hại trên vườn cây. Ngoài ra, hàng năm, Công ty sẽ tăng diện tích sản xuất 100-150 ha để từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu.

Còn ông Lưu Quốc Thạnh thì cho rằng: “Năm 2024, bà con nông dân cần xuống giống chanh dây ở mức hợp lý để có thể duy trì được giá cũng như sản lượng. Với kinh nghiệm gần 40 năm chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ chanh dây, chúng tôi đã thâm nhập hầu hết các thị trường trên thế giới, đặc biệt là thị trường châu Âu, Nhật Bản và Mỹ. Đó là những thị trường khó tính và chúng tôi luôn nỗ lực hoàn thiện dây chuyền máy móc để làm sao giữ được chất lượng cao nhất về mùi vị, màu sắc của sản phẩm nhằm có thêm nhiều khách hàng ưa chuộng”.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu nông sản 2 tháng đầu năm 2024, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Xuất khẩu nông sản những tháng đầu năm có những tín hiệu khả quan, đặc biệt tăng trưởng mạnh về giá trị sản phẩm. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu dùng thị trường thế giới tăng, nhất là trong dịp Tết Dương lịch tại một số thị trường như EU, Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc dỡ bỏ chính sách Zero Covid đã kích thích nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại. Theo đó, nhiều loại nông sản của Việt Nam như: chuối, chanh dây, sầu riêng, tổ yến, khoai lang... được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Riêng với mặt hàng cà phê, thời điểm đầu năm, khối lượng hàng hóa còn lớn nên xuất khẩu được nhiều. Mặt khác, giá cà phê tăng mạnh nên giá trị xuất khẩu cũng tăng hơn so với cùng kỳ năm 2023. Tín hiệu vui trong 2 tháng vừa qua nếu tiếp tục phát huy thì chắc chắn kế hoạch xuất khẩu của năm 2024 sẽ đạt và có những bước đột phá mới.

Theo ông Binh, để gia tăng xuất khẩu nông sản, Sở Công thương tích cực kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp nhiều hoạt động nhằm mở rộng, xúc tiến thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi; tăng cường thông tin, đối thoại với doanh nghiệp để hỗ trợ tháo gỡ các rào cản phục vụ sản xuất, xuất khẩu.

Có thể bạn quan tâm