Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nghệ nhân Ưu tú Nay Dri đắm đuối với cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhận thấy được nguy cơ lớp trẻ dần xa rời nghệ thuật truyền thống, Nghệ nhân Ưu tú Nay Dri (buôn Sô Ma San, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã tích cực truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng cho thanh-thiếu niên trên địa bàn. 
Đến thăm nhà Nghệ nhân Ưu tú Nay Dri, chúng tôi vô cùng ấn tượng khi nhìn thấy khắp nơi trong nhà trưng bày những bộ chiêng quý. Ông cho biết: Những bộ chiêng này hầu hết là của người dân từ các nơi gửi về nhờ ông chỉnh âm. Rồi ông tỉ mỉ giới thiệu từng bộ chiêng.
Ông nhớ lại: “Thuở nhỏ, mình được theo ông và bố đi biểu diễn chiêng ở nhiều nơi, lâu dần âm thanh cồng chiêng như thấm vào máu của mình. Nếu không nghe tiếng chiêng thì buồn lắm”.
Vốn thông minh, nhanh nhẹn lại được sự chỉ bảo tận tình của ông và bố, ngay từ nhỏ, Nay Dri đã có thể diễn tấu những bài chiêng khó một cách thành thạo. Ông nói vui: “Hồi đó, con trai không biết đánh chiêng là con gái nó không thích đâu”. Nói đến đây, giọng ông bỗng chùng xuống: “Giờ thì khác rồi, lũ con trai, con gái trong làng không còn nhiều đứa mê tiếng chiêng nữa. Chúng thích nhạc cải tiến, hiện đại hơn”. 
Nghệ nhân Ưu tú Nay Dri đang chỉnh chiêng. Ảnh: Đinh Tùng
Sự ưu tư của Nghệ nhân Nay Dri cũng dễ hiểu bởi trước xu thế hội nhập sâu rộng của đời sống xã hội, các dòng nhạc, điệu nhảy tân thời có vẻ như đang có sức cuốn hút lớp trẻ ở buôn làng nhiều hơn. Nhận thấy được nguy cơ lớp trẻ dần xa rời với nghệ thuật truyền thống, Nghệ nhân Ưu tú Nay Dri đã tích cực truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng cho thanh-thiếu niên trên địa bàn. Cuối năm 2020, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Pa đã khai giảng 2 lớp truyền dạy cồng chiêng cho 64 học sinh Trường THCS Phan Bội Châu (xã Ia Ma Rơn), Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó). Nghệ nhân Nay Dri phối hợp cùng Nghệ nhân Ưu tú Nay Phai đã truyền dạy những kỹ năng, điệu thức, cách diễn tấu cồng chiêng dùng trong dịp lễ hội. Kết thúc khóa học, các học viên có thể diễn tấu thành thục 4-5 bài chiêng truyền thống.
Bên cạnh đó, Nghệ nhân Ưu tú Nay Dri còn lặn lội xuống các tỉnh Bình Định, Quảng Nam để mua lại những bộ chiêng cũ rồi về chỉnh âm để lưu giữ cho các thế hệ con cháu mai sau. Tiếng lành đồn xa, người Jrai, Bahnar, Ê Đê ở các nơi tìm đến ông để học hỏi và nhờ chỉnh chiêng. Những lần như thế, ông đều vui vẻ nhận lời. Với ông, tiếng chiêng là nhịp tim, hơi thở cuộc sống vậy. Những bộ chiêng qua tay ông chỉnh sửa như được sống lại. Nghệ nhân Nay Dri cho biết: “Khi úp mặt chiêng xuống là chỉnh tiếng cao, bổng. Lúc chỉnh tiếng thấp, trầm thì ngửa chiêng ra, dùng búa gõ nhẹ theo đường vòng trong từ ngoài vào trong và các tâm điểm để kéo tiếng chiêng theo ý muốn”.
Ngoài ra, ông còn được mời đi biểu diễn trong các dịp lễ hội như: đêm hội cồng chiêng, lễ cầu mưa, lễ mừng lúa mới… Ông được mời truyền dạy nghệ thuật chỉnh chiêng cho thanh-thiếu niên nhiều nơi trên địa bàn các huyện lân cận.
Với những đóng góp trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, năm 2015, ông Nay Dri được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
ĐINH TÙNG

Có thể bạn quan tâm