Chuyện nghệ sĩ quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra bàn khi thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Đại biểu Đỗ Huy Khánh nêu ý kiến về nghệ sĩ quảng cáo thuốc Ảnh: LĐO |
"Vừa rồi có rất nhiều trường hợp liên quan đến thực phẩm chức năng, thuốc chữa được bách bệnh được các nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo, bán hàng trên mạng rùm beng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng điều tra thì các sản phẩm này không có chức năng như vậy. Nghệ sĩ bị ảnh hưởng uy tín và chỉ xin lỗi là xong, coi như không có chuyện gì xảy ra”, đó là ý kiến của Đại biểu Đỗ Huy Khánh.
Hoạt động quảng cáo được xem là nghề tay trái của nhiều nghệ sĩ, càng nổi tiếng thì càng đắt sô. Hay nói đúng hơn, với một số người, quảng cáo là nghề tay phải để kiếm tiền, đi diễn trở thành nghề phụ, bởi vì trên thực tế họ quảng cáo nhiều hơn hoạt động nghệ thuật.
Và vì mục đích kiếm tiền, cho nên không ít nghệ sĩ bất chấp sản phẩm đó chất lượng ra sao, ca ngợi ngất trời theo hợp đồng. Đến khi sản phẩm đó bị lật tẩy, thì nói lời xin lỗi. Tệ hơn, có những nghệ sĩ im miệng, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Nghệ sĩ Hồng Vân từng lên tiếng: "Vân xin cúi đầu nhận lỗi vì đã thiếu sót trong việc kiểm tra độ uy tín và cách thức bán hàng của sản phẩm mình quảng cáo. Là một nghệ sĩ nhận được nhiều tình cảm và sự ủng hộ, tin tưởng của công chúng, Vân vô cùng hối tiếc khi không ý thức được hết trách nhiệm của mình. Vân xin lỗi vì đã làm việc thiếu thận trọng".
Nghệ sĩ Quyền Linh cũng rất chân thành: "Tôi đã thiếu tiết chế khi giới thiệu sản phẩm điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường. Vụ việc quảng cáo vừa qua là bài học sâu sắc với tôi sau hơn 20 năm làm nghệ thuật. Tôi xin lỗi khán giả về sự thiếu tiết chế của mình".
Người yêu nghệ thuật sẵn sàng bỏ qua cho các nghệ sĩ và đón nhận lời xin lỗi cũng rất chân thành. Nhưng điều đáng nói là, trước đó, vì nghe theo quảng cáo hay ho của các nghệ sĩ, nhiều người đã mua và sử dụng các sản phẩm đó, họ đã gánh chịu hậu quả. Tiền mất, tật mang, vậy thì giải quyết hậu quả đó như thế nào?
Cho nên, luật pháp cần có quy định để ngăn chặn và xử lý được các hành vi quảng cáo gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Nếu chỉ xin lỗi là xong thì không ai sợ, muốn làm gì thì làm.
Ngược lại, khi luật có quy định chế tài rõ ràng, ai vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm.
Nhưng không chỉ nghệ sĩ, các trang tin điện tử, trang mạng xã hội, blog... quảng cáo quá lố, sai sự thật cũng phải bị chế tài.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nghe-si-quang-cao-thuoc-chua-bach-benh-khong-dung-thi-xin-loi-la-xong-1112001.ldo
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)