Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nghĩ về thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 1.Có thể khẳng định, Gia Lai hiện đang được xem là một miền văn học đầy tiềm năng-tiềm năng cả về lực lượng và mảng đề tài, đặc biệt là về văn hóa. Trong đó, mảng thơ của chuyên ngành Văn học được khá nhiều người viết coi trọng, cả với những tác giả đã thành danh và những người mới chập chững trên con đường sáng tác. Đây cũng được xem như một động lực thúc đẩy những người cầm bút trẻ vươn tới để có những tác phẩm đích thực, đáp ứng phần nào sự trông đợi của bạn đọc.
Một số tập thơ đã xuất bản của các nhà thơ Gia Lai. Ảnh: T.B
Những năm gần đây, số lượng tác giả Gia Lai xuất hiện trên báo chí Trung ương khá nhiều, đặc biệt là những người viết trẻ. Tác phẩm của họ được in trên các báo văn nghệ lớn như: Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội... Có thể kể đến một vài gương mặt như: Hoàng Thanh Hương, Ngô Thanh Vân, miêndi, Lê Vi Thủy, Đào An Duyên... Họ đã và đang góp cho vườn văn chương Gia Lai thêm hương sắc. Ghi nhận những đóng góp này của họ, dịp cuối năm 2017, đã có thêm 2 tác giả của Gia Lai được các hội Trung ương kết nạp, gồm Ngô Thanh Vân-hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Đào An Duyên-hội viên Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
2. Ngày Thơ Việt Nam năm nay có một điểm mới quan trọng, đó là Hội Nhà văn Việt Nam đã có những động thái tích cực để trong một tương lai gần, Ngày Thơ sẽ trở thành Ngày Văn học Việt Nam, qua đó nhằm tôn vinh một cách đầy đủ và rộng khắp những sáng tạo của các nhà văn trên mọi lĩnh vực, từ thơ, văn xuôi đến lý luận phê bình, văn học dịch. Trong hành trình chuyển hướng ấy, “Ngày Thơ Việt Nam” lần thứ XVI-Nguyên Tiêu Mậu Tuất 2018 cũng đã và đang được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú xoay quanh chủ đề trọng tâm “Văn học đồng hành cùng đất nước”.
Theo thông tin từ Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai, Ngày Thơ Việt Nam cũng diễn ra với 2 đêm thơ, một được Hội tổ chức tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) vào đúng đêm Rằm tháng Giêng (ngày 2-3) và đêm còn lại được tổ chức tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh (ngày 3-3). Cùng với đó, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch Gia Lai, Câu lạc bộ Văn học-Nghệ thuật Nguồn Việt cũng tổ chức buổi giao lưu thơ ca với sự góp mặt của các tác giả và người yêu thơ trên địa bàn tỉnh. Tại các đêm thơ, công chúng yêu văn học nghệ thuật thêm một lần được thưởng thức chương trình thơ-nhạc phong phú gồm những sáng tác mới của các tác giả tiêu biểu trong tỉnh như: Phạm Đức Long, Thu Loan, Kim Sơn, Nguyễn Đình Phê…
3. Dù thế, cũng không thể phủ nhận một điều rằng, ở ngay chính miền văn học đầy tiềm năng này, số tác giả thơ thực sự đắm đuối với nghiệp viết mà mình đang theo đuổi, có những tìm tòi sáng tạo và có sự đóng góp nhất định cho thơ không nhiều. Người làm thơ thì khá đông đảo nhưng những tác phẩm thực sự được công chúng mong đợi, đón đọc còn khá khiêm tốn. Đó cũng là một trong những lý do khiến công chúng thực lòng yêu mến thơ ngày một vợi, một thưa. Cứ điểm lại lượng khán giả đến với những đêm thơ-nhạc được Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai tổ chức thường niên vào những dịp lễ trọng của năm và lượng công chúng có mặt trong những đêm thơ Nguyên Tiêu suốt thời gian qua, ta sẽ rõ hơn điều này. Vậy nên, dưới góc độ là một người yêu thơ, người viết bài này chỉ có một nỗi ước mong bé mọn, ấy là mong sao ở Gia Lai ta, người làm thơ ngày một tinh, người yêu thơ ngày một thêm thắm. Được như vậy, thiết nghĩ cũng đã là thỏa nguyện rồi.
Thái Bình

Có thể bạn quan tâm