Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Nghĩa tình hàng xóm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Mặc dù chuyển đến nơi ở mới đã lâu nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn về thăm những người hàng xóm cũ. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, nói chuyện hoài không hết, tôi lại càng thấm thía hơn lời dạy của người xưa “Hàng xóm tối lửa, tắt đèn có nhau”.
Ngoài gia đình, dòng họ sống quây quần bên nhau thì những người trong làng xóm cùng nhau tạo nên một cộng đồng thân thiết (ảnh minh họa).

Ngoài gia đình, dòng họ sống quây quần bên nhau thì những người trong làng xóm cùng nhau tạo nên một cộng đồng thân thiết (ảnh minh họa).

Từ xưa đến nay, người Việt luôn sống nặng nghĩa tình. Ngoài gia đình, dòng họ sống quây quần bên nhau thì những người trong làng xóm cùng nhau tạo nên một cộng đồng thân thiết. Là nước nông nghiệp, việc sản xuất dựa vào sức người là chính, hàng xóm, cộng đồng ngoài mối quan hệ tình cảm thân thiết còn là sự hỗ trợ cần thiết trong cuộc sống.

Làm việc cùng nhau, vui chơi cùng nhau, giúp nhau trong mọi chuyện lớn nhỏ là nếp sống của hầu hết người dân ở các vùng nông thôn. Khi nhà nào có chuyện vui hay buồn, ốm đau, hoạn nạn đều có hàng xóm chạy qua chạy lại giúp đỡ, hỏi han. Đôi khi thiếu thốn đồ dùng hay thực phẩm gì đó, các gia đình có thể qua lại để xin hoặc mượn của nhau. Có món gì ngon lại chia sớt cho nhau, rảnh rỗi thì cùng nhau trò chuyện. Tình cảm giữa những người láng giềng theo thời gian sẽ ngày càng thân thiết gắn bó, không khác gì ruột thịt.

Tình hàng xóm và lối sống cộng đồng xuất phát từ sự hỗ trợ, chia sẻ với nhau trong lao động vẫn luôn được phát triển và giữ gìn dù cuộc sống có nhiều thay đổi. Ngày nay, ở nông thôn, với sự phát triển của công nghiệp, người ta không còn mất nhiều thời gian để làm việc đồng áng. Sự hỗ trợ của máy móc giúp cho công việc nhẹ nhàng hơn rất nhiều; mỗi nhà có thể hoàn thành phần việc của mình đúng thời vụ mà không cần nhiều nhân lực.

Những người trẻ tuổi thường lên thành phố để học hành hoặc tìm việc làm. Cuộc sống có những chi phối, đổi thay, có thể không qua lại gặp nhau thường xuyên, nhưng không vì vậy mà tình làng nghĩa xóm mất đi cái thiêng liêng quý giá của nó.

Với những mong muốn được chia sẻ niềm vui, sống trong hòa thuận, những người sống ở đô thị vẫn qua lại, gặp gỡ, chia sẻ, giữ cho nhau những tình cảm thân thiện. Dù mỗi người một công việc nhưng vào ngày lễ, Tết, nhiều khu phố vẫn tổ chức giao lưu, ăn uống, vui đùa cùng nhau, vừa gắn kết tình hàng xóm vừa giúp cho thế hệ trẻ tiếp nối được nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Vào những dịp như: Giỗ Tổ Hùng Vương, tiết Thanh minh… nhiều xóm làng và khu phố đã cùng nhau nấu nướng, bày biện mâm cúng rất trang trọng và tổ chức giao lưu giữa các gia đình để thắt chặt tình đoàn kết. Hàng xóm kết nối với nhau qua nhóm Zalo, Facebook để việc chia sẻ thông tin, giúp đỡ nhau được kịp thời, hiệu quả hơn.

Trong cuộc sống thường ngày tránh sao được những hành xử khiến mỗi người không hài lòng về nhau. Tuy nhiên, vì tình làng nghĩa xóm, người ta sẵn sàng chín bỏ làm mười, giữ được tình xóm giềng.

Còn gì ấm áp hơn khi mỗi ngày mở cổng được tươi cười chào hỏi, chuyện trò với những người sống quanh ta. Với tinh thần láng giềng như anh em, nếu mỗi người biết nhường nhịn, sống vì nhau thì sẽ không có những bất hòa, xung đột ảnh hưởng đến tình cảm xóm làng.

Đôi khi ở đâu đó, chúng ta nghe những câu chuyện không vui về những xích mích, va chạm giữa những người hàng xóm. Điều đó thật buồn và có lẽ không ai mong muốn.

Tôi cho rằng, mọi mối quan hệ đều cần phải vun đắp, xây dựng. Vậy nên, để có một môi trường sống lành mạnh, vui vẻ, mỗi người đều phải cố gắng sống vì cộng đồng, bỏ bớt cái tôi của mình. Bởi cái chúng ta có được từ sự ấm áp tình làng xóm ấy là không thể đong đếm được.

Có thể bạn quan tâm