Khi cắt tóc cho khách xong, bác nhẹ vắt chiếc khăn bám đầy những cọng tóc lên vai rồi cười thật hiền. Bác đợi người khách tỉ mẩn đếm tờ tiền lẻ và đưa hai bàn tay nhận. Những tờ tiền ấy lúc thì mùi dầu máy xe, lúc là mùi tanh của cá tôm, có khi còn bám theo vài con kiến kim đang ham lớp mỡ bám từ tay người hàng thịt tranh thủ cắt tóc.
Năm tháng qua đi, cây cứ cặm cụi lá xanh rồi lá vàng, bóng mát tự nói lên tất cả. Dãy phố vốn chỉ lợp ngói đỏ, mái thấp lè tè, hàng hóa loanh quanh chỉ những bấc đèn, kẹo đậu phộng, đá lửa, may quần áo… người qua lại đã tường mặt nhau. Bởi thế, ở đây khang trang nhất là hàng cây, phố có hồn rừng trở nên độc đáo. Cái tên phố hàng cây đã in sâu trong ký ức bao người có lẽ cũng vì thế.
Minh họa: HUYỀN TRANG |
Một sớm chủ nhật, tôi dạo quanh phố hàng cây. Ôi chao, gì thế này! Một bác thợ mộc đã tỉ mẩn tiện bộ cờ tướng bằng cành cây gãy. Chiếc bàn cờ cũng mộc mạc như những người đàn ông đang trầm ngâm. Dưới gốc cây thứ hai, bác họa sĩ đưa cây bút chì lướt trên giấy, gương mặt của người đối diện đang dần dần hiện ra. Bác cười dí dỏm: “Tôi vẽ vui, vẽ để dăm ba năm nữa bác xem lại có thấy tôi dự cảm đúng về bác không nhé?”.
Người được vẽ nhẩn nha kể chuyện hàng cây này có từ lúc nào, những người trồng cây đã phải lọc đất thịt ra từ đá, rồi lại lấy đá kẻ thành con đường để đất khỏi xói lở mà thành dãy phố này ra sao... Cứ thế, câu chuyện và ký họa quyện vào nhau.
Ở gốc cây khác, cô Tư vừa bán báo, vừa cho thuê mấy quyển sách. Sách báo thời đó rất ít nên người ra đọc kỹ, ngắm từ bìa, tranh minh họa rồi bàn luận với nhau về từng câu chuyện được thuật lại. Gốc cây nào cũng có người xúm quanh, mấy cái ghế gỗ được bày ra, lại thêm vài cái ghế nữa, ai cũng cảm thấy thư thái dưới bóng cây mát rượi, một hàng cây phủ bóng hạnh phúc lên những cuộc đời.
Một ngày, cha mẹ tôi xếp đồ đạc vào ba lô đưa tôi ra bến xe thị trấn. Bến xe cũng nằm dưới một tán cây lớn, chiếc xe ca nằm im như chờ đến phút biệt ly sẽ kêu lên những tiếng còi từ biệt. Tôi chỉ muốn sống mãi ở đây nhưng cha mẹ tôi khuyên: “Con phải đi thật xa, nghĩ thật lớn mới thấy hết vẻ đẹp quê hương mình. Con phải đi tìm con đường để đến những gì gần gũi thân thương nhất, con đường ấy không phẳng phiu như phố hàng cây đâu con”.
Tôi đỏ hoe đôi mắt nhìn hàng cây xanh dưới nắng đầu thu. Ngày nhập học đã cận kề, xe chuyển bánh, ngoái lại phía sau thấy phố cứ dài mãi phía sau lưng như sợi tơ mỏng mảnh nhưng đâu thể níu giữ tôi ở lại với tuổi thơ.
Sau này, tôi mới biết đến khái niệm cây công trình. Cây xanh cũng là một phần không thể thiếu của phố xá. Nhớ về phố hàng cây, nơi cây làm nên phố lại thấy nôn nao muốn được trở về nhưng lúc ấy tôi đang làm ở một nơi xa, công việc như ghim từng ngày lại không thể bứt ra được. Lúc này, tôi chỉ có thể đứng trên ban công nhìn về xa xăm nơi quê nhà nhưng chỉ thấy những ống khói nhà máy và xe cộ nối đuôi nhau.
Tôi trở về phố xưa một ngày nắng ấm. Giờ đây, cha mẹ tôi đã chuyển hết lên thành phố, phố hàng cây đã được gắn biển, ghi tên, người xe qua lại tấp nập, nhà cửa khang trang, nhiều tòa nhà vươn lên cao hơn cả ngọn cây.
Người dân vẫn dành cho cây một sự trân trọng nhưng đất bị thu hẹp dần, bê tông, gạch lát tạo ra cảm giác ngột ngạt, khó thở. Bác họa sĩ hôm nào giờ là cụ ông râu trắng như cước, chiều chiều chống gậy bước từng bước thật chậm vừa đi vừa ngắm con phố.
Thời gian trôi qua thật nhanh. Những người trẻ tôi gặp chỉ còn hao hao trong ký ức về một thời từng nô đùa dưới tán cây. Ngồi dưới một bóng cây, tôi nhớ sạp báo của cô Tư, nghe tin cô đã về miền mây trắng gần chục năm rồi.
Những người hôm nay ngồi uống trà đá, lướt Facebook bằng smart phone gợi nhớ một thời báo giấy, tờ báo đẫm mồ hôi chuyền qua bao bàn tay người lao động. Một anh thợ xây cũng mê bài thơ tình, chị bán hàng thịt cũng mải theo dõi phần tiếp theo của truyện. Cứ thế, ký ức làm đôi mắt tôi cay cay như hôm nào xa phố huyện.