Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Người đàn ông 80 tuổi mỗi năm đi ngàn cây số về nơi em yên nghỉ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong không gian trang nghiêm và linh thiêng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh (phường Phù Đổng, TP. Pleiku), chúng tôi bắt gặp hình ảnh cụ già gần 80 tuổi đang lặng lẽ ngồi bên một phần mộ liệt sĩ và thầm thì trò chuyện. Chúng tôi đã không khỏi bồi hồi, xúc động khi được nghe câu chuyện của ông.

Ấy là câu chuyện của ông Dương Văn Nhật (xã Văn Xã- Kim Bảng- Hà Nam) kể về việc tìm và thăm mộ người em trai của mình. Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, thế nhưng có những cuộc chia ly phải sau hàng chục năm mới có ngày hội ngộ. Và, cuộc hội ngộ ấy không có những cái ôm nồng ấm, những ánh mắt nhớ thương mà họ chỉ có thể tìm gặp nhau trong tâm tưởng.

Tháng 7 hàng năm ông Nhật lại vào Gia Lai thăm phần mộ em trai mình. Ảnh: Trần Dung
Tháng 7 hàng năm ông Nhật lại vào Gia Lai thăm phần mộ em trai mình. Ảnh: Tấn Dung

Thắp nén hương lên ngôi mộ của em trai mình, ông Nhật trầm ngâm: “Kể từ ngày biết em trai tôi nằm đây, tháng 7 hàng năm tôi đều vượt cả ngàn cây số để vào Gia Lai thăm em. Anh em gặp nhau trong mừng tủi, tôi ngồi trước mộ em hàng giờ để kể em nghe về gia đình, về làng xóm, về quê hương… Mong em yên nghỉ ấm áp bên đồng đội”. Em trai của ông là liệt sĩ Dương Chí Đức (Đơn vị: C5-D394-E95, hi sinh vào ngày 27-6-1972 tại mặt trận phía Tây- tỉnh Tây Ninh). Năm 1971, anh Đức rời quê hương lên đường nhập ngũ khi đang ở tuổi 27. “Từ lúc Đức nhập ngũ, gia đình chúng tôi chỉ nhận được một là thư duy nhất của em, báo rằng em đang hành quân ở Trung Lào, dù rất gian khổ nhưng em nguyện sẽ dũng cảm chiến đấu cùng đồng đội. Em nhắc nhớ gia đình, người yêu và quê hương rất nhiều. Và rồi từ lá thư đó, chúng tôi biệt tin em”-  ông Nhật nghẹn ngào kể.

Gia đình ông Nhật nhận được giấy báo tử của anh Đức vào những ngày cuối năm 1973. Đón tin em ngã xuống mà cả gia đình anh bàng hoàng, đau đớn. Lúc ấy, chính người bố của ông Nhật đã nén đau thương vào trong mà trấn an mọi người rằng hi sinh cho Tổ Quốc là niềm vinh dự, tự hào. Vượt qua nỗi đau, gia đình ông Nhật ấp ủ hi vọng tìm được em trai mình và đưa em về an nghỉ ở quê nhà. Đất nước hoàn toàn thống nhất, sau nhiều lần tìm kiếm, mãi tới năm 1990, ông Nhật mới nhận được bức thư từ một người đàn ông ở tỉnh Nam Định cho biết em trai ông đang nằm tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai. Chia sẻ về cảm giác lúc nhận được tin tìm thấy em trai, ông Nhật rưng rưng nước mắt: “Chúng tôi tức tốc mang giấy báo tử tới Nam Định tìm gặp người đàn ông đó. Sau khi đối chiếu tên tuổi, ngày tháng năm sinh và quê quán, chúng tôi như vỡ òa. Đúng là em trai tôi rồi. Ngay ngày hôm sau, mấy anh em tôi bắt xe vào Gia Lai. Nhìn thấy em nằm đó, tên tuổi em hiện rõ, chúng tôi ôm bia mộ em mà khóc. Xa cách bao nhiêu năm, nay gặp lại kẻ còn- người mất. Bao nhiêu năm qua em nằm nơi đây mà tôi không hay biết”.

Ông Nhật cảm thấy thương xót những ngôi mộ liệt sĩchưa biết tên, Ảnh: Tấn Dung
Ông Nhật cảm thấy thương xót những ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên.  Ảnh: Tấn Dung

Từ đó tới nay, hàng năm cứ tới dịp 27-7, ông Nhật lại cùng con cháu mình vào Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Gia Lai thắp hương tưởng nhớ em trai mình. Thấy em trai được yên nghỉ cùng đồng đội trong khuôn viên nghĩa trang sạch đẹp, ấm áp, ông Nhật vô cùng cảm động và cũng rất yên tâm. “Chắc hẳn là em trai mình cũng không muốn rời xa đồng đội nên gia đình chúng tôi quyết định để em yên nghỉ ở nơi này. Dù em xa quê hương nhưng hàng năm chúng tôi sẽ vào thăm em, kể chuyện quê nhà cho em nghe. Chắc chắn em cũng sẽ rất vui”- ông Nhật tâm sự.

Dù nay đã gần ở tuổi 80 nhưng ông Nhật vẫn tự mình vượt qua quãng đường hơn 1ngàn cây số từ Hà Nam vào Gia Lai thăm mộ em trai. Tuy còn mệt mỏi nhưng khi tới trước phần mộ của em, ông Nhật vẫn có thể ngồi hàng giờ thầm thì tâm sự với em trai mình. Sau đó, ông còn đi qua nhiều hàng mộ của những liệt sĩ chưa biết tên để thắp những nén hương thành kính. Ông trăn trở rằng, không biết đến bao giờ họ mới được người thân tìm đến và viếng thăm. “Em trai tôi hi sinh vẫn còn có mộ ghi danh rõ để hàng năm gia đình đến thăm viếng và tưởng nhớ. Nhưng tại nghĩa trang này, còn biết bao ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên, tôi cảm thấy thương xót vô cùng. Mỗi năm vào dịp 27-7, tôi vào Gia Lai thắp hương cho em trai và cho cả đồng đội của em để mong các liệt sĩ được yên nghỉ. Tôi cũng ở lại dự lễ thắp nến tri ân do tỉnh Gia Lai tổ chức. Buổi lễ được tổ chức trang trọng, thiêng liêng nên tôi thấy ấm lòng lắm. Nếu sau này tôi già yếu, con cháu tôi hàng năm sẽ lại vào đây để thể hiện lòng tri ân”- ông Nhật cho biết.

Tấn Dung

Có thể bạn quan tâm