Báo xuân

Người đầu tiên trồng mía ở làng Kram

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước cảnh thiếu trước hụt sau bởi tập quán canh tác lạc hậu, chậm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Đinh Vin-chàng trai thế hệ 8X đã quyết chí vươn lên không chỉ có cuộc sống ổn định mà anh còn trở thành người đầu tiên của làng Kram, xã An Trung, huyện Kông Chro mua ô tô 4 chỗ để… đi rẫy và du lịch.

Vào dịp cuối năm trở lại xã An Trung để tìm hiểu đời sống, sản xuất của người dân nơi đây, trò chuyện với những người nông dân vùng sâu này, điều khiến tôi không thể không lưu tâm: đó là chàng trai Bahnar Đinh Vin-làng Kram tự đi học lái xe rồi mua ô tô 4 chỗ để đưa gia đình tham quan, đi thăm rẫy mía của mình.
 

 

Trong ngôi nhà khang trang, tiếp chuyện chúng tôi là người thanh niên Đinh Vin dáng cao, mảnh khảnh. Sinh ra và lớn lên tại làng, cũng như nhiều thanh niên khác, học hành cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng tính ham học hỏi, chịu khó, thường lắng nghe những người xung quanh bàn chuyện trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế, tất cả đều được Vin ghi chép cẩn thận để sau đó nghiên cứu áp dụng.

Năm 20 tuổi, Vin lập gia đình. Tài sản của hai vợ chồng là 7 sào đất rẫy làm vốn. Làm mãi cũng chẳng dư dả bao nhiêu. Bước ngoặt cuộc đời anh đã bắt đầu thay đổi từ năm 2007-thời điểm cây mía đang phát triển mạnh. Tích cóp mãi, trong tay hai vợ chồng cũng chỉ có 8 triệu đồng. Thấy người dân trong xã trồng mía thu nhập ổn định, trong khi cả làng Kram chưa có hộ nào biết trồng loại cây này, Vin nhờ những người có kinh nghiệm hướng dẫn kỹ thuật.

Sau đó, Vin mạnh dạn mua giống về trồng thử và trở thành người Bahnar đầu tiên mang cây mía về trồng tại làng Kram thành công. Vụ thu hoạch đầu tiên, anh không bán mía nguyên liệu cho nhà máy đường, thay vào đó, giữ lại toàn bộ để trồng trên diện tích đất vừa mới mua thêm. Sang năm thứ 2, anh nhờ những người đi trước tìm đầu ra cho sản phẩm bán mía có lãi. Năm 2009, gia đình Vin vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện thêm 50 triệu đồng để tiếp tục đầu tư trồng mía.

Đinh Vin tâm sự: “Để có được như ngày hôm nay là cả một hành trình gian khó. Điều quan trọng nhất là mình phải chịu khó học hỏi những người có kinh nghiệm. Nhờ họ hướng dẫn kỹ thuật chọn mía giống, cách đầu tư chăm sóc hiệu quả và đặc biệt là tìm hiểu giá cả thị trường… Mình thường xuyên nghe đài, đọc báo biết được nhiều điều về cây mía nữa”.

Sau mỗi vụ thu hoạch, thấy diện tích mía lưu gốc năng suất bắt đầu giảm, Vin lại tranh thủ kinh nghiệm của những người xung quanh về các giống mía mới để tái đầu tư trồng lại nhằm nâng cao năng suất. Mỗi năm, gia đình anh thu về xấp xỉ trên 150 triệu đồng từ mía, bắp sau khi đã trừ chi phí.

Hai vợ chồng từ chỗ không có tài sản gì đáng kể, giờ đây họ xây được căn nhà khang trang trong làng. Chiếc xe ô tô 4 chỗ vừa tậu về là một thành quả đáng khích lệ đối với những nông dân Bahnar như Đinh Vin. Không chỉ lo cho mình, Vin thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trong làng. Đến nay, nhiều người đã học theo cách làm ăn của Vin.

Nói về Đinh Vin, ông Nguyễn Văn Ký-Chủ tịch UBND xã An Trung cho biết: Đinh Vin không chỉ là thanh niên ưu tú khi chăm chỉ học tập tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất làm giàu trên mảnh đất quê hương mình mà còn là một trong những cán bộ năng nổ trong công việc.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm