Báo xuân

Người sáng chế máy bừa cỏ giúp nông dân tiết kiệm hàng tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ chảo cày cũ cộng với vài thanh sắt và ốc vít, nông dân Phạm Văn Tỉnh (tổ dân phố 6, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) đã sáng chế thành công chiếc máy bừa cỏ, giúp người dân tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi vụ.

Chiếc máy bừa cỏ mì của anh Phạm Văn Tỉnh đã được người dân ở khu vực phía Đông Nam tỉnh sử dụng hơn một thập kỷ qua. Tại Hội thi “Nhà nông đua tài” do Hội Nông dân tỉnh tổ chức mới đây, sản phẩm của anh đạt giải nhất phần thi “Ý tưởng sáng tạo nhà nông”.

Sản phẩm của sự đam mê

 

Nông dân. Ành: H.T
Anh Phạm Văn Tỉnh. Ảnh: H.T

Đã quá trưa, nhưng nông dân Phạm Văn Tỉnh vẫn đang cần mẫn làm việc bên những chiếc bừa để kịp giao cho khách ở tận huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum). Nhìn qua, cấu tạo chiếc bừa có vẻ đơn giản gồm lưỡi bừa làm bằng chảo cày cũ, khung bừa và cần nâng làm bằng sắt. Nhưng ít ai biết rằng, để cho ra được sản phẩm tiện ích này, anh Tỉnh đã phải miệt mài tìm tòi, nghiên cứu, cải tiến ròng rã suốt 12 năm.

Anh Tỉnh lớn lên ở vùng thuần nông, hàng ngày chứng kiến nông dân trồng mì vất vả nhưng thu nhập không cao do các khoản chi phí đầu tư khá nhiều, nhất là việc thuê nhân công làm cỏ. Vì vậy, anh đã ấp ủ ước mơ chế tạo ra chiếc bừa với hy vọng giúp nông dân giảm bớt thời gian và chi phí sản xuất. “Sau một thời gian nghiên cứu cách làm lưỡi bừa, khung bừa, năm 1999, tôi mua những chiếc xà beng về chế tạo lưỡi, sau đó gắn vào thanh gỗ tạo thành bừa. Mất 2 ngày mới hoàn thành sản phẩm đầu tay. Tuy nhiên, khi mang ra thử nghiệm, chiếc bừa bị gãy”-anh Tỉnh nhớ lại.

 “Thất bại là mẹ thành công”, với suy nghĩ ấy, anh Tỉnh càng quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu. Đến năm 2005, anh đã chế tạo thành công chiếc bừa cỏ kéo bằng bò. Với ưu điểm làm cỏ nhanh và giảm đến một nửa chi phí, chiếc bừa này được nhiều nông dân mua về sử dụng và được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014. Chưa hài lòng, hàng ngày, anh Tỉnh còn nghiên cứu cải tiến chiếc bừa để mang lại hiệu quả cao hơn. Cuối cùng, sau 7 ngày đêm nghiên cứu bên những thanh sắt, anh cũng đã chế tạo ra được bộ phận cần nâng để cải tiến máy bừa bò thành máy bừa bằng xe máy. Tính đến nay, anh đã cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 1.000 máy bừa gồm cả 2 loại, thu về trên 1 tỷ đồng.

Giúp nông dân tiết kiệm hàng tỷ đồng

 

 Ông Lê Văn Thoát-Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Túc: Trên địa bàn thị trấn hiện đã có 80% hộ sử dụng máy bừa này. Mỗi vụ mì nếu chỉ làm cỏ 2 đợt thì 1 ha sẽ giảm ít nhất 4 triệu đồng. Toàn thị trấn hiện có 1.000 ha mì, khi sử dụng bừa này làm cỏ, nông dân sẽ tiết kiệm được 4 tỷ đồng/vụ…
  Ảnh: Đ.T
 

Dẫn chúng tôi tới một số vườn mì mà nông dân đang sử dụng máy bừa để làm cỏ, anh Tỉnh cho biết cách sử dụng chiếc bừa này rất đơn giản, chỉ cần gắn khung bừa vào đuôi xe máy và điều khiển cho xe chạy thẳng vào giữa hai hàng mì là lưỡi bừa sẽ tự động xới đất. Khi đi đến đầu bờ, chỉ cần dùng tay nhấc cần nâng lên là quay được bừa và đầu xe. “Chiếc bừa này đã được cải tiến gọn nhẹ nên người dân có thể làm cỏ từ khi mì còn nhỏ. Hơn nữa, do kéo bằng xe máy nên tốc độ làm cỏ rất nhanh, nếu đất bằng phẳng, một người có thể làm 1,5-2 ha mỗi ngày. So với làm thủ công, chi phí làm cỏ bằng bừa giảm đến 2/3”-anh Tỉnh phân tích.
 

Ông Lê Văn Thoát-Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Túc: Trên địa bàn thị trấn hiện đã có 80% hộ sử dụng máy bừa này. Mỗi vụ mì nếu chỉ làm cỏ 2 đợt thì 1 ha sẽ giảm ít nhất 4 triệu đồng. Toàn thị trấn hiện có 1.000 ha mì, khi sử dụng bừa này làm cỏ, nông dân sẽ tiết kiệm được 4 tỷ đồng/vụ…

Nông dân Nguyễn Việt Tiến (tổ dân phố 12, thị trấn Phú Túc) nhận xét: “Tôi bắt đầu sử dụng máy bừa cỏ này từ năm 2012. Trước đây, 3 ha mì của tôi thường làm cỏ theo 3 đợt, tổng cộng hết 180 công làm cỏ trong 3 tuần và chi phí hết 27 triệu đồng. Từ khi sử dụng máy bừa cỏ, mỗi năm tôi chỉ tốn 60 công làm cỏ trong 6 ngày với chi phí khoảng 9 triệu đồng”.

Ông Lê Văn Thoát-Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Túc cũng đang “đồng hành” cùng chiếc máy trên thửa mì 4 ha của gia đình. Trước đây, mỗi vụ ông thuê 160 công, hết gần 26 triệu đồng. Từ khi làm bằng bừa, mỗi vụ ông chỉ mất 8 triệu đồng là vườn mì của ông đã sạch cỏ.
    
Ngoài sáng chế máy bừa cỏ mì, anh Tỉnh còn cải tiến máy cày móc củ, giúp nông dân tiết kiệm 6 triệu đồng/ha chi phí thu hoạch. Sáng kiến này cũng đã giúp anh thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, người nông dân này cũng đã mở một tiệm sửa chữa điện cơ và trồng 5 ha điều, mỗi năm thu trên 200 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động. Anh Tỉnh dự định: “Sắp tới, tôi sẽ nghiên cứu để cải tiến chiếc máy bừa cỏ được gọn hơn, nhẹ hơn và chế tạo thêm máy vặt hạt điều nhằm giúp nông dân giải phóng sức lao động, giảm bớt thời gian và chi phí sản xuất”.

 Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm