Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Người thất nghiệp còn thờ ơ với hỗ trợ học nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo quy định của Luật Việc làm, những lao động thất nghiệp đang trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được hỗ trợ học nghề với mức tối đa là 1 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, chính sách này vẫn chưa thu hút được người lao động.

Chính sách hỗ trợ học nghề thấp

Tại Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh những ngày này có rất nhiều người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bên cạnh việc hướng dẫn các thủ tục cần thiết để hưởng trợ cấp thất nghiệp, cán bộ của Phòng còn tìm hiểu nhu cầu và tư vấn học nghề, việc làm mới cho người lao động. Thế nhưng, đa số người lao động đến đây đều không mấy quan tâm vấn đề này.

 

Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp. Ảnh: Đ.Y
Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp. Ảnh: Đ.Y

Chị Nguyễn Thị Mùi (xã Kdang, huyện Đak Đoa) nguyên là công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang. Do giá mủ cao su xuống thấp, chị Mùi xin nghỉ việc từ đầu tháng 10-2016. “Tôi đã tham gia BHTN được trên 7 năm nên chỉ muốn lấy tiền trợ cấp để trang trải cuộc sống hàng ngày. Sắp tới, tôi có ý định ở nhà phát triển kinh tế gia đình nên thấy việc học nghề, tìm việc làm mới ở nơi khác là không cần thiết. Hơn nữa, mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng như hiện nay là thấp so với chi phí học nghề. Học xong rồi không biết có tìm được việc làm phù hợp không”-chị Mùi chia sẻ.

Được biết, Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg ngày 24-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ (thay thế Quyết định số 55) quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia BHTN là 6 triệu đồng/khóa. Theo đó, người tham gia các khóa đào tạo nghề không quá 6 tháng được hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, mức hỗ trợ cụ thể của người học được tính theo tháng và phải kết thúc khóa học người thất nghiệp mới được cơ quan Bảo hiểm Xã hội thanh toán cho cơ sở đào tạo nghề. Còn người lao động tham gia học nghề thì phải đóng phí trước cho cơ sở đào tạo nghề. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến người thất nghiệp thờ ơ với học nghề.

 

Ông Nguyễn Xuân Hùng cho biết: Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh tư vấn, tuyên truyền cho người lao động hiểu rõ, nắm kỹ về chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp thông qua đội ngũ tư vấn viên trực tiếp tại Trung tâm và các đợt tuyên truyền lưu động tại nhiều địa bàn trong tỉnh. Về lâu dài, tỉnh nên cân đối nguồn cung-cầu lao động, đồng thời cần sớm bổ sung danh mục ngành nghề đào tạo, khóa đào tạo tại các cơ sở đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động. Các ngành chức năng cũng cần có những dự báo nhu cầu thị trường lao động chính xác để định hướng, tư vấn nghề phù hợp, đào tạo nghề có địa chỉ giúp người lao động dễ tìm việc làm sau khi được đào tạo...

Hơn nữa, ngành nghề đào tạo ở các cơ sở đào tạo nghề hiện nay chưa phù hợp với người lao động thất nghiệp. Do vậy, 9 tháng năm 2016, số lao động thất nghiệp có quyết định hưởng trợ cấp là 3.113 người nhưng chỉ có 15 trường hợp có quyết định nhận hỗ trợ học nghề.

Cần gắn học nghề với nhu cầu việc làm

Trao đổi về vấn đề hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp, ông Nguyễn Xuân Hùng-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh, cho biết: “Khi thất nghiệp, người lao động nào cũng muốn tìm cho mình một công việc mới phù hợp. Tuy nhiên, người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp ở tỉnh ta chủ yếu là lao động nông nghiệp, trong đó lao động người dân tộc thiểu số làm việc cho các công ty cao su, cà phê chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Phần lớn lao động thất nghiệp này không có kinh phí đi lại, ăn, ở và ngại ra thành phố học nghề. Còn lao động chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp về tỉnh thì làm ở các tỉnh, thành phố phía Nam với nhóm nghề chính là điện tử, may mặc... Những nghề này khó xin việc bởi nhu cầu ít và các doanh nghiệp ở tỉnh ta có quy mô nhỏ”.

Bên cạnh đó, với một số nghề có chi phí đào tạo cao như lái xe, cơ khí, kế toán… thì mức hỗ trợ cho người lao động khá thấp. Hơn nữa, với các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp thì người học chưa đủ khả năng để nâng cao kỹ năng làm việc. Nếu muốn nâng cao kỹ năng làm việc, người lao động phải bỏ thêm chi phí để tham gia các khóa trung cấp hoặc cao đẳng nghề. Trong khi đó, đại đa số lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm là lao động phổ thông (chiếm hơn 90%), đời sống còn khó khăn, khi bị mất việc, tiền trợ cấp  mới chỉ bù được một phần khó khăn cho cuộc sống nên không có điều kiện để tái đầu tư cho việc học nghề.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm