Người thầy co rút chân tay 30 năm dạy miễn phí cho học trò nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù bị tật nguyền nhưng ông Lê Quốc Hưng (52 tuổi, ở thôn Tuân Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, Bình Định) vẫn miệt mài dạy chữ, dạy toán... cho các thế hệ học sinh nghèo ở địa phương.

Cả người đơ cứng, ông Hưng chỉ có thể đứng để giảng bài


Sinh ra tại TP. Quy Nhơn, suốt những năm học phổ thông, cậu học trò Lê Quốc Hưng luôn chăm học để theo đuổi ước mơ làm bác sĩ. Khi đang học lớp 12 thì ông Hưng bỗng dưng bị co rút chân tay, các khớp xương bị sưng lên không thể cử động được.

Gần 5 năm chạy chữa nhưng chứng bệnh viêm dính khớp xương vẫn không điều trị dứt điểm được. Cuối cùng, gia đình đưa ông Hưng về xã Phước Hiệp để sinh sống. “Mọi ước mơ tan tành, tôi tuyệt vọng vô cùng, có khi muốn chết đi để khỏi phải gánh chịu nỗi đau.

Đằng đẵng mấy năm trời, mọi người càng động viên thì mình càng đau khổ. Rồi sống ở quê, thấy nhiều học trò ham học mà không có điều kiện, càng nghĩ càng thương. Lúc đó, tôi nghĩ mình phải làm một cái gì đó thật có ích để giúp các em. Năm 23 tuổi, tôi bắt đầu gọi các em ở gần nhà đến để dạy học miễn phí”, ông Hưng kể.

Ban đầu, lớp học của ông Hưng chỉ có một chiếc giường, mấy trò ngồi học chung với nhau. Để chủ động trong việc dạy, ông Hưng mượn sách giáo khoa của các em về tự mày mò, tìm ra cách giảng giải dễ hiểu, gây ấn tượng để các em nhớ bài. Qua năm tháng, các em học sinh đến nhà ông Hưng ngày càng đông. Không chỉ ở xã Phước Hiệp mà học sinh ở các xã lân cận như Phước Sơn, Phước Lộc, Phước Thắng... cũng tìm đến với “thầy Hưng”.

Cả người đơ cứng vì bệnh viêm dính khớp xương nên ông Hưng không ngồi được mà chỉ có thể đứng để giảng bài. Chỉ khớp gối và hai bàn chân hoạt động được nhưng để di chuyển từng bước nhỏ đến chỗ các học trò trong căn phòng chưa đầy 20 m2 cũng khiến ông chật vật, tháo mồ hôi.

Ông Hưng khoe có một đoàn từ thiện vừa tìm đến, hỗ trợ xây dựng một phòng học và nhiều sách vở để học sinh có thể đọc thêm. “Chỉ vài ngày nữa là tụi nhỏ sẽ có phòng học mới. Tôi tính sẽ bố trí bàn ghế như một lớp học thật sự để các cháu có cảm giác như đang ở trường, học hành đàng hoàng hơn”-ông Hưng tâm sự.

Theo bà Nguyễn Thị Huyền Trinh (hàng xóm của ông Hưng), lớp học của ông Hưng rất đặc biệt, không phải học trò theo thầy mà thầy theo học trò, tức là có học sinh lúc nào thì thầy dạy lúc đó. Ngày thường chỉ có vài em nhưng vào 2 ngày cuối tuần, lớp học của ông Hưng có gần 20 học sinh. “Mấy chục năm qua, học sinh nào cần thì đến, thầy Hưng dạy miễn phí hết, không lấy một đồng.


Cuộc sống trang trải qua ngày của thầy Hưng nhờ vào phụ cấp 400.000 đồng/tháng của nhà nước nên rất khó khăn. Nhưng hàng xóm cảm động trước tấm lòng của người thầy tật nguyền, mỗi bữa cơm lại mời thầy sang dùng cơm như người trong gia đình”-bà Trinh nói.

Còn ông Nguyễn Tấn Định-Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp, cho rằng ông Lê Quốc Hưng là tấm gương tiêu biểu của nghị lực vượt khó rất đáng để học tập và trân trọng. Không chỉ vượt qua bệnh tật, ông Hưng còn chọn cho mình việc làm rất có ích là mang lại kiến thức, niềm vui cho bao thế hệ học sinh của địa phương.

Theo Thanhnien

Có thể bạn quan tâm