Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Người trồng hoa rầu rĩ sau mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Còn hơn 1 tháng nữa, Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 sẽ chạm cửa mọi nhà. Thế nhưng, thay vì tất bật các công đoạn chăm chút hoa để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết thì hiện tại, nhiều nông dân khu vực phía Đông tỉnh chỉ còn biết buồn bã nhìn những “đứa con” của mình bị nhiễm bệnh, thậm chí chết dần sau đợt mưa lớn.

Chị Châu đang cố gắng ngắt hết số lá cúc bị bệnh để tránh lây lan. Ảnh: Hồng Thi
Chị Châu đang cố gắng ngắt hết số lá cúc bị bệnh để tránh lây lan. Ảnh: Hồng Thi

Dạo quanh các vùng trồng nhiều hoa ở thị xã An Khê và huyện Đak Pơ như: An Tân, Ngô Mây, Cư An, Tân An, Phú An…, không khó để bắt gặp hình ảnh những vườn hoa tơi tả, chết vì ngập úng. Người trồng hoa nơi đây cho biết, chính đợt mưa lớn kéo dài hơn tuần lễ vừa qua đã khiến phần lớn diện tích cây trồng của họ nói chung và hoa Tết nói riêng bị thối rễ, vàng lá cũng như mắc phải bệnh nấm đen, khó cứu vãn được.

Vừa nhanh tay ngắt bỏ những lá chân bị bệnh, úa vàng của mấy chậu cúc, chị Trương Thị Mỹ Châu (tổ dân phố 2, phường An Tân, thị xã An Khê) vừa thở dài: “Trồng hoa Tết 4 năm rồi nay tôi mới gặp cảnh này. Hơn 800 chậu cúc pha lê của 3 anh em đều bị rụi hết lá chân, chỉ mỗi lá ngọn là còn xanh, hư hại đến 60%. Mưa miết nên dù biết cúc bị bệnh, chúng tôi cũng không tài nào phun thuốc, bón phân được vì nước mưa sẽ rửa trôi hết. Giờ trời đừng mưa nữa thì mới may vớt vát được ít hoa bán Tết”.

Được biết, trong tổng số 800 chậu cúc trên, gia đình chị Châu có 300 chậu. Từ đầu vụ đến nay, chị đã bỏ ra hơn 15 triệu đồng để mua giống, chậu kiểng, thuốc hóa học và phân bón để chăm cho hoa. “Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, tôi thường lời được 50% tổng tiền hoa bán ra. Năm nay thời tiết bất lợi thế này, không lỗ đã mừng chứ tôi cũng chẳng hy vọng gì đến lời lãi”-chị Châu buồn bã nói.

Mặc dù 450 chậu cúc của mình đều được đặt ở vị trí cao, ít bị ngập nước, song mức độ thiệt hại mà anh Đặng Ngọc Anh (tổ dân phố 1, phường An Tân, thị xã An Khê) phải chịu cũng xấp xỉ 50%, chủ yếu là hoa bị nhiễm nấm đen trên lá. “Hiện tôi đang tiến hành tỉa bớt lá hư và một số cành xung quanh để hoa nứt nhánh cho lá mới nhằm đảm bảo nét thẩm mỹ, tránh làm giảm giá trị của chậu hoa khi bán ra”-anh Anh cho hay.

 

Bà Diên chỉnh trang lại những cây hoa hồng ít ỏi còn sống sót. Ảnh: Hồng Thi
Bà Diên chỉnh trang lại những cây hoa hồng ít ỏi còn sống sót. Ảnh: Hồng Thi

Không riêng gì cúc chậu, nhiều diện tích cúc điện, đồng tiền, lay ơn… cũng lay lắt sau đợt mưa dài ngày. Cơ sở hoa Năm Chứ-một trong những nhà vườn lớn ở thị xã An Khê chuyên cung cấp hoa công nghệ cao cho thị trường nội thị-hiện cũng đang rơi vào thế “thất thủ”. Mưa lớn đã làm hư hỏng khu nhà lồng của cơ sở, rách bạt che khiến lượng nước mưa trút xuống hoa quá nhiều. Hơn 1,5 sào hoa đồng tiền, cúc điện và hồng nhung của cơ sở này, vì thế, đã bị ngập úng và đang tàn lụi. Bà Nguyễn Thị Diên-chủ cơ sở, bộc bạch: “Mỗi năm giờ này chỉ lo chăm sóc rồi bán lai rai cho đến Tết. Ngày thường, giá khoảng 1.500 đồng đến 2.500 đồng/bông, Tết thì tăng lên 3.000 đồng/bông đồng tiền và 7.000 đồng/bông hồng. Năm nay hoa chết hết rồi, nhất là hồng, gia đình tôi coi như thất thu đáng kể. Nhìn thấy chúng lụi dần mà xót”.
 

Những chậu dạ uyên thảo không còn nguyên vẹn. Ảnh: Hồng Thi
Những chậu dạ uyên thảo không còn nguyên vẹn. Ảnh: Hồng Thi

Không chỉ riêng thị xã An Khê, người trồng hoa ở huyện Đak Pơ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hơn 3.000 cây cúc điện mà gia đình bà Dương Thị Hợi (thôn Tân Sơn, Tân An, Đak Pơ) trồng để bán Tết đều chết đứng trên vườn sau mưa. “Cả tiền giống, vật tư phân bón và công bỏ ra cũng hơn 1,7 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền điện để thắp sáng cho hoa ròng rã suốt 1 tháng qua. Giờ mưa quá cúc thối rễ, chết cả đám, coi như tất cả công của đổ sông đổ bể. Nguyên vườn lay ơn của cháu tôi bên xóm trên cũng thối củ chết hết rồi”-bà Hợi xót xa.

Cũng theo bà Hợi, đa số dân ở vùng Tân An, Cư An bên cạnh cây rau là chủ lực, đến Tết ai cũng trồng thêm hoa, chủ yếu là cúc điện cắm bình, nhà ít nhất cũng 3.000-4.000 cây. Thế nhưng sau đợt mưa vừa qua, hầu hết diện tích hoa đều bị thiệt hại, chỉ có một số ít là còn giữ được.

 

 Bà Hợi xót xa bên vườn cúc lay lắt sau lũ. Ảnh: Hồng Thi
Bà Hợi xót xa bên vườn cúc lay lắt sau lũ. Ảnh: Hồng Thi

Không chỉ riêng người trồng hoa khu vực Đông Gia Lai mà cả các tỉnh chuyên cung ứng hoa cho thị trường Tết như: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… đều phải gánh chịu thiệt hại do mưa lũ. Do đó, nhiều chủ vườn nhận định, thị trường hoa Tết năm nay sẽ trở nên khan hiếm và giá hoa có thể sẽ được đẩy lên cao hơn so với mọi năm.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm