Trong ngôi nhà như một “công viên các loài thú” ở thị trấn Phú Túc, họa sĩ Trần Quang Lực vẫn miệt mài học tiếng Nhật dù đang ở tuổi U70. Ông có 2 con gái hiện sống tại Nhật Bản, con gái lớn vừa lấy chồng ở đất nước này. Đó là lý do và cũng là động lực để ông học thêm ngoại ngữ. Ông cho biết, tiếng Nhật rất khó học, nhưng muốn hiểu được cuộc sống, văn hóa của người khác, phải bắt đầu từ ngôn ngữ. Đây cũng là sự chiêm nghiệm được ông đúc rút gần nửa thế kỷ trước. Đó là những năm đầu tiên sau giải phóng khi về nhận công tác tại xã Đất Bằng, thầy giáo Trần Quang Lực bắt đầu học tiếng Jrai. Để rồi từ đó, văn hóa và con người ở vùng đất cách mạng đã gắn vào “thân phận và sự nghiệp kỳ lạ” đúng như nhà thơ Văn Công Hùng từng nhận xét.
Cuộc sống và văn hóa người Jrai trong tranh họa sĩ Trần Quang Lực. Ảnh: Minh Châu |
Ngọn đèn "xóa mù chữ"
Một năm sau ngày đất nước thống nhất, xã Đất Bằng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Họa sĩ Trần Quang Lực hồi tưởng: “Khi đó, tôi 17 tuổi, hoàn toàn lạ lẫm với con người và văn hóa Jrai. Mặc dù dạy tiểu học nhưng có những học trò bằng tuổi tôi, mới từ trong núi ra. Trở ngại lớn nhất là 2 bên đều không biết ngôn ngữ của nhau. Muốn các em tiếp thu được bài học, bà con ủng hộ mình, chỉ có cách hiểu tiếng nói của họ. Tôi học tiếng từ người dân, từ những thầy giáo Jrai trong trường. Khẩu hiệu khi ấy là “1 hội đồng, 2 nhiệm vụ”-tức vừa dạy học ban ngày, vừa xóa mù chữ cho dân vào ban đêm. Hình ảnh ấn tượng nhất là bà con dùng chai thủy tinh cắt ngang, để cái đèn hột vịt vào giữa cho gió khỏi tắt. Mỗi người một đèn. Người già đi học. Phụ nữ mới sinh con cũng đi học, vừa ngồi học vừa cho con bú. Lúc này, tôi đã nói được tiếng Jrai nên được người dân quý mến”.
Những năm tháng ấy, người dân không chỉ đối diện với cái nghèo, cái đói, mà còn có những thứ đáng sợ hơn, đó là sự lạc hậu. Ông Lực kể: “Đợt đó, tôi bị sốt rét nhiều ngày, người vàng ệch, bủng beo. Đỉnh điểm là tôi lên cơn sốt, khát nước mà không thể ngồi dậy lấy nước uống. Tôi nằm lả đi dưới nền nhà, ú ớ kêu cứu. Thấy những bóng người qua lại trước cửa, có người thò đầu vào nhìn rồi đi ra, nhưng tuyệt nhiên không ai có động tĩnh gì. May sao có y tá Nay Der phát hiện kịp thời và cõng tôi về trạm y tế. Sau này, tôi mới biết bà con cho rằng Yàng đã muốn bắt tôi đi nên họ không dám trái ý, sợ bị liên lụy. Tôi không trách họ mà càng thấy trách nhiệm của mình trong việc nâng cao dân trí cho người dân. Trước đây, đa số bà con sống trong rừng, hoàn cảnh, cuộc sống, môi trường như vậy nên cũng là dễ hiểu”.
4 năm gắn bó với xã Đất Bằng, thầy giáo Trần Quang Lực như một người Jrai thực thụ từ giọng nói đến màu da. Ở tuổi 20, ông được quy hoạch là quyền Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đất Bằng-Cán bộ ngành Giáo dục trẻ nhất huyện lúc bấy giờ. Nhưng sau khoảng thời gian dạy học, ông phát hiện niềm đam mê với mỹ thuật và xin chuyển công tác sang ngành Văn hóa-Thông tin. Ông hồi nhớ: “Những năm sau giải phóng, cán bộ ngành nào cũng rất thiếu. Trong khi đó, tôi lại được quy hoạch làm cán bộ quản lý giáo dục. Nhưng thấy tôi khao khát cháy bỏng quá, cuối cùng cấp trên cũng cho toại nguyện”. Chính bước ngoặt này đã mang đến cho ông những thành công rất sớm với mỹ thuật.
Họa sĩ Trần Quang Lực trong không gian sống rất nhiều loài vật do ông điêu khắc. Ảnh: Minh Châu |
Chuyện của "Làng định cư"
Không được đào tạo qua trường lớp chính quy, nhưng ông Lực may mắn khi có người thầy đầu đời là cố họa sĩ Xu Man-cánh chim đầu đàn của mỹ thuật Gia Lai. Ông tham gia một số lớp tập huấn nghiệp vụ về văn hóa do Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum tổ chức. Trong đó, lớp tập huấn kẻ vẽ, cổ động trực quan, vẽ ký họa do họa sĩ Xu Man phụ trách. Ông nhớ lại: “Hồi đó, thầy Xu Man thường đưa chúng tôi về làng ông ở huyện Mang Yang. Đến mùa lúa chín, chúng tôi còn đi cắt lúa giúp gia đình ông. Ông xem chúng tôi như con cháu và chỉ dạy hết sức tận tình. Có lẽ tranh của tôi ảnh hưởng tính cách và lối vẽ của Xu Man, cuộc sống có sao vẽ vậy, hồn nhiên như nó vốn có”.
Nhưng chính cái chất Tây Nguyên hồn hậu ấy trong tranh Trần Quang Lực khiến những tác phẩm của ông “không đẹp mà rất duyên, càng ngắm càng thích” như nhận xét của các thành viên Hội đồng Mỹ thuật tại triển lãm mỹ thuật 3 tỉnh miền núi: Hà Tuyên, Cao Lạng và Gia Lai-Kon Tum (cũ) tại Hà Nội năm 1983. Tại triển lãm này, họa sĩ Trần Quang Lực được chọn trưng bày tác phẩm “Làng định cư” và được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua lại để trưng bày.
“Làng định cư” có gì đặc biệt khiến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam muốn giữ lại? Họa sĩ Trần Quang Lực kể: Tác phẩm vẽ lại cảnh một ngôi làng Jrai về làng mới, có cảnh người khiêng gỗ, đánh tranh, lợp nhà, xa xa là những dãy nhà sàn ngay ngắn vừa làm xong. Một ngôi làng đang dần thành hình rất gọn gàng, quy củ, hài hòa với thiên nhiên cùng bao sinh hoạt đời thường. Họa sĩ Trần Quang Lực cho biết: Hồi đó, các làng Jrai chủ yếu sống rải rác trong núi, thích ở đâu thì lập làng chỗ đó. Mỗi làng sống theo kiểu quần tụ, bước xuống khỏi bậc thang nhà sàn là hòa chung vào không gian cộng đồng. Vì thế mới xảy ra vụ cháy buôn lớn nhất trong lịch sử huyện Krông Pa (1982).
Một tác phẩm vẽ buôn của người Jrai của họa sĩ Trần Quang Lực (ảnh chụp lại). |
Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn buôn Ơi Khảm (nay là buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng). Người dân sống theo kiểu quần tụ nên khi cháy lớn, lửa bén từ nhà này qua nhà kia, không chừa một nhà nào. Sau biến cố đó, buôn Ơi Khảm chỉ còn trơ lại một vùng đất chết với những cột nhà cháy đen. Người dân cho đó là vùng đất ma quỷ nên bỏ buôn cũ và lập buôn mới ở địa điểm khác, theo kiểu làng định cư. “Vận động bà con từ trong núi ra sống định cư, ổn định nơi ăn chỗ ở cho nền nếp, ngăn nắp là chủ trương lớn của huyện Kông Pa những năm sau giải phóng. Tôi vẽ “Làng định cư” cũng từ chính phong trào đó”-ông Lực tâm sự. Đó không chỉ là một tác phẩm hội họa, mà còn là lát cắt lịch sử, dấu ấn của quá trình vận động người dân sống di cư sang định cư lâu dài để phát triển kinh tế-văn hóa ở vùng đất hạ du sông Ba.
Họa sĩ Trần Quang Lực kể vui, tác phẩm được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua với giá mấy chục đồng. Sau khi khao bạn bè một trận, ông còn đủ mua tặng vợ 1 chiếc áo. Sống ở vùng đất xa xôi nhất của tỉnh, ông dường như đơn độc trong quá trình sáng tạo, ít có sự giao lưu với giới cầm cọ. Nhưng ngọn lửa sáng tạo luôn được ông nuôi dưỡng với tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc. Ông vẽ rất nhiều, thường xuyên, đều đặn giới thiệu tác phẩm mới trong các triển lãm mỹ thuật của tỉnh. Ông đưa những vẻ đẹp bình dị, đời thường nhất của cuộc sống vào tranh. Đó là những ngọn đèn dầu trong lớp xóa mù chữ, cảnh di dời buôn, lễ hội Jrai, uống rượu cần, cảnh sinh hoạt đời thường trên buôn như phụ nữ giã gạo, tắm suối đêm trăng… Ở đó, cuộc sống con người không tách khỏi núi rừng, luôn chan hòa cùng thiên nhiên. Vậy nên, xem tranh ông như có mạch nước mát lành làm dịu mát mùa hè ở Krông Pa. Ông trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1996 và là người thứ 2 ở Gia Lai-Kon Tum sau họa sĩ Xu Man trở thành hội viên Trung ương ở chuyên ngành này.
Vẽ "chân dung" vùng đất
Thành tựu mỹ thuật khiến mọi người ít để ý đến những đóng góp của họa sĩ đa tài này ở nhiều lĩnh vực. Ông Phạm Ngọc Xuân-nguyên Bí thư Huyện ủy Krông Pa, nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy-thông tin: “Ông Lực còn có đóng góp rất lớn trong việc biên soạn Lịch sử Đảng bộ huyện Krông Pa. Ông là người chủ công trong sưu tầm tư liệu, gặp gỡ nhân chứng, ghi chép thông tin rất tỉ mỉ. Do vậy, đến nay, công trình này vẫn nguyên giá trị với thông tin đáng tin cậy về sự kiện, con người”.
Tác phẩm Bên suối-tranh sơn dầu sáng tác 1994 của họa sĩ Trần Quang Lực đạt giải B (không có giải A) tại triển lãm mỹ thuật tỉnh Gia Lai năm 1995 (ảnh chụp lại). |
Ông Phạm Ngọc Xuân-nguyên Bí thư Huyện ủy Krông Pa, nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy: “Họa sĩ Trần Quang Lực là lớp trí thức trẻ đầu tiên sau giải phóng, có đóng góp cho huyện trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, ông còn có năng khiếu hội họa, văn chương. Nhất là về mỹ thuật, ông khắc họa quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Krông Pa rất sinh động, nhất là mảng văn hóa, đời sống của người Jrai”.
Nguyên Bí thư Huyện ủy Krông Pa kể thêm, khi họa sĩ Trần Quang Lực chuyển về Ban Tuyên giáo Huyện ủy, biết ông từng dạy học ở làng và giỏi tiếng Jrai, ông Xuân đã khuyến khích ông dạy ngôn ngữ Jrai cho cán bộ của huyện. “2 lớp dạy tiếng Jrai đầu tiên của huyện Krông Pa được mở tại cơ quan Huyện ủy, học viên là đội ngũ cán bộ huyện, trong đó có cả người Jrai. Mãi sau này mới rộ lên phong trào học tiếng dân tộc bởi có chủ trương của tỉnh. Còn trước đó, ông Lực có công rất lớn trong truyền bá ngôn ngữ tiếng Jrai cho đội ngũ cán bộ huyện”-ông Xuân cho hay.
Không gian sống của gia đình họa sĩ Trần Quang Lực như một lát cắt của thế giới tự nhiên với rất nhiều loài thú rừng do ông điêu khắc. Một số tác phẩm hội họa khổ lớn treo trên tường, khắc họa sống động đời sống văn hóa của người Jrai. Và ở một góc nhỏ, những kỷ niệm chương vì sự nghiệp Tuyên giáo, lịch sử Đảng, vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, vì sự nghiệp Dân vận, huy chương vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam… được ông treo trang trọng, nhắc nhớ thầm lặng về những đóng góp không ngừng nghỉ của một người con gốc Quảng cho quê hương thứ hai của mình.