(GLO)- Nếu nhà rông là hồn của buôn làng như cách nói của nhà văn Nguyên Ngọc thì chỉ cần đứng trước những nhà rông ở Hà Tây (huyện Chư Pah) hẳn nhiều người phải mơ tưởng khi nghĩ về sự giàu có văn hóa của người Bahnar vùng này.
1. Mờ sáng, mọi chuyển động trong các ngôi làng đều thật khẽ khàng. Những mái nhà ngói, nhà tranh còn thiêm thiếp trong sương đêm bảng lảng như vẫn nuối níu đêm. Vậy mà, trên khắp các ngả đường, từng nhóm người lặng lẽ hòa vào sương sớm, hướng về nhà thờ, kịp buổi lễ sáng chủ nhật. Hà Tây là một trong những vùng đất được truyền giáo từ sớm. Ở đây, sự hòa điệu giữa bản sắc văn hóa và tôn giáo tạo nên bản thánh ca đẹp đẽ, giàu màu sắc.
Buổi lễ sớm tan. Mặt trời cũng vừa ló dạng phía sau dãy Kông Ju hùng vĩ. Khác với sự lặng lẽ ban sớm, mọi người chuyện trò rôm rả trên đường về làng. Theo chân già làng Mõi đến làng Kon Kơmõ-ngôi làng vừa dựng xong nhà rông mới. Nhà rông Kon Kơmõ không to và có mái cao như nhà rông một số làng quanh vùng nhưng già Mõi rất vui khi kể chuyện dựng nhà. Bấm đốt ngón tay, già Mõi chậm rãi tính: “Yang (trời) cho làng dỡ cái nhà rông cũ hồi đầu tháng 9, đến tháng 12 thì dựng xong nhà mới. Làm chẵn ba tháng đấy. Nhà thì đã làm xong nhưng làng chưa có tiền để mua trâu mừng nhà rông”.
Già Mõi nói, muốn làm một ngôi nhà rông to như ở một số làng nhưng “Rừng hết cây gỗ to để làm nhà cao rồi. Lũ thanh niên lên hai ngọn núi Kông Sơnao, Kông Ju cả tháng cũng chỉ kiếm được mấy cây vừa vừa để xẻ làm sàn nhà. Mấy thân cột to dựng nhà là do làng tận dụng từ nhà rông cũ đấy. Cột to như thế giờ không còn trong rừng đâu”.
Tuy vậy, già vẫn tự hào vì ngôi nhà rông ấy được làm bằng sức lực của cả cộng đồng làng. Từ tranh, tre, gỗ, dây mây cột nhà… đều do dân làng “xin” từ rẫy, từ rừng. Suốt ba tháng ròng rã, thứ bảy, chủ nhật cả làng lại kéo nhau đến chung tay mỗi người mỗi việc. Trước đó, phụ nữ được giao nhiệm vụ đi cắt tranh. Thanh niên khỏe mạnh lên núi tìm những thân cây lớn, xẻ ván kéo về làng. Xiơ (mí) Yă-làng Kon Kơmõ cho hay: “Cỏ tranh vùng này nhiều lắm, một số làng ở tận Kon Tum thỉnh thoảng vẫn đến mấy ngọn núi quanh đây cắt tranh về làm nhà”. Nhiều người làng còn kể, khi ngôi nhà rông lớn nhất Tây Nguyên-nhà rông Kon Klor ở Kon Tum bị đốt cháy và sau đó được dựng lại, người ta phải tìm đến vùng núi ở Hà Tây mới cắt đủ tranh đưa về Kon Tum lợp nhà.
Nhà rông làng Bah-một trong những nhà rông tuyệt đẹp ở Hà Tây. Ảnh: Nguyên Bình |
Tranh, tre, nứa lá ở vùng này còn khá dồi dào, chỉ có rừng đã mất. Nghe già làng ở đây kể lại, trước đây mỗi khi làng chuẩn bị dựng nhà rông, thường có những thanh niên khỏe mạnh và những người già giàu kinh nghiệm được cử vào rừng “thám thính” trước những cây gỗ to và quý. Người nào có công phát hiện nhiều cây gỗ quý sẽ được làng biết ơn, quý mến. Một chuyện nhỏ như thế nhưng nay chỉ còn được kể lại bên bếp lửa.
Dẫu sao, với người Bahnar ở đây, nhà rông lớn hay nhỏ không quan trọng, họ vẫn giữ gìn kiến trúc nhà rông truyền thống và quan trọng hơn, đêm đêm, bên bếp lửa nhà rông vẫn nồng ấm hơi người. Già Mõi trầm ngâm: “Chuẩn bị mùa lễ hội rồi, làng phải về nhà mới. Đáng lẽ phải đâm trâu mừng nhà rông như ông bà mình hồi xưa đấy, nhưng thôi, nay mai làng kiếm heo, kiếm gà cúng về nhà mới là được, còn có chỗ để sinh hoạt”.
2. Từ Kon Kơmõ ngược về làng Kon Mah, Kon Sơlal, ngay bên đường, trên những khoảng đất rộng, nhà rông các làng chỉ cách nhau chừng cây số, sừng sững với sự bề thế từ bề dài, bề rộng lẫn bề cao. Đây là một trong những ngôi nhà rông tuyệt đẹp, đúng kiểu truyền thống nhà rông Bahnar: mái tranh dày cả gang tay, dựng thẳng đứng vào nền trời xanh. Để lợp mái kiểu nhà rông này, đòi hỏi có sức khỏe, kỹ thuật và kinh nghiệm ông bà truyền lại qua nhiều đời. Và cũng như ở Kon Kơmõ, chúng là sản phẩm của cả cộng đồng làng.
Những ngôi nhà rông này, không thể tính được bằng tiền. Bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, bao nhiêu con người đã đổ công sức, trí tuệ, và cả sự hy sinh nữa, mới tạo nên những tuyệt tác về kiến trúc này.
Mái tranh nhà rông Kon Mah hãy còn mới lắm. Trong ánh nắng mai, bóng nhà đổ dài hàng chục mét, che mát cả một khoảng không rộng lớn. Bên trong, rất nhiều tấm chăn hãy còn ấm hơi người. Bếp lửa đã tàn, nhưng vẫn còn ấm nóng. Có cả những xoong, nồi, bát đũa. Những thanh niên của làng hẳn vừa rời khỏi đây. Ngay chính diện, trên thân một cây gỗ bắc ngang để gác các thứ vật dụng của làng như trống, chiêng, dàn âm thanh, ai đó đã khắc ngay ngắn dãy số 17-3-2012 (sau này hỏi ra mới biết, đó là ngày làng dựng xong nhà).
Cũng trên thân gỗ bắc ngang ấy, một người khéo tay nào đó của làng đã vẽ nhiều hình ảnh, bên trái miêu tả hành trình từ lúc cắt tranh đưa về làng, khiêng gỗ, xẻ gỗ, lợp nhà…; bên phải, vẽ lại ngôi nhà rông mới của làng dưới bóng mát kơ nia cổ thụ, dân làng quây quần vít cần rượu… Những hình ảnh tươi tắn, sống động lạ thường này hẳn là tác phẩm của đứa con giàu tình yêu với làng. Nó đầy tính biểu trưng và gần như một sự nhắn gửi thầm kín về ý thức giữ gìn, tiếp nối: nhà mới, cũ đi và lại được thay mới.
3. Tuy nhiên, lớn nhất, đẹp nhất ở Hà Tây không phải những ngôi nhà rông vừa kể. Năm 2009, khi làng Bah dỡ bỏ ngôi nhà rông cũ được làm từ những năm 1978 để dựng lại nhà mới, đây trở thành ngôi nhà rông to, đẹp nhất vùng này. Ngày về nhà rông mới, làng tổ chức đâm trâu, mời cả 9 làng về dự. Cặp sừng trâu hiện vẫn còn được treo trang trọng ngay phía trên cửa chính.
Chúng tôi may mắn có mặt ở làng Bah vào đúng những ngày làng làm nhà rông mới, năm 2009. Hàng trăm người đàn ông “treo” mình trên mái nhà gần như dựng đứng, cẩn thận dùng mây cột những tấm tranh. Tấm này chồng lên tấm kia dày hàng gang tay trên mái nhà cao hàng chục mét là công việc đòi hỏi sự nhẫn nại, khéo léo tuyệt vời. Ngôi nhà khi hoàn thành, trở thành niềm kiêu hãnh của cả làng. Một ngôi nhà rông bề thế đứng xa vài chục mét mới thu hết hình ảnh vào ống kính máy ảnh.
Mới đây, khi ghé thăm ngôi nhà rông mới Kon Klor (phường Thắng Lợi, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum), nghe anh cán bộ ở đây tự hào khoe: “Đây là ngôi nhà rông lớn nhất Tây Nguyên”. Không biết đã có sự đo đạc nào những nhà rông ở Tây Nguyên để anh khẳng định điều này. Nhưng tôi chắc rằng, những ngôi nhà rông ở Hà Tây (huyện Chư Pah) không thua kém ngôi nhà rông “lớn nhất Tây Nguyên” Kon Klor về sự bề thế, kiến trúc lẫn thẩm mỹ.
Hoàng Ngọc