Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Nhận diện thông tin xấu, độc trên mạng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc, phá hoại tư tưởng thì việc sử dụng không gian mạng xã hội là thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay. Với đặc tính lan tỏa nhanh, mạng xã hội đang là phương tiện nguy hiểm nhất, có khả năng mở rộng phạm vi tác động nhanh nhất, vượt qua rào cản ngôn ngữ, khoảng cách địa lý và các nỗ lực ngăn chặn để phổ biến nhanh, gây tác hại trên diện rộng hơn bất cứ hình thức chống phá nào khác. 
Nhiều thủ đoạn chống phá
Trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua liên tục xuất hiện tình trạng một số cá nhân đăng tải, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội, nhất là Facebook, những thông tin phiến diện, thiếu chính xác, chưa được kiểm chứng, hoặc thông tin về những vụ việc đang trong quá trình điều tra, chưa có kết luận chính thức… dẫn đến tâm lý hoang mang, phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch và các đối tượng phản động, cực đoan chính trị tuyên truyền xuyên tạc, chống phá gây mất ổn định chính trị, kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Trước thực trạng trên, cán bộ, đảng viên, nhân dân cần nhận diện rõ thông tin xấu, độc, từ đó đẩy lùi tác động của nó đối với nhận thức của mỗi người.
 Lễ công bố quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng. Ảnh: internet
Lễ công bố quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng. Ảnh: internet
Về nội dung và bản chất, có thể nhận diện thông tin xấu, độc tán phát trên internet và mạng xã hội là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch. Đó là các dạng thông tin có nội dung không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục như: kích động bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống…; thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm tin học như: lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, tán phát vi rút… 
Bên cạnh đó là những thông tin sai trái, độc hại có tính chất chính trị như: chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng và cách mạng Việt Nam hòng phủ định Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, phủ nhận thành tựu, đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước…; xuyên tạc lịch sử dân tộc, nhất là lịch sử các cuộc kháng chiến, các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta; xuyên tạc thân thế, sự nghiệp, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng; vu cáo, bôi nhọ, giả mạo các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Nhiều đối tượng đưa thông tin kích động xu hướng ly khai, phá hoại sự thống nhất quốc gia, dân tộc, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tổ chức các hoạt động bạo lực phá hoại dưới cái mác “ôn hòa”, “bất bạo động”; truyền bá lối sống ích kỷ vụ lợi, xa hoa, trụy lạc, bạo lực và thù hận đối với cá nhân và tổ chức, nhất là đối với chủ nghĩa cộng sản và Đảng Cộng sản; phá hoại bản sắc văn hóa dân tộc, tuyên truyền, áp đặt các giá trị văn hóa và lối sống phương Tây, nhất là về văn hóa chính trị. Ngoài ra, về mặt pháp luật, việc nhận diện thông tin xấu, độc đã được thể hiện tại khoản 1, Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP và trong Luật An ninh mạng vừa mới được thông qua.
Về thủ đoạn tán phát thông tin xấu, độc, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang sử dụng các phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, xảo quyệt. Chúng lợi dụng các trang mạng lớn trên thế giới như Google, Facebook, kênh Youtube làm công cụ, sử dụng và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên rộng khắp để xuyên tạc, chống phá ta; tận dụng tối đa những ý kiến, đánh giá, nhận xét của các cá nhân, tổ chức có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong và ngoài nước, tạo dựng các trang web, các tài khoản cá nhân trên mạng nói chung, trên Facebook nói riêng để “chia sẻ”, phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt chống phá.
Những thủ đoạn tán phát thông tin xấu, độc bao gồm: Mỗi đối tượng sử dụng một điện thoại smartphone, máy tính bảng… để quay phim, chụp ảnh, truyền tải video, hình ảnh livestream trực tiếp từ thực địa, tác động nhanh chóng và trực tiếp tới những người tham gia mạng xã hội, tạo hiệu ứng lan truyền rộng khắp. Giả mạo các hình ảnh, video hoặc sử dụng các thông tin cũ có hiệu ứng kích động cao đối với cộng đồng mạng để xuyên tạc, lôi kéo người dân. Giả mạo lực lượng chức năng (quân đội, công an) trà trộn vào lực lượng tham gia biểu tình hoặc có những hành vi phản cảm để quay phim, chụp ảnh phát tán lên mạng internet, mạng xã hội. Tạo hiệu ứng đám đông trên không gian mạng bằng cách huy động một số lượng lớn các tài khoản mạng xã hội (đa số là các tài khoản ảo) gắn các biểu ngữ phản đối Đảng, Nhà nước để tạo ra hiệu ứng đám đông, từ đó người dùng mạng xã hội thường xuyên nhìn thấy các biểu ngữ phản đối hoặc những người không có lập trường tư tưởng vững vàng sẽ bị tác động thay đổi tư tưởng theo chiều hướng tiêu cực. Giả mạo tài khoản, xây dựng hàng loạt các mạng lưới tài khoản, trong đó có một số tài khoản chính thường xuyên đăng tải bài viết, thông tin xuyên tạc về một số nội dung, lĩnh vực nhất định và sử dụng hàng trăm tài khoản vệ tinh (thực chất là tài khoản ảo, có chung một chủ tài khoản) thực hiện nhiệm vụ chia sẻ trong các nhóm diễn đàn phản động hoặc các trang mạng xã hội có lượng thành viên lớn. Đặc biệt, có nhiều tài khoản được thế lực thù địch mạo danh các nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng đến cộng đồng để phát huy tối đa khả năng lan truyền thông tin gây hoang mang dư luận trong quần chúng nhân dân, kích động người dân tụ tập biểu tình ngoài thực địa và có hành vi vi phạm pháp luật.
Xu hướng tán phát thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội trong thời gian tới sẽ tập trung chủ yếu vào những vấn đề sau: Dựa trên những vấn đề phức tạp, mới nảy sinh, những yêu cầu phát triển của đất nước, nhất là sự gia tăng nhanh chóng số lượng người sử dụng internet, mạng xã hội, các diễn biến theo chiều hướng phức tạp trong khu vực và Biển Đông; lợi dụng những biểu hiện mới xuất hiện trên thế giới, như khuynh hướng chống toàn cầu hóa để xuyên tạc, cản trở đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, kích động, cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cực đoan phát triển. Cổ vũ xây dựng “Xã hội dân sự” ở Việt Nam, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền và hàng loạt vấn đề cốt lõi trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và các nghị quyết mới của Trung ương để chống phá. Hướng nội dung tác động đến các đối tượng như: công nhân trong vấn đề cho phép hình thành tổ chức công đoàn độc lập; nông dân trong việc triển khai chủ trương tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, cánh đồng mẫu lớn; văn nghệ sĩ, trí thức trong việc hình thành các hội nhóm đối lập núp dưới danh nghĩa phản biện xã hội… Các đối tượng chống phá còn tập trung lựa chọn những nhân tố “điển hình”, “sám hối”, “trở cờ”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ làm “ngọn cờ” trên địa bàn để tập hợp lực lượng chống đối từ bên trong, xem đây là nguồn tán phát trực tiếp thông tin xấu, độc. 
Cần nâng cao tinh thần cảnh giác
Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn tỉnh, để nhận diện, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tác động từ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, cần tuân thủ một số nguyên tắc sau.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Một là, luôn chủ động nâng cao kiến thức xã hội về mọi mặt, nhất là đối với thanh-thiếu niên, công nhân, phụ nữ… nhằm xây dựng cho mình nhận thức chính trị đúng đắn để xem xét, tiếp cận thông tin một cách khách quan, đầy đủ, chính xác từ những nguồn thông tin chính thống, tránh tiếp cận thông tin phiến diện, một chiều. Nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng tham gia đấu tranh với những nhận thức không đúng, ngộ nhận, mơ hồ trước các nguồn thông tin sai trái, thù địch với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Hai là, mỗi người có ý thức tự giác, kỷ luật trong quá trình tiếp xúc thông tin; chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng vừa mới được thông qua. Đồng thời tích cực tham gia vạch trần, cảnh báo đến người dùng mạng xã hội những biểu hiện xào xáo thông tin, lưu truyền thông tin xấu, độc, thông tin thất thiệt…
Ba là, không nghe, đọc, xem những đài, báo, trang mạng, bài viết, blog, video của những phần tử chống đối, phản động. Không tán phát, chia sẻ thông tin kích động biểu tình hay hình ảnh, video clip về cảnh tụ tập đông người, biểu tình gây rối. Không tin, nghe, làm theo hay ủng hộ lời xúi giục của kẻ xấu có những hành động vi phạm pháp luật (gây mất an ninh trật tự, vi phạm an toàn giao thông, gây thương tích cho người khác, chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp...). Phát hiện, tố giác và sẵn sàng tham gia đấu tranh ngăn chặn kẻ xấu kích động việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, kịp thời thông báo cho các cơ quan, đoàn thể để xử lý. Tích cực chia sẻ những thông tin chính thống để cùng tuyên truyền vận động bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cộng đồng hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp; không tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật.
Anh Minh

Có thể bạn quan tâm