Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Nhiều bất thường trong chữa bệnh bằng BHYT ở Bệnh viện mắt Cao Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Bệnh viện Mắt Cao Nguyên phẫu thuật 2.600 ca, đề nghị BHXH tỉnh Gia Lai thanh toán 24,2 tỷ đồng, vượt hạn mức cả năm gần 6 tỷ đồng.
Chỉ với 2 bác sỹ có chứng chỉ mổ mắt phaco nhưng nửa đầu năm 2019, có tháng Bệnh viện mắt Cao Nguyên (tỉnh Gia Lai) đã phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp phaco (viết tắt là phẫu thuật phaco) cho hơn 700 người. Kết quả là trong 6 tháng, bệnh viện đã phẫu thuật 2.600 ca và đề nghị BHXH tỉnh thanh toán 24,2 tỷ đồng, vượt hạn mức cả năm gần 6 tỷ đồng.
 
Bệnh viện mắt Cao Nguyên (Pleiku, Gia Lai).
Kết quả này sẽ được coi là nỗ lực lớn của bệnh viện nếu như không có nhiều bệnh nhân không đồng tình với việc họ bị mổ cả hai mắt trong cùng một ca phẫu thuật; không có tình trạng 1 ca phẫu thuật cả 2 mắt, nhưng lại được tách hồ sơ thành 2 ca để thanh toán bảo hiểm y tế.
Trái lại, số bệnh nhân được mổ cao bất thường, cùng với cách thức tiến hành các ca mổ mắt và lập hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế ở Bệnh viện mắt Cao Nguyên, tỉnh Gia Lai, đang làm dấy lên những hoài nghi về y đức và tiêu cực trong thanh toán BHXH.
Bức xúc vì 1 ca mổ cả 2 mắt
Vì tuổi cao, ông Nguyễn Đức Hải (SN 1949, trú tại xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) bị giảm thị lực 2 mắt. Tại buổi khám từ thiện của Bệnh viện mắt Cao Nguyên vào ngày 18/3, bác sĩ kết luận ông Hải bị đục thủy tinh thể, cần phải thực hiện phẫu thuật phaco. Ngay trong chiều cùng ngày, ông Hải cùng gần 40 người khác có thẻ bảo hiểm y tế và chứng minh thư trong xã lên xe ô tô của bệnh viện về trụ sở ở đường Lê Duẩn, thành phố Pleiku điều trị.
Khi nằm trên bàn phẫu thuật, ông mới biết mình bị chỉ định mổ phaco cùng lúc 2 con mắt. “Trước phẫu thuật, bác sĩ không hỏi gì mà mổ luôn 2 mắt, mắt lành cũng mổ, mắt mờ cũng mổ. Nếu tôi được hỏi, thì tôi không bao giờ chấp nhận mổ cùng lúc như vậy, vì rủi ro thì mù luôn 2 mắt”- ông Hải cho biết.
Đồng quan điểm với ông Hải, bà Nguyễn Thị Luận (thôn 3, xã Đăk Hlơ) cho biết thêm: “Lên tới viện là chúng tôi vào mổ luôn. Mổ 2 mắt cùng lúc nhiều lắm. Bác sĩ mổ từ lúc 3 giờ tới 9 giờ tối là hết số người của xã tôi. Mổ xong không khá hơn chút nào. Trước kia mắt tôi không mờ mấy, còn bây giờ thì chảy nước mắt cả ngày”.
 
Nhiều bệnh nhân sau mổ mắt không hài lòng với chất lượng mổ phaco tại Bệnh viện mắt Cao Nguyên.
Ông Nguyễn Đình Ngụ (thôn 1, xã Đăk Hlơ) cho rằng, việc mổ số lượng lớn bệnh nhân cùng lúc như vậy khiến chất lượng thị lực sau mổ của ông và nhiều người khó được đảm bảo.
“Họ mổ liên tục. Hôm nay mổ cho người dân xã Đăk Hlơ, mai là mổ cho người dân xã Kông Bla (huyện Kbang), vì vậy chất lượng khó đảm bảo”- ông Ngụ nói.
Theo một bác sĩ chuyên khoa mắt (xin không nêu tên), có kinh nghiệm nhiều năm về mổ phaco đang công tác tại Gia Lai, mổ phaco cả hai mắt trong một ca phẫu thuật là một bất thường. Trong hầu hết các trường hợp, để đảm bảo sức khỏe và an toàn thị lực cho bệnh nhân, các bác sĩ chuyên khoa sẽ chọn mổ 1 mắt trước. Khi mắt này phục hồi mới mổ mắt còn lại.
Lý do là phẫu thuật đặt phaco vào mắt bệnh nhân chỉ làm được 1 lần duy nhất, không thể lấy ra, lấy vào để thay đi thay lại được. Không có quy định nào cấm mổ 1 lần 2 mắt, nhưng thường không bác sĩ nào chỉ định mổ 1 lần 2 con mắt mà thường sẽ mổ 1 mắt để đánh giá được kết quả mắt đó. Bởi vì không ai đảm bảo là cuộc mổ sẽ thành công 100%. Nếu 2 mắt bị đục thủy tinh thể, người ta chọn mắt nào có thị lực kém hơn mổ trước. Kết quả bệnh nhân thấy sáng, tốt, họ sẽ mổ mắt còn lại. Nếu có bệnh lý võng mạc, bệnh lý đáy mắt, thì sẽ chọn con mắt có võng mạc tốt hơn để mổ, nhằm đạt thị lực tốt nhất cho bệnh nhân. Nếu 2 con mắt bị mù cả, bác sĩ sẽ chọn 1 mắt mổ trước để xóa mù trước”, bác sĩ này cho biết thêm.
Nhân đôi hồ sơ để thanh toán bảo hiểm?
Hiện nay, Bệnh viện mắt Cao Nguyên có 2 bác sĩ được cấp chứng chỉ phẫu thuật phaco. Tuy nhiên, trong tháng 3/2019, bệnh viện thực hiện mổ phaco cho 716 bệnh nhân. Trong đó có 401 người được chỉ định mổ phaco cả 2 mắt, tương đương lượng mổ phaco trung bình cả năm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.
6 tháng đầu năm nay, Bệnh viện mắt Cao Nguyên đã đề nghị bảo hiểm y tế thanh toán hơn 24,2 tỷ đồng, vượt hạn mức giao cả năm gần 6 tỷ đồng. Phần lớn là kinh phí từ việc mổ phaco.
 
Dù bệnh nhân được mổ 2 mắt đồng thời, nhưng Bệnh viện mắt Cao Nguyên đề nghị thanh toán hồ sơ mổ phaco ở 2 ca mổ khác nhau.
Đáng chú ý, trong khi bệnh nhân xã Đăk Hlơ, huyện Kbang đều khẳng định đã được phẫu thuật đồng thời 2 mắt trong chiều và đêm 18/3 thì hồ sơ đề nghị thanh toán Bệnh viện mắt Cao Nguyên trình lên hệ thống quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam lại thể hiện mỗi bệnh nhân được thực hiện phẫu thuật 2 mắt ở 2 ca mổ, cách nhau 1 ngày (ngày 20 và 21/3).
Theo quy định hiện hành của Bộ Y tế (Thông tư 39/2018 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế), việc tách đôi hồ sơ như vậy, bảo hiểm y tế sẽ buộc phải chi trả thêm 1,3 triệu đồng so với hồ sơ mổ 2 mắt đồng thời.
Ông Nguyễn Văn Mau, Trưởng phòng Giám định Bảo hiểm y tế, thuộc Bảo hiểm xã hội Gia Lai cho rằng, số liệu như vậy là có vấn đề. Tuy nhiên, các hồ sơ, bệnh án bệnh viện này trình lên hợp lệ thì bảo hiểm y tế buộc chấp nhận thanh toán. Trước câu hỏi, bảo hiểm y tế có thực hiện công tác giám định ngược (giám định bệnh nhân tại nơi cư trú) không, ông Mau cho rằng đơn vị không có đủ thời gian và nhân lực để làm.
Trước cảnh báo “bất thường” từ Bảo hiểm xã hội Gia Lai, Ths.Bs Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Bệnh viện mắt Cao Nguyên cho rằng, đơn vị đã làm đúng. BHXH không nên để giới hạn của Quỹ bảo hiểm làm ảnh hưởng tới nỗ lực thanh toán mù lòa ở địa phương.
“Hơn 20.000 con mắt mù lòa ở tỉnh Gia Lai đang chờ đợi. Bảo hiểm không thể vin vào chuyện cấp dự toán để khống chế. Giả sử cấp dự toán mà bệnh viện làm vượt, bảo hiểm cũng phải chấp nhận. Bệnh nhân đến thì tôi phải điều trị, bảo hiểm có dám nói là đóng quỹ bảo hiểm không? Nói luôn là, chúng tôi đúng về mặt pháp luật”, bác sĩ Lành cho biết.
Sự việc xảy ra ở Bệnh viện mắt Cao Nguyên, tỉnh Gia Lai, đã gây chú ý rộng rãi trong dư luận. Cử tri đã nêu vấn đề này lên Hội đồng nhân dân huyện K’Bang, và hội đồng nhân dân huyện đã nêu vấn đề này lên Hội đồng nhân dân tỉnh.
Điều dư luận và các bệnh nhân quan tâm không phải là mức vượt 6 tỷ đồng so với hạn mức bảo hiểm y tế, mà là những câu hỏi về y đức và sự mập mờ trong việc tách hồ sơ để nâng khối lượng thanh toán.
Để làm rõ những bất thường này, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai, ngành chức năng địa phương đang vào cuộc kiểm tra.
PV (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm