Kinh tế

Nông nghiệp

Nhiều giải pháp duy trì, phát triển vườn cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo quy hoạch đến năm 2020 tổng diện tích cao su trên địa bàn tỉnh là 120.000 ha. Để giữ ổn định và phát triển diện tích này, ngành chức năng đã vận động và hướng dẫn người dân thực hiện nhiều giải pháp nhằm giữ mức đầu tư tối thiểu để tiếp tục duy trì vườn cây trong thời điểm giá mủ giảm thấp như hiện nay…

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh, hiện tổng diện tích cao su trên địa bàn tỉnh đạt trên 110.000 ha, trong đó cao su tiểu điền 15.618 ha. Trước thực trạng giá mủ cao su giảm, một lượng lớn diện tích đã được chuyển mục đích khác. Theo đánh giá của ngành chức năng, trong 4 năm qua không có hiện tượng doanh nghiệp, người dân chặt bỏ cao su do giá mủ lao dốc, mà diện tích chặt bỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong các năm 2012, 2013 diện tích cao su chặt bỏ khoảng 160 ha. Năm 2014 diện tích cao su thanh lý, trồng mới lại gần 2.119 ha; diện tích chặt bỏ chuyển sang mục đích khác là 2.368 ha. Trong số đó, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai chuyển 1.894 ha. Một số công ty đứng chân trên địa bàn thanh lý khoảng 130 ha; còn lại gần 350 ha là của nông dân phá bỏ. Qua năm 2015, diện tích cao su thanh lý chuyển mục đích lại rơi vào diện tích cao su tiểu điền với 1.197 ha, tập trung lớn ở TP. Pleiku (207 ha), huyện Ia Grai (361 ha), huyện Đak Đoa (320 ha), huyện Chư Sê (150 ha), một số huyện khác diện tích chuyển đổi không lớn. Đây là những vườn cao su tiểu điền diện tích nhỏ, thiếu vốn đầu tư, chất lượng vườn cây kém, không đảm bảo mật độ đã bị phá bỏ để chuyển sang trồng hồ tiêu, cà phê, chanh dây và một số cây trồng khác.

Liên tục rơi vào tình cảnh khó khăn, giá mủ xuống thấp, cộng với đầu ra không thuận lợi vì phần lớn các cơ sở thu mua cao su tiểu điền đều hoạt động cầm chừng..., thực tế này đặt ra vấn đề làm sao để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chặt phá, giảm sức đầu tư vườn cây. Theo nhận định của Hiệp hội Cao su Việt Nam, nhu cầu cao su đang tăng trưởng trở lại theo đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Đồng thời, xác định đây là loại cây trồng có tính chiến lược, chu kỳ kinh doanh dài, do đó ngành chức năng đã cùng với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để phát triển ổn định diện tích cao su theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT và chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Trong đó, giải pháp chính vẫn là tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển cao su bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng.

Khuyến cáo được đưa ra là người trồng tập trung tái canh vườn cao su hết tuổi khai thác và thâm canh vườn cây để nâng cao năng suất, chất lượng. Đối với những vườn cao su đang trong thời kỳ kinh doanh có thể giảm đầu tư phân bón, thay đổi chế độ cạo mủ, nếu trước đây 2 ngày cạo 1 lần thì nay 3-4 ngày mới cạo 1 lần. Đối với diện tích đang chuẩn bị bước sang thời kỳ kinh doanh, chủ vườn nên kéo dài thời kỳ kiến thiết cơ bản hơn thông thường. Còn những vườn đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản chưa khép tán, người dân thực hiện trồng xen các loại cây ngắn ngày và dài ngày như đậu đỗ các loại, bắp, chanh dây, khoai lang, bầu bí, chuối… Thực tế đã có một số công ty cao su thực hiện theo hướng này và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng xen canh.

Theo đánh giá của ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh, mô hình trồng xen canh trong vườn cao su chưa khép tán sẽ mang lại lợi ích kép. Bởi mô hình này không chỉ cải thiện thu nhập cho người dân trong lúc mủ cao su xuống thấp, giúp họ ổn định và yên tâm đầu tư chăm sóc vườn cây, mà còn làm tăng độ màu mỡ của đất, bổ sung dinh dưỡng cho cây cao su nhờ đa dạng sinh học. Riêng đối với đậu đỗ, ngoài tác dụng cải tạo đất, còn có thể tận dụng phụ phế phẩm như thân, cành lá để làm thức ăn chăn nuôi gia súc trong điều kiện thiếu đồng cỏ như hiện nay; hoặc tận dụng để ủ phân hữu cơ vi sinh bón cho vụ sau.

“Tùy vào điều kiện cụ thể, ngành chuyên môn của các địa phương sẽ khuyến cáo, hướng dẫn nông dân xác định, lựa chọn loại cây trồng xen cho thích hợp, tránh những cây trồng xen là ký chủ của những nguồn bệnh chính gây hại cho cao su. Qua đó, định hình mô hình trồng xen canh sao cho mang lại hiệu quả sử dụng đất, giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập trong thời điểm giá mủ cao su đang ở mức thấp như hiện nay”-ông Khải cho biết thêm.

Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm