Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Nhiều giải pháp hạn chế khai thác nước ngầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo kết quả Đề án “Điều tra, đánh giá, khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”, Gia Lai có 5 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất với tổng cộng 251 khu vực. Để hạn chế khai thác nước dưới đất, các ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. 
Theo kết quả điều tra, khoanh định, huyện Ia Grai có 14 khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất. Do vậy, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp với các xã thông báo để người dân biết và tìm phương án hạn chế khai thác nước dưới đất cho từng khu vực. Ông Thái Anh Tuấn-Phó Trưởng phòng TN-MT huyện-cho biết: Tại các khu vực hạn chế khai thác hiện có 2.660 công trình khai thác nước, trong đó có 57 công trình thuộc khu vực bị ô nhiễm. Đối với các công trình này, chúng tôi sẽ lấy mẫu nước phân tích nguyên nhân để tìm biện pháp xử lý. Trong trường hợp không thể xử lý thì tìm cách đưa nước từ khu vực khác về hoặc điều chỉnh quy hoạch đất ở để di dời các hộ dân. Song song với đó, huyện sẽ tìm nguồn vốn để xây dựng các công trình cấp nước tập trung, kết hợp vận động người dân chuyển sang sử dụng nước từ các công trình này. Ngoài ra, UBND huyện dừng không cấp phép xây dựng công trình mới tại các vị trí hạn chế khai thác.
Xã Ia Khai (huyện Ia Grai) có 1 vị trí hạn chế khai thác nước do bị ô nhiễm thuộc làng Jrăng Krái. Bà Nguyễn Mai Lương-Chủ tịch UBND xã-cho hay: Ủy ban nhân dân xã vận động người dân dừng sử dụng nước tại các giếng trong khu vực bị ô nhiễm. Theo đó, người dân chuyển sang sử dụng nước từ công trình nước tự chảy được xây dựng từ năm 2007. Tuy nhiên, vị trí dẫn nước về làng quá xa, áp lực nước chảy yếu, vào mùa khô thường bị cạn kiệt khiến người dân thiếu nước sinh hoạt. Do đó, chúng tôi quán triệt đến các hộ dân nếu có nhu cầu khoan giếng phải báo cáo lên UBND xã để xem xét. Đồng thời, chúng tôi kiến nghị UBND huyện đầu tư hệ thống khoan áp lực để dẫn nước từ công trình nước sạch của làng Jrăng Blo, tránh tình trạng khoan giếng tự phát.
Các địa phương trong tỉnh nỗ lực tìm nguồn vốn đầu tư các công trình cấp nước tập trung để hạn chế việc khoan giếng tự phát. Ảnh: Nhật Hào
Các địa phương trong tỉnh nỗ lực tìm nguồn vốn đầu tư các công trình cấp nước tập trung để hạn chế việc khoan giếng tự phát. Ảnh: Nhật Hào
Thành phố Pleiku có 44 khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất, trong đó có 12 vùng thuộc vùng hỗn hợp. Trưởng phòng TN-MT thành phố Mai Văn Hoàn thông tin: Trước mắt, thành phố vẫn cho phép những hộ dân ở khu vực chưa có hệ thống đường ống dẫn nước từ công trình cấp nước tập trung sử dụng nước tạm thời từ các công trình cấp nước hiện có. Tuy nhiên, về lâu dài, thành phố sẽ tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung. Đồng thời, thành phố cũng không cấp mới giấy phép thăm dò, khai thác đối với các vùng hạn chế khai thác đã được công bố.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Minh-Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình (Sở Xây dựng) cho biết: Sở đã có văn bản hướng dẫn các địa phương mở rộng hệ thống đường ống dẫn nước thứ cấp, đặc biệt là tại khu dân cư mới được quy hoạch để người dân có nước sử dụng nhằm tránh khoan giếng tự phát. Đồng thời, đôn đốc doanh nghiệp cung cấp nước sạch thường xuyên công bố các chỉ số về nước, mở rộng đường ống thứ cấp và giảm chi phí lắp đặt để tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn nước sạch. Qua đó, thay đổi thói quen sử dụng nước giếng nhằm từng bước nâng tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước sạch năm 2022 lên 72% theo chỉ tiêu của UBND tỉnh giao.
Sở Xây dựng đã hướng dẫn các địa phương phối hợp tuyên truyền người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung để hạn chế khoan giếng tự phát. Ảnh: Nhật Hào
Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương phối hợp trong công tác tuyên truyền người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung để hạn chế khoan giếng tự phát. Ảnh: Nhật Hào
Trao đổi với P.V, ông Lê Tuấn Anh-Trưởng phòng Khoáng sản-Tài nguyên nước (Sở TN-MT) cho rằng: Tại các vùng hạn chế hiện còn tồn tại 34.995 công trình khai thác nước dưới đất. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt phương án hạn chế khai thác, trong đó, đặt chỉ tiêu trung bình hàng năm dừng khai thác, trám lấp 15-20% và đến năm 2030 dừng khai thác, trám lấp toàn bộ số lượng công trình khai thác hiện có tại các khu vực đã có hệ thống cấp nước tập trung hoặc khu vực liền kề đã có điểm đấu nối của hệ thống cấp nước tập trung. Sở TN-MT cũng đã công bố danh mục và bản đồ phân bố các vùng hạn chế và vùng cho phép khai thác, sử dụng nước; hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện danh mục các vùng hạn chế khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc địa bàn quản lý. Đồng thời, đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai các biện pháp và lộ trình hạn chế khai thác, chủ động phối hợp với các sở, ngành đề xuất kế hoạch nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung hiện có trên địa bàn để đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sinh hoạt, nước sản xuất cho người dân, doanh nghiệp.
“Sở TN-MT cũng sẽ thông báo cho các tổ chức, cá nhân đã được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất về lộ trình dừng khai thác và thực hiện việc xử lý, trám lấp giếng theo quy định. Đồng thời, không cấp phép mới công trình khai thác nước dưới đất tại tất cả các khu vực hạn chế theo quyết định của UBND tỉnh”-ông Lê Tuấn Anh nhấn mạnh.
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm