Kinh tế

Nông nghiệp

Nhiều nhà máy đường nợ nông dân hàng trăm tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giá đường xuống thấp nhưng tiêu thụ vẫn đang rất khó khăn, nhiều nhà máy mía đường đang nợ nông dân hàng trăm tỷ đồng.
Thu hoạch mía ở Bến Tre
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến thời điểm này, niên vụ 2017/2018 đã kết thúc, khi Tuy Hòa là nhà máy đường cuối cùng kết thúc vụ ép vào cuối tháng 7. Trong niên vụ 2017/2018, sản lượng mía được các nhà máy đưa vào ép là 15.168.817 tấn, sản lượng đường là 1.444.325 tấn (đường RE là 631.485 tấn), vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. So với niên vụ 2016/2017, sản lượng mía đưa vào ép tăng 15% và sản lượng đường tăng 17%. Căn cứ cân đối cung cầu, lượng đường sản xuất được trong niên vụ 2017/2018 đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, bảo đảm ổn định, giá cả thị trường trong nước.
Tuy nhiên, các nhà máy đường vẫn đang gặp phải khó khăn rất lớn. Trước hết là do trong niên vụ 2017/2018, giá đường liên tục giảm từ đầu vụ, với mức giảm tổng cộng tới 28%. Trong tháng 7, giá bán buôn đường kính trắng ở miền Bắc phổ biến từ 10.700-11.200 đồng/kg, miền Trung-Tây Nguyên từ 10.500-10.700 đồng/kg và TP.HCM từ 10.600-11.200 đồng/kg. Đến thời điểm này, hầu hết giá chào bán đường tại các nhà máy đã gần sát với giá đường lậu Thái Lan (khoảng 10.000 đồng/kg). Một số nhà máy đã phải chào bán đường với giá bán ngang hoặc thấp hơn một chút so với giá thành (đồng nghĩa với việc đứng trước nguy cơ thua lỗ), nhưng việc tiêu thụ vẫn đang rất chậm.
Nguyên nhân là do tình trạng đường nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả có xu hướng gia tăng so với niên vụ trước. Riêng về đường nhập lậu, ước tính đã có khoảng 500.000 tấn được nhập về Việt Nam qua biên giới với Lào và Campuchia. Bên cạnh đó, các loại đường khác thay thế đường mía để làm nguyên liệu chế biến thực phẩm (nhất là nước giải khát), cũng được gia tăng NK về Việt Nam, góp phần gây thêm khó khăn cho tiêu thụ đường mía nội địa. Do đó, lượng đường tồn kho còn rất lớn. Đến 31-7, tồn kho tại các nhà máy đường là 663.381 tấn, gần bằng một nửa sản lượng.
Gặp khó khăn lớn trong việc tiêu thụ đường, cộng với hạn mức tín dụng của ngân hàng đã hết, nhiều nhà máy đang phải nợ nông dân trồng mía tới hàng trăm tỷ đồng. Mặt khác, giá đường ở mức thấp và tiêu thụ khó khăn, cộng với tác động bất lợi của thời tiết, cũng có thể ảnh hưởng không nhỏ tới niên vụ 2018/2019, khi mà các nhà máy đường sẽ bước vụ mới trễ hơn. Trong khi đó, các dự báo cho thấy giá đường thế giới trong những tháng tới vẫn ở mức thấp, khiến cho giá đường khó có khả năng tăng lên được.
Để đẩy mạnh tiêu thụ đường, trước đề nghị của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong thời gian qua, Chính phủ đã họp với các bộ, ngành liên quan, và đồng ý mở lại đường mòn, lối mở cửa khẩu phụ tại Lào Cai và các tỉnh biên giới. Nhờ đó, XK đường qua đường tiểu ngạch đã có những tín hiệu tích cực nhưng vẫn chưa được như mong muốn.
Vì vậy, ngành mía đường và các nhà máy cần chủ động hơn nữa trong việc triển khai giải pháp tiêu thụ đường sau khi các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở tại các tỉnh biên giới phía Bắc được phép tiếp tục thí điểm hoạt động. Bên cạnh đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng, các địa phương về đề nghị không tiếp tục cho tạm nhập tái xuất đường qua cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở tại biên giới vì hoạt động này sẽ ảnh hưởng tới XK đường Việt Nam qua đường tiểu ngạch.

Theo đề nghị của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Bộ Công thương đang hướng dẫn, phối hợp với Tập đoàn Thành Thành Công điều tra, thu thập tài liệu làm cơ sở pháp lý để báo cáo, kiến nghị Chính phủ áp dụng biện pháp phòng vệ với mặt hàng đường lỏng NK (fructoza). Năm 2017, lượng đường lỏng NK về Việt Nam là 89.343 tấn, tăng tới 31,7% so năm 2015.

Sơn Trang (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm