Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Nhiều vấn đề cử tri quan tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trao đổi với P.V Báo Gia Lai bên lề Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI, nhiều đại biểu HĐND tỉnh đã có những ý kiến liên quan đến nhiều vấn đề cử tri quan tâm.

Đại biểu Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh
Đại biểu Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

Đại biểu Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Nhiều công trình mới đưa vào sử dụng nhưng đã xuống cấp.

 Toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 2.028 công trình giao thông với tổng chiều dài hơn 1.386 km, tổng vốn đầu tư xây dựng các dự án là 3.775 tỷ đồng. Nhìn chung các nhà thầu, đơn vị thi công, các đơn vị liên quan thực hiện đúng hồ sơ thiết kế và các quy định về bảo quản công trình. Tuy nhiên kết quả giám sát của HĐND tỉnh về “Chất lượng công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Gia Lai” nhận thấy nhiều tồn tại, hạn chế như: một số tuyến đường giao thông nội thị mặt đường chưa đạt, hệ thống cống thoát nước, cây xanh chưa đảm bảo mỹ quan đô thị. Các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã, liên thôn hoàn thành sau năm 2013 nhưng mặt đường đã bị bong rổ, rạn nứt, lún nền, độ bằng phẳng mặt đường không đảm bảo, hai bên lề đường bị sạt lở, xói mòn.

Nguyên nhân là do công tác quy hoạch về hạ tầng giao thông ở một số địa phương còn nhiều bất cập, chưa sát với tình hình thực tế. Vai trò giám sát của các cộng đồng địa phương chưa phát huy hiệu quả, ý thức bảo vệ của người dân, của địa phương trong quá trình quản lý, sử dụng bảo quản các công trình giao thông chưa tốt. Chính quyền địa phương chưa quan tâm đến công tác duy tu, bảo quản các công trình giao thông...

Đại biểu Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước  Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai:Ngân hàng luôn đồng hành cùng người dân ở những thời điểm khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai
Đại biểu Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai

Hiện nay, người dân khó khăn trong việc trả nợ vay, không đúng kỳ hạn. Chúng tôi sẽ xem xét đối với diện tích hồ tiêu bị chết, do giá xuống thấp để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, kéo dài thời hạn trả nợ để người dân có điều kiện vươt qua khó khăn. Trước đây, giá hồ tiêu cao nên ngân hàng cho vay vượt quá giá trị thực của diện tích này. Ví dụ, 1ha trồng tiêu của người dân chỉ vay ở mức 500 triệu đồng thì lại được vay đến 1 tỷ đồng. Nay giá tiêu xuống, hồ tiêu bị chết người dân không có khả năng trả nợ, nhiều hộ giao diện tích này cho ngân hàng hoặc bỏ hoang. Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các Chi nhánh ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách-Xã hội tiếp cận những hộ dân này động viên họ tiếp tục chăm sóc những diện tích hồ tiêu trên. Nếu tiếp tục gặp khó ngân hàng sẽ gia hạn thời gian trả nợ để người dân an tâm sản xuất. Đặc biệt, người dân không vay vốn tín dụng đen bên ngoài trả nợ ngân hàng. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành với người dân ở những thời điểm khó khăn nhất.

Đại biểu Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm
Đại biểu Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm

Đại biểu Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm: Kết quả quy hoạch 3 loại rừng sẽ là cơ sở để giao đất, giao rừng.

Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại Kỳ họp lần này thông qua tờ trình đề nghị phê duyệt “Kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Gia Lai đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Việc thông qua được kết quả rà soát 3 loại rừng lần này sẽ được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận, đây là tiền đề cho việc quy hoạch kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp nói chung, quy hoạch đất rừng đặc dụng, rừng sản xuất và rừng phòng hộ nói riêng. Trên kết quả công nhận này, chúng tôi mới có cơ sở giao đất, giao rừng trong thời gian tới. Chúng tôi sẽ xem xét đưa ra ngoài một số diện tích chồng lấn, những công trình, làng mạc trước đây đã hiện hữu từ lâu nhưng vẫn đưa vào diện tích rừng thì nay sẽ đưa ra ngoài những diện tích đó. Đồng thời chuyển hẳn một số diện tích sang đất nông nghiệp để giúp người dân sản xuất ổn định và quyền sử dụng lâu dài. Diện tích còn lại quy hoạch cho lâm nghiệp thì sẽ thực hiện cho mục đích sản xuất lâm nghiệp tránh sự chồng lấn giữa đất lâm nghiệp và lâm nghiệp như lâu nay, rất khó quản lý trong thực tế.

Minh Dung

Có thể bạn quan tâm