(GLO)- Ngày 10-12, ngày làm việc thứ hai-kỳ họp thứ 6-HĐND tỉnh Gia Lai khóa X diễn ra với phiên thảo luận tổ. Nhiều vấn đề “nóng”, gây bức xúc dư luận trong thời gian qua được các đại biểu đề cập.
Trăn trở chỉ tiêu GDP năm 2014
Đa số đại biểu thống nhất với đánh giá của UBND tỉnh Gia Lai về tình hình thực hiện công tác năm 2013 cũng như một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014. Tuy nhiên, một số đại biểu tỏ ra e ngại với chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế 12,5% của năm 2014.
Các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ. Ảnh Lê Hòa |
“Trước tình hình kinh tế khó khăn chung hiện nay, con số trên là khá cao và khó đạt được”-đại biểu Hà Sơn Nhin-Đoàn Đại biểu huyện Kbang, nhận định. Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nêu quan điểm: “Nên hạ chỉ tiêu GDP xuống còn 12%-12,3% là hợp lý”. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng cho rằng, việc đưa ra mục tiêu tăng tưởng của tỉnh là phù hợp với Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh.
Trong phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu bày tỏ thắc mắc trước những con số do UBND tỉnh trình tại kỳ họp. Đại biểu Đinh Duy Vượt-Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, đề cập: “GDP giảm, thu ngân sách năm giảm nhưng thu nhập bình quân đầu người lại tăng khá cao (30,23 triệu đồng/người/năm, tăng 15,56% so với năm 2012). Con số này liệu đã chính xác?”.
Ở lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, đa số các ý kiến tham gia thảo luận đều xoay quanh vấn đề chất lượng, tiến độ thi công một số công trình, đặc biệt là công trình giao thông. Đại biểu Hà Sơn Nhin, nhấn mạnh: “Rất nhiều công trình thi công chậm tiến độ, gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân”.
Đại biểu Đinh Duy Vượt, nêu: “Trong các cuộc tiếp xúc cử tri cũng như giám sát của HĐND tỉnh, rất nhiều nơi người dân ý kiến về vấn đề chất lượng các công trình xây dựng cơ bản. Nhiều công trình có số vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng nhưng không hoặc phát huy rất ít hiệu quả, ví dụ như công trình cung cấp nước sạch tại Krông Pa, xã H’Bông (huyện Chư Sê), thị xã Ayun Pa… Việc thi công chậm trễ gây lãng phí lớn, đơn cử như công trình xây dựng cầu Phú Cần chậm tiến độ, gây lãng phí hơn 27 tỷ đồng (từ 60 tỷ 630 triệu ban đầu lên 88 tỷ đồng khi hoàn thành do chậm trễ); công trình thi công tỉnh lộ 663 chậm 33 tháng, vốn nhà đầu tư bỏ ra gần 7 tỷ đồng nhưng hiện tại nhà thầu đã có dấu hiệu “biến mất” tương tự như Công ty Bình An trước đây…”.
Liên quan đến các vấn đề của ngành bảo hiểm, đại biểu Thới Văn Đạo-Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, đưa ra số liệu: Trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều doanh nghiệp nợ đóng BHXH cho lao động. Theo thống kê thì có khoảng 54 doanh nghiệp nợ từ 5-46 tháng, với tổng số tiền hơn 39,2 tỷ đồng.
Đại biểu Trần Thị Hoài Thanh nhắc tới vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động. Ảnh Hồng Thi |
Bên cạnh đó, trong vòng 3 năm (2010-2012), số thẻ BHYT bị cấp trùng trên địa bàn tỉnh là 25.800 thẻ, tương đương với số tiền 12,2 tỷ đồng. “Ngành sẽ tiếp tục khắc phục nhanh chóng tình trạng này trong thời gian tới”- ông Đạo khẳng định. Xung quanh vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng, chỉ đạo: “Việc cấp trùng thẻ BHYT gây lãng phí lớn ngân sách, cái chính vẫn là do sự thiếu trách nhiệm trong khâu kiểm tra. Tôi đề nghị ngành bảo hiểm nên giao cho một nhóm nhân viên chuyên làm nhiệm vụ rà soát lại danh sách cấp thẻ một cách kỹ lưỡng, cẩn trọng, chính xác, tránh việc trùng lắp, gây thất thoát tiền bạc nhà nước”.
Thủy điện làm “nóng” nghị trường
Trận lụt lịch sử, gây thiệt hại nặng nề tại một số huyện phía Đông tỉnh giữa tháng 11 vừa qua được xác định nguyên do phần lớn bởi thủy điện xả lũ đã gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Vấn đề này làm “nóng” nghị trường trong phiên thảo luận ở các tổ.
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Đoàn đại biểu thị xã An Khê), nói: “Khi thời tiết khô hạn, dân cần nước tưới và sông ô nhiễm, cần lượng nước “rửa”, địa phương thông báo với Ban 7 đề nghị tăng lượng nước xả thì được yêu cầu phải có văn bản đề nghị, vì nước ở hồ chứa là tài nguyên quốc gia, sử dụng phải xin phép. Trong khi lũ về, dư nước, thủy điện lại vô tư xả, thậm chí xả đến mức độ tối đa và hậu quả thì đã thấy rõ”.
Đại biểu Hoàng Công Lự-Đoàn Đại biểu HĐND huyện Phú Thiện, nhấn mạnh: “Để đảm bảo an toàn hồ chứa thiết nghĩ các ngành, địa phương cần phải làm tốt đồng thời công tác quản lý, tuyên truyền cũng như vận hành, khai thác”.
Nhiều ý kiến đề cập tới các vấn đề đang gây nhiều bức xúc. Ảnh Lê Hòa |
Nhiều đại biểu nhấn mạnh đến việc xác định và xử lý trách nhiệm đối với đơn vị quản lý công trình thủy điện. Một số đại biểu bày tỏ quan điểm, cần phải có biện pháp mạnh tay và quyết liệt, thậm chí báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để can thiệp và có hình thức xử lý đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về vấn đề trên.
Vấn đề phá rừng, vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cũng được các đại biểu nhắc tới tại phiên họp. Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương vẫn còn nhiều lỏng lẻo, tình trạng chặt phá rừng vẫn thường xuyên diễn ra. Ông Rah Lan Chung-đoàn đại biểu HĐND huyện Chư Pah, cho rằng, còn nhiều kẽ hở, tạo cơ hội cho các đối tượng “lách luật”.
Vấn đề an sinh xã hội cũng được các đại biểu đặt nhiều quan tâm, nhất là xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng. Hiện nay, ma túy đã xâm nhập vào học đường và thậm chí là một số cán bộ công chức. Ngoài ra, tình hình tai nạn giao thông vẫn chưa được kiềm chế hiệu quả, khung giá đất ban hành cho năm 2014 vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý… cũng là những vấn đề được các đại biểu đề cập tới.
Ngày mai, kỳ họp tiếp tục diễn ra với phần thảo luận tại hội trường và phiên chất vấn-trả lời chất vấn.
GLO sẽ thông tin tới bạn đọc.
Lê Hòa-Hồng Thi