Hơn 15 năm trước, cô giáo chủ nhiệm lớp 10 và 11 của chúng tôi rất nghiêm, thường xuyên bắt những học sinh mắc lỗi phải viết bản kiểm điểm.
Thiệp mừng 20-11 do học sinh tiểu học ở TP.HCM tự làm tặng cô giáo |
Học sinh lớp 10 đang là lứa tuổi "dở ông dở thằng", không còn nhỏ nhưng chưa phải người lớn, ăn chưa no lo chưa tới mà lại hay thích thể hiện nên đứa nào cũng nghịch, chỉ là nghịch ra mặt hay giấu mặt thôi.
Vậy nên hầu như không có tuần lớp tôi lại không có bạn bị bắt viết bản kiểm điểm, có đứa còn bị viết mấy lần vì mắc nhiều lỗi quá.
Cô bắt viết kiểm điểm lần từ thứ 2 trở đi phải kèm chữ ký và ý kiến phụ huynh. Có lần một bạn nam quậy có tiếng của lớp tôi phải đưa phụ huynh lên gặp cô, cậu bạn ma lanh đã nhờ một bác xe ôm đến làm "diễn viên đóng thế" nhưng bị cô phát hiện.
Còn mấy đứa khác thì giả chữ ký phụ huynh cũng bị cô "bắt sống". Có đứa thì hôm nay cười vui phấn khởi vì cô quên bắt nộp kiểm điểm nhưng sáng mai cô lại nhớ ra đòi nên thì thầm với đứa kế bên: chắc tối về cô giở sổ ra kiểm!
Vậy mà sau khi ra trường, chính những bạn bị cô bắt viết kiểm điểm đến mỏi tay đó lại nhớ cô nhất, thường xuyên về thăm cô hơn những đứa chưa hề bị viết kiểm điểm.
Riêng đối với đám con gái trong lớp thì lại nể cô nhất chuyện mặc áo dài. Trường tôi có quy định học sinh nữ phải mặc đồng phục áo dài mỗi ngày, chỉ trừ một số trường hợp đặc biệt. Cô chỉ cho chúng tôi một tháng được miễn vài ngày vì "đèn đỏ" hoặc mưa to gió lớn.
Vậy là chúng tôi sáng nào cũng cầu mong trời mưa bão, nhất là mấy đứa con gái thích chạy nhảy hay đá cầu giờ ra chơi. Nếu trời không mưa thì lại tìm cách nói dối là "em trúng ngày đèn đỏ".
Bắt đúng mạch của đám "nhất quỷ nhì ma" chúng tôi, cô nhớ rõ lý do của từng đứa một và "bắt sống" đứa nào dám gian lận số ngày đèn đỏ!
Hầu như hôm nào cô cũng mặc áo dài đến lớp kể cả những ngày trời mưa lất phất. Vậy nên cuối cùng lũ tiểu yêu chúng tôi cũng đành ngậm ngùi gương mẫu theo cô.
Nhờ đó nên chúng tôi cũng dịu dàng, nhẹ nhàng, yểu điệu hơn vì mặc áo dài thì đâu thể nào chạy huỳnh huỵch như đám con trai được. Thỉnh thoảng có đứa thèm đá cầu quá, buộc hai tà áo lại, xắn tay áo lên tả xung hữu đột vài đường rồi sau đó lại vội vã ngoan hiền như tự thấy có lỗi với áo dài vậy!
Nhớ có lần chúng tôi và cô đã cùng làm tờ báo tường của lớp đến tận nửa đêm. Lần đó, vì chút sai sót của chúng tôi mà đến phút cuối tờ báo tường của lớp phải làm lại vào phút chót. Nguyên cả buổi chiều, cô phải đi tìm người nhờ vẽ hình.
Đến tối, sau khi vẽ xong cả cô và một nhóm văn hay chữ đẹp chúng tôi cùng tập trung hết ở nhà một bạn trong lớp. Cùng với bố của bạn chủ nhà, cô trò chúng tôi bò ra vừa viết, vừa vẽ minh họa đến tận khuya mới xong. Bố của bạn phải đưa cô trò chúng tôi về nhà.
Không phụ công sức của cô và chúng tôi, tờ báo tường năm ấy của lớp được giải. Lần đầu tiên, chúng tôi thấm thía được chân lý thành công nào cũng phải đổi bằng mồ hôi công sức chứ không thể tự nhiên mà đến.
Thỉnh thoảng lớp có dịp gặp nhau, chúng tôi lại nhắc đến cô, nhắc đứa nào bị bắt viết kiểm điểm nhiều nhất. Đứa thì nhắc được cô đến tận nhà thăm khi bị bệnh nặng, đứa thì kể cô đến nhà nói chuyện với ba mẹ về vụ bác xe ôm được đóng vai phụ huynh giả.
Dù hay la mắng, thường xuyên bắt viết kiểm điểm nhưng cô luôn yêu quý lớp tôi như những đứa em trong gia đình nên chẳng đứa nào giận hay ghét cô.
Đôi khi, tôi nghĩ nếu không có sự nghiêm khắc nhưng rất tình cảm, trách nhiệm, gương mẫu đó của cô, có thể cuộc đời của chúng tôi có đứa đã đi vào một ngã rẽ nào đó.
Dù lớp tôi ngày ấy mỗi đứa một nơi, một công việc khác nhau nhưng hễ có dịp gặp lại là thế nào mọi câu chuyện đều quay về chủ đề: lâu rồi có đứa nào về thăm cô Ngân không?
Ngọc Hạnh (Đak Lak-TTO)