Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nhớ mãi món cua rừng Ia Lâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bây giờ, Ia Lâu đã là một vùng đất trù phú. Đường bê tông đã vào tận làng, tận xã. Dân cư đông đúc. Những rừng khộp ngút ngát khi xưa đã thành đồng lúa 2 vụ rộng thênh thang hàng trăm héc ta thẳng cánh cò bay. Đời sống tốt hơn, vui hơn, thông thương hơn. Và tôi, nhiều khi cứ mãi bâng khuâng, vẫn nhớ về món cua rừng khộp một thời khốn khó ngày xưa!
Những năm 80 của thế kỷ trước, vì bị phân cách bởi rừng và suối nên xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) hoàn toàn bị cô lập trong mùa mưa. Muốn vào Ia Lâu trong những ngày mưa năm ấy, phải đi bằng máy cày bánh lớn từ huyện vào đến Plei Me, rồi đi bộ qua rừng khộp khoảng ba chục cây số, qua suối Nước Trong, suối Nước Đục đầy cơ cực.
Suối Nước Đục mùa mưa nước về rất lớn. Để qua được suối, người dân phải thường xuyên mở đường hàng năm, chọn những cây cổ thụ bên bờ suối, chặt hạ cho gãy bắc ngang qua lòng suối làm một chiếc cầu "độc mộc" độc đáo, chủ yếu dùng cho người đi bộ.
Chiếc cầu như vậy tồn tại được vài mùa mưa. Khi gặp nước lớn bị trôi, người dân lại làm chiếc cầu khác, ở vị trí khác. Những năm sau này, Phòng Thương nghiệp huyện phải tăng cường cho con voi để đưa dân qua suối dịp mưa lớn.
Mùa mưa năm ấy, bọn FULRO từ rừng Campuchia tràn về. Xã bị cô lập, thành mảnh đất hoạt động của FULRO. Cả 6 tháng mùa mưa, hầu như không có sự liên hệ nào từ xã Ia Lâu với toàn bộ xã hội bên ngoài. Giao thông trắc trở, mọi thứ coi như tự cấp, tự túc. Cuộc sống cần nhất là cơm gạo, cái ăn thì rừng đã cho sẵn. Bọn FULRO bắt bớ thanh niên, thu lúa gạo của dân để nuôi quân. Thời điểm manh động nhất, bọn chúng đã bắn hạ 2 người lính Biên phòng đi điều trị bệnh trên đường trở về đơn vị. Sau sự cố ấy, Ia Lâu thành “điểm nóng” của tỉnh.
Vừa ra trường được vài năm, là Phó Trưởng phòng của một ban ở tỉnh, tôi được phân công làm trưởng đoàn tăng cường cơ sở Ia Lâu. Đoàn cán bộ tăng cường của chúng tôi ngày ấy ở ngay trong nhà dân, phần ăn uống, sinh hoạt thì tự túc.
So với ở tỉnh, đi cơ sở ngày ấy về đời sống vật chất quá dồi dào no đủ. Gạo thì gùi ở tỉnh về. Rau thì hái lượm ở bãi từ rừng, chủ yếu là măng le, nấm mối, rau bí... Muốn ăn thịt gà thì chúng tôi đổi quần áo, thuốc lá cho bà con địa phương. Nhưng cái ăn chủ đạo của chúng tôi lúc ấy là cá suối và cua rừng. Cá suối nhiều nhưng đánh bắt cũng khá công phu.
Ảnh minh họa: Internet
Thú nhẹ nhàng và hấp dẫn nhất là bắt cua rừng. Buổi trưa nắng, đi trong những khu rừng khộp lại càng cảm nhận được sự rộng dài, khoáng đạt của không gian. Những cây gỗ dầu cổ thụ cao vút đầy sức sống vươn mãi lên trời xanh. Lá cây gỗ dầu trong rừng khộp to như hai bàn tay chập lại, là loại lá vẫn được đồng bào dùng để đựng thức ăn trong các lễ hội, từ thịt, cá đến a nhăm te-một loại súp gạo và lá mì sền sệt như cháo đặc.
Vì vậy, rừng khộp rất gần gũi với người Tây Nguyên. Trên những thân cây ấy đung đưa những giò phong lan đủ màu sắc, phảng phất hương thơm. Những con chim chợt đậu chợt bay, véo von giữa lùm xanh. Bãi rừng khộp cứ thấp dần, thấp dần về phía biên giới. Dưới những tán cây cổ thụ cao sừng sững là triền đất cát ẩm ướt bằng phẳng, chỉ có cỏ và đôi bụi le lưa thưa.
Mùa mưa mặt đất sũng nước. Nước tạo thành những khe nhỏ rỉ rả tràn lên trên mặt rừng khộp. Trong rừng khộp vì vậy có đủ ếch nhái và cua. Bất ngờ hiện ra một khoảng trống, đó là vùng trũng hợp thủy giữa mênh mông rừng phẳng lì tít tắp. Cái vùng trũng ấy là bãi đất cát pha, đồng bào Jrai cuốc lên trồng lúa. Lúa đang thì con gái. Nước lấp xấp. Cua ở đâu từ trong rừng khộp bò hết cả về đám lúa lơ phơ.
Chúng tôi xách cái thùng tôn gánh nước đi tầm tiếng đồng hồ đã được cả thùng cua. Cua bò lổm ngổm khắp mặt ruộng. Những con cua rừng to kềnh càng, mọc rêu mốc hỉn. Đó có lẽ cũng là một loại cua đồng sống ở rừng, nhưng qua bao nhiêu năm không ai bắt thì nhiều lên, già khú xù xì và to lớn quá cỡ. Không biết có phải lúc đói ăn gì cũng ngon hay không, cua rừng thành món đặc sản thú vị của đoàn công tác chúng tôi trong một thời gian khá dài.
Sau này, đọc tiểu thuyết “Cao lương đỏ” của nhà văn Mạc Ngôn, tôi vẫn ấn tượng với đoạn tác giả miêu tả cua di trú, chúng bò nghênh ngang dày đặc mặt đất. Xe cán bẹp dí xác đầy đường, cua vẫn đi. Dân cư bắt cua ăn tươi không hết thì chế biến mắm cua. Nghĩa là cua tràn qua vùng đất ấy như châu chấu sa mạc! Có lẽ Ia Lâu thời hoang sơ, môi trường tốt, dân không thấy ai ăn cua, chúng cứ thế nhiều lên một cách lạ lùng.
Bây giờ, Ia Lâu đã là một vùng đất trù phú. Đường bê tông đã vào tận làng, tận xã. Dân cư đông đúc. Những rừng khộp ngút ngát khi xưa đã thành đồng lúa 2 vụ rộng thênh thang hàng trăm héc ta thẳng cánh cò bay. Đời sống tốt hơn, vui hơn, thông thương hơn. Và tôi, nhiều khi cứ mãi bâng khuâng, vẫn nhớ về món cua rừng khộp một thời khốn khó ngày xưa!
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm