Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Nhớ mùa lễ hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng 3, đất trời Tây Nguyên luôn mang vẻ riêng biệt không lẫn vào đâu được. Đó là khoảng thời gian giao thoa giữa mùa khô và mùa mưa. Khoảng ấy, mỗi sớm mai trời vẫn se sẽ lạnh, nhưng quá trưa nắng lại gắt gao tựa như đã vào hè. Đêm nằm nghe vẳng lại nhịp chiêng bung biêng bung biêng. Khoảng này, Tây Nguyên đang mùa lễ hội. Hẳn phía những ngôi làng xa, không khí đang nao nức lắm.

Tuổi hai mươi đầy nhiệt thành của chúng tôi đã gửi lại một phần nơi những ngôi làng xa xôi. Trên lớp, tôi là cô giáo của đám nhỏ đủ lứa tuổi được ghép thành một lớp. Lớp học được làm từ các miếng ván ghép lại với nhau, mái lợp tôn, nền đất. Sáng nào lên lớp, học trò cũng xách nước tưới lên nền đất cho đỡ bụi.

Có lẽ hình ảnh những học trò, tuy đứa nào vóc dáng cũng nhỏ thó, nhưng nhanh nhẹn, rắn rỏi, sáng nào cũng quay nước từ cái giếng phía sau phòng học rồi thay phiên nhau xách tưới lên nền nhà trước giờ vào lớp là điều khiến tôi lưu lại lâu nhất. Ngày ấy, bụi đỏ làm thành Tây Nguyên hay Tây Nguyên mặc nhiên gắn với bụi đỏ. Bụi đỏ thành nỗi ám ảnh, thành ký ức, thành hoài niệm… trong mỗi chúng tôi. Sau giờ học, đám trẻ ấy lại trở thành “thầy” bày cho chúng tôi biết bao điều hay ho mà trước đó chúng tôi chưa một lần trải nghiệm.

R’Lan, cậu học trò nhỏ có nước da nâu sậm và đôi mắt sáng ẩn dưới hàng mi rậm, luôn là người bày ra các trò vui ở cái lớp học nơi ngôi làng Jrai xa xôi ấy. R’Lan là người đầu tiên kéo tôi đến dự một lễ pơ thi trong làng của cậu.

Đúng là phải đắm mình vào đời sống thật sự để cảm nhận, mới hiểu tại sao người Tây Nguyên có một mùa gọi là mùa “ăn năm uống tháng”. Tôi không còn nhớ nổi cái lễ pơ thi mà mình được tham gia thật sự kéo dài bao nhiêu ngày. Chỉ nhớ, tôi đã chìm đi trong những cảm xúc khác nhau, liên tục thay đổi ở mỗi một thời điểm trong cả quá trình từ phần lễ sang phần hội; ở mỗi không gian khác nhau, từ nhà sàn đến nhà rông, sang nhà mồ…

Ám vào trí nhớ vẫn là âm thanh bung biêng của nhịp cồng chiêng quyện vào những điệu xoang bám đầy đất đỏ. Chúng tôi không bị coi là những người khách lạ khi đến tham dự, với tất cả lòng nhiệt thành của những chủ nhà, mỗi người chúng tôi được mời một cang rượu cần. Thứ rượu được ủ từ men lá rừng chín ngấu, vừa đủ nồng, đủ đậm, để người uống cảm thấy bay bổng hơn khi hòa vào vòng người xoay tròn trong nhịp xoang.

Thời gian đã trôi qua rất lâu, đủ để R’Lan và những học trò nhỏ của tôi dạo ấy trưởng thành, có những em nay đã lập gia đình. Thỉnh thoảng sau đó, R’Lan viết thư cho tôi, những bức thư vẫn kể về cuộc sống đầy màu sắc, âm thanh và ánh sáng. Lại nhớ ngày ấy, thứ ánh sáng quý giá nhất với dân làng chính là ánh lửa và những đêm trăng trong vắt luênh loang trên đỉnh mái nhà rông. Đám trẻ được người già hướng dẫn các bài chiêng và cách chỉnh chiêng, chúng say sưa với những âm thanh bung biêng huyền hoặc loang trên đồi núi.

Cái đêm pơ thi năm nào, tôi vẫn nhận ra ánh mắt sáng như vì sao rọi qua ngọn cây gáo của cậu trò nhỏ R’Lan dù cậu đã hóa trang bằng cách bôi lem nhem lên mặt. Tôi nhận ra cậu trò nhỏ của mình còn bởi tiếng chiêng chắc và vang cùng những nhịp chân dứt khoát trong mỗi bài biểu diễn. Tôi đã rất ghen tị với đám trò nhỏ ấy, bởi mình không phải được sinh ra từ núi như chúng. Những đứa trẻ sinh ra từ núi, được thử thách để sinh tồn ngay khi vừa cất tiếng khóc chào đời. Chúng được tắm trong dòng suối mát chảy quanh co qua bao thác cao vực sâu, chúng được đắm mình giữa thiên nhiên bao quanh là rừng núi và những âm thanh của tự nhiên, chúng được tôi luyện trong nắng và gió trời, ngay cả lời hát ru chúng trong những ngày ấu thơ cũng vang đầy những nhịp khỏe khoắn và hùng tráng…

Những đứa trẻ ấy lớn lên thành những con trai con gái, vạm vỡ và hào sảng, đầy sức sống và bí ẩn, như núi cao như rừng sâu, như những đêm trăng huyền hoặc và ma mị quanh những ngôi nhà mồ lúp xúp dưới tán cây rợp bóng.

Thi thoảng giữa khuya, tiếng chiêng đâu đó bung biêng vọng lại. Tôi không chắc có phải là một âm thanh thật vọng lại từ đâu đó, hay là chỉ tại trong tiết trời tháng 3 mang mang đầy xúc cảm, mà lòng tôi, vì chộn rộn quá nên bật ra thứ âm thanh mê hoặc ấy hay không. Nhưng rõ là, tôi rất thèm được sống lại những tháng ngày đã trôi xa ấy, để thấy mình từng trẻ, để lại được đắm mình vào cuộc sống đầy màu sắc, âm thanh và ánh sáng, đầy bụi đỏ cuộn lên trong đêm trăng chuếnh choáng những nhịp chân.

Có thể bạn quan tâm