Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Nhớ nồi cá khoai làng biển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tự nhiên ngồi ước: Trời lạnh vầy mà có nồi cá khoai kho khô thì ngon biết bao nhiêu! Mà phải là cá khoai tươi đem ngoài biển về mới được. Vậy là, nhớ những ngày giáp Tết ở quê, cả nhà quây quần ăn cơm nóng với cá khoai kho bên bếp lửa.

Cũng như bao người con vùng biển ở dải đất miền Trung, làng biển quê tôi chỉ toàn cát và gió. Mùa hè, gió Lào về hơ trụi cả ngọn tre, mùa đông thì gió bấc, mưa phùn, giá lạnh.

Tuổi thơ của tôi, một buổi đi học, một buổi gắn liền với những con sóng của biển cả để thả lưới, buông câu, bắt cá. Nhà nghèo nên lúc nào bắt được những con cá to thì mẹ tôi luôn ưu tiên mang ra chợ bán lấy tiền mua sách vở, quần áo đi học cho anh em chúng tôi. Còn những con cá nhỏ như cá cơm, cá đục, nhất là cá khoai thì mẹ mang về nấu canh, kho mặn.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Những ngày giáp Tết, để có được những bữa ăn ngon và có tiền mua quần áo mới “đi khoe xóm làng”, biển lặng sóng, anh em tôi lại tất bật rủ nhau chèo thuyền để thả lưới.

Nồi cá khoai kho với lá nén, rắc thêm chút ớt bột khô, chút nghệ vàng được coi như là món đặc sản ở quê tôi. Gần Tết, mẹ chọn những con cá ngon nhất cắt lát, tẩm ướp rồi nướng khô để dành cúng tất niên.

Để có được nhiều cá ngon, anh em tôi phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, từ lưới, dây câu, thuyền chèo đến thức ăn, nước uống. Người dân làng biển thường nói to (ăn sóng, nói gió) và nắm bắt cơ hội rất nhanh, chỉ cần sóng lặng là đã vung mái chèo lao nhanh ra biển.

Đánh bắt cá có nhiều cách. Anh em tôi lúc thì thả dây câu, khi thì thả lưới, chiều về được càng nhiều càng vui, khi nghĩ đến quần áo mới, sách vở mới. Buồn nhất là có ngày ngồi đợi mãi trong mưa rét mà sóng to, gió lớn, thuyền không ra khơi được.

Khi mặt trời chạm dần vào những ngọn phi lao là lúc anh em tôi bắt đầu kéo lưới. Những chú cá khoai trắng, răng nhọn hoắt được gỡ ra cho riêng vào một góc thuyền; cá thu, cá mú cho riêng vào thùng. Sau mỗi mẻ lưới, quần áo ướt hết, toàn thân tê lạnh, nhưng đổi lại là những khoang cá đầy. Và hơn hết là niềm vui khi có cá để mẹ làm “của để dành” cúng ông bà trong 3 ngày Tết.

Chiều cuối năm. Chút nắng còn lại rọi xuống chái bếp tranh cũng là lúc nồi cá khoai sôi đều thơm nức. Cả nhà quây quần bên bếp lửa. Một mùi hương quyến rũ khẽ bay lên. Đó là vị thơm của cá khoai, của nén, của nghệ hòa quyện vào nhau nhờ đôi tay khéo léo của mẹ. Tay mẹ xòe ra hơ lửa cho khỏi lạnh và cũng để che chắn gió cho ánh lửa đỏ bập bùng bền lâu.

Những sợi khói bay lên mái tranh, cuộn tròn, lẩn khuất, bám lên khóe mắt cay cay của mẹ. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in đôi mắt của mẹ, nụ cười của mẹ.

Năm tháng qua đi, tuổi thơ và những ngày thả lưới, buông câu giờ cũng đã thành ký ức. Tôi bôn ba tha hương, mẹ tôi cũng đi theo ông bà tiên tổ. Mái tranh nghèo ngày nào giờ cũng đã ngói hóa, khói củi, lá dương khô vấn vít chỉ còn trong miền ký ức, song vẫn còn đó hình bóng của mẹ, của cha bên hiên nhà ngồi ngóng đứa con xa xứ trở về quê đón Tết.

Vậy nên, những ngày này, tôi chỉ mong được về với làng biển quê hương, thắp lên nén hương thơm mời cha mẹ, ông bà cùng về đón Tết với cháu con.

Có thể bạn quan tâm