(GLO)- Hồi còn bé, tôi cùng cha mẹ và các em sống ở một nông trường cà phê. Nhà mặt đường, xe qua lại nhiều nên vào mùa khô cơ man là… bụi. Những hạt li ti đáng ghét ấy giăng khắp nơi làm tôi phát chán. Ngày đó, ở chỗ tôi chưa có phong trào “sáng sáng uống cà phê, tối tối uống cà phê” như bây giờ. Buổi tối, sau một ngày lao động mệt nhọc, thanh niên ở các đội sản xuất thích tụ tập thật đông rồi cùng nhau thả bộ quanh xóm, con nít như tụi tôi thì bày đủ trò chơi, tiếng cười trẻ thơ giòn tan cả một khoảng sân.
Ảnh minh họa. |
Hồi đó, tôi hay thức thật khuya để học bài. Nhưng vẫn có những lúc lơ là. Đó là khi tôi dành hàng giờ chỉ để… nghe âm thanh của đêm. Nhất là vào mùa hoa cà phê nở, gió miên man đem mùi hương thoang thoảng, ngọt ngào của loài hoa trắng tinh khôi ấy đến góc học tập bé nhỏ của tôi. Và, giữa không gian vắng lặng, dịu dàng, tiếng cồng, chiêng từ xa vọng lại, cứ nhẹ nhàng lan tỏa suốt tuổi ấu thơ.
Đằng sau nhà tôi có một ngôi làng Jrai. Nói là đằng sau chứ thực ra phải đi bộ khá xa mới tới làng. Có lần, tôi và mấy đứa bạn cùng lớp vào tận đó trộm xoài, bị dân làng đuổi chạy xanh mặt. Nhưng bắt được tụi tôi, họ hăm hăm mấy tiếng rồi thả cả người lẫn… xoài cho về. Tôi bắt đầu quý người Jrai từ đó. Thời gian này, mẹ tôi nấu rượu bán. Mỗi lần có việc, họ hay đến mua rượu của mẹ vì rượu cần không đủ cho cả làng cùng uống. Hồi ấy, rượu đâu dễ làm như bây giờ. Mẹ tôi nấu 10 kg gạo thì chỉ cho ra chừng 10 lít rượu cốt là nhiều. Cứ hôm nào người làng mua nhiều rượu, đêm đó tôi lại thức khuya hơn chút nữa để được nghe tiếng cồng chiêng vọng lại. Cha tôi bảo, khi nào trong làng có người về trời, họ mới đánh cồng chiêng để chia buồn. Sau này lớn lên, tôi biết thêm không chỉ trong buổi tiễn người làng về với Atâu, ở các lễ hội của người Jrai như mừng lúa mới, bỏ mả… cũng đều có cồng chiêng. Tôi nghe và cảm nhận âm thanh kỳ diệu ấy một cách say mê. Thoạt đầu thì có vẻ đơn điệu. Nhưng dần dần, tôi nhận ra nó có cung bậc và sắc thái khác nhau. Khi nhẹ nhàng, khoan thai, lúc trầm bổng, thiết tha đến nao lòng. Cho đến lúc tôi buồn ngủ ríu cả mắt mà vẫn còn nghe. Âm thanh huyền ảo ấy theo tôi vào cả những giấc mơ…
Lớn chút nữa, tôi đi học xa nhà. Về nghỉ hè, thấy mẹ không còn bán rượu. Hỏi vì sao, mẹ bảo: “Bây giờ, có người vào tận làng mở hàng bán. Rượu họ pha bằng hóa chất, một vốn bốn lời. Uống thứ đó vào người độc lắm, nhưng rẻ nên bà con thích mua. Mẹ không thích làm mấy chuyện đó. Thiếu thì cũng thiếu rồi…”. Tôi bật cười vì câu cuối của mẹ (mỗi lần thấy mình làm đúng mà chịu thiệt, mẹ tôi hay nói câu này). Cười đó, mà thấy lòng buồn hiu. Cả tiếng cồng chiêng khi xưa giờ cũng đã thưa dần.
Rồi cha mẹ tôi chuyển nhà ra phố. Ước mơ ngày bé của tôi cuối cùng cũng thành hiện thực. Vậy mà lúc ra đi, tôi cứ lưu luyến, bịn rịn, rồi lại tự hỏi sao đã có lúc mình chán ghét nơi này? Có phải càng trưởng thành, người ta mới biết trân quý nơi đã ấp iu, bao bọc tuổi thơ? Tôi rưng rưng nhớ những làn gió nghịch ngợm thổi từng đám bụi vào mắt cay xè trên đường đến trường, nhớ hương hoa cà phê dịu dàng và nhớ những đêm lặng nghe tiếng cồng chiêng từ núi rừng vọng lại…
Bây giờ, cuộc sống đã ổn định, đủ đầy hơn xưa. Đêm nay, tôi không định thức mà sao cứ mãi trằn trọc, bâng khuâng… Âm thanh xưa lại vọng về trong tâm trí… Nhớ quá, cồng chiêng ơi!
Thúy Trinh