(GLO)- Vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long manh nha chợ nổi từ đầu thế kỷ XIX, phát triển rất mạnh sau ngày thống nhất đất nước 30-4-1975. Các địa phương từ tỉnh Long An tới Cà Mau đều có chợ nổi, trở thành những điểm du lịch hấp dẫn.
Hiện nay, chợ nổi vẫn giữ những nét đặc trưng như thuở ra đời: hoàn toàn tự phát, không ai ra quyết định thành lập và cũng không có tổ chức nào quản lý. Thuyền lớn của thương hồ cắm sào, thuyền nhỏ quây vào, các dịch vụ nảy nở mà thành chợ. Chủ yếu mua bán sỉ, nhiều nhất trái cây đến rau củ, cá mắm, hàng thủ công, Tết thêm hoa kiểng, không có lúa gạo. Thuyền bán gì thì cắm cây sào treo thứ đó lên, gọi là “bẹo” cho người ở xa nhìn thấy, nhưng nếu treo tấm lá lợp nhà là bán thuyền.
|
Cây “bẹo” ở chợ nổi. |
Cuối thế kỷ trước, lớn nhất là chợ nổi Ngã Bảy nằm nơi giao nhau của 7 con kênh đào giữa thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, hàng ngàn chiếc tàu lớn nhỏ quần tụ mua bán và hoạt động dịch vụ, lan vào các ngã kênh cả cây số với tổng diện tích 500-700 ha mặt nước. Năm 2001, chính quyền địa phương muốn thông thoáng đường thủy, dời chợ đi cách chừng 3 km thì chợ vắng vẻ dần.
|
Trẻ em chợ nổi. |
Hiện nay, lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long là chợ nổi Cái Răng, nằm giữa nội ô thành phố Cần thơ, trên con sông lớn có nhiều nhánh vào miệt vườn Phong Điền nức tiếng từ xưa. Tuy nhiên, cuộc sống đi lên hiện đại, chợ nổi bồng bềnh trong thơ ca nhạc họa một thời, đang đối diện nhiều vấn đề khá nan giải như an sinh xã hội, ô nhiễm môi trường. Với chợ nổi Cái Răng, TP. Cần Thơ đang xây dựng một đề án bảo tồn, tốn chừng 70 tỷ đồng mà nhiều người vẫn hoài nghi thành công.
Trong bối cảnh đó, một nhóm sinh viên của Trường Đại học Cần Thơ với tình yêu chợ nổi, thấy muốn bảo tồn chợ nổi, cần giúp đỡ người dân sinh sống được với chợ nổi, dần dần tự thay đổi đi lên. Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của người dân trong việc bảo tồn chợ nổi Cái Răng-thành phố Cần Thơ” của các sinh viên ra đời.
|
Chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Duy Khương |
Tên gọi đầy đủ “Nhóm Thanh niên hoạt động vì sự phát triển của cộng đồng” (Nhóm O) có 9 bạn: Trần Long Vi, Lư Thục Trân, Đặng Khánh Huyền, Nguyễn Minh Thơ, Dương Ngọc Hồng Thi, Trần Ngọc Kim Cương, Trác Mẫn Tiệp, Nguyễn Hữu Gia Bảo, Giang Bích Ngân. Giai đoạn I, Nhóm O vừa cho ra đời quyển sách ảnh “Lênh Đênh”, giới thiệu bằng ảnh những câu chuyện về người chợ nổi. Sáng lập và Điều hành Trần Long Vi bộc bạch: “Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi nhận ra một điều rất quan trọng, nếu như không có những người dân và hoạt động của họ tại đây thì chợ nổi đã không còn tồn tại”. Trần Long Vi tin tưởng: “Với niềm tin văn hóa là sức mạnh, chúng tôi mong muốn thúc đẩy sự tự hào của người dân về cuộc sống của họ và sự thấu hiểu của các bên liên quan”.
Sau đây, xin giới thiệu một số ảnh với lời kể như Vi cho biết: “Lời kể của họ được giữ nguyên vẹn nhằm tạo ra sự đối thoại cho người xem”.
|
Ông Trần Minh Thành bán khoai mỡ ở chợ nổi: “Tui cất căn nhà tổ ở Hậu Giang, nhưng lại để không ra đó. Lâu lâu rảnh thì về dọn dẹp, đốt hương cho ông bà. Xong việc rồi thì đi nữa. Cái chợ này nó đã ăn sâu trong tâm tui, trở thành một phần máu thịt của tui rồi”. |
|
Ông Đoàn Văn Cò, 56 tuổi kể về bà: “Hồi đó là tui để ý bả trước! Thấy bả hiền lành giỏi giang mà thương. Nhưng hồi đó, tui nhát như cáy, mượn cớ đi giăng lưới để núp ở bụi tre dưới mé sông “rình” bả. Hổng hiểu sao hồi đó có nhiêu thôi mà tui đã thấy mát lòng mát dạ rồi”. |
|
Chị Đặng Thị Trang: “Có vất vả đến đâu vợ chồng tui cũng không than nửa lời. Miễn sao con mình có cái chữ, không thua thiệt với người ta là được”. Ảnh: Trong sách Lênh Đênh của Nhóm O |
Sáu Nghệ