Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Những chiếc ấm đất"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiếc ấm chính là linh hồn của một bộ trà cụ (dụng cụ pha trà). Chiếc ấm ra đời cùng với lịch sử hàng ngàn năm của trà nên có đời sống riêng và những câu chuyện rất thú vị. Do đó, việc kinh doanh ấm đất cũng được xem như kinh doanh sản phẩm văn hóa.
Trong tác phẩm “Những chiếc ấm đất” của nhà văn Nguyễn Tuân, ông cụ Sáu trước kia có đời sống sung túc, kẻ hầu người hạ nhưng đến lúc suy vi bèn mang những chiếc ấm đất ra chợ bán. Nhưng ông chỉ bán ấm và giữ lại những chiếc nắp. Phiên chợ sau, ông mới mang nắp ra bán với giá cao gấp nhiều lần giá trị chiếc ấm. Ông Sáu biết những người mua được ấm quý nhất định sẽ lùng cho ra chiếc nắp. Chi tiết nhỏ ấy cho thấy chỉ những người biết thưởng trà, hiểu phẩm chất từng loại trà mới quý những chiếc ấm pha đến nhường nào.
Sinh ra trong gia đình có 4 thế hệ gắn bó với công việc trồng và chế biến trà ở Gia Lai, anh Nguyễn Quốc Tuân (45/7 Phan Đình Giót, TP. Pleiku) nhiều năm nay có thú vui sưu tập những chiếc ấm pha trà. Anh hiểu rằng, ấm tốt sẽ giúp người thưởng trà hiểu được phẩm chất từng loại trà ngon đúng nghĩa.
Từ thú sưu tập
Hiểu rõ sự quan trọng của những ấm pha và ý tứ sâu xa của người thưởng trà khi chọn một loại ấm nào đó cho một cuộc trà, anh Tuân bắt đầu sưu tập những chiếc ấm từ hàng chục năm trước. Bộ sưu tập của anh đến nay có hàng trăm kiểu dáng được làm bằng đất tử sa. Anh Tuân cho biết, các loại ấm pha trà hiện nay trên thị trường được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như: gốm, sứ, thủy tinh… Tuy nhiên, anh chỉ thích sưu tầm ấm làm bằng đất tử sa. “Đây là loại đất hiếm chỉ có ở vùng Giang Tô (Trung Quốc). Ấm làm bằng đất tử sa sẽ tăng vị ngon của trà, giữ được nhiệt độ và hương vị trà lâu hơn, tối ưu hóa phẩm chất từng loại trà mà khó có loại ấm nào sánh được”-anh Tuân nói.
Mê sưu tập những chiếc ấm tử sa để thỏa mãn thú vui thưởng trà, anh Nguyễn Quốc Tuân bén duyên với công việc kinh doanh trà cụ. Ảnh: Hoàng Ngọc
Mỗi chiếc ấm tử sa lại được tạo ra bởi cá tính và phong cách sáng tạo riêng của nghệ nhân nên có sức mê hoặc những người mê trà và thú sưu tầm trà cụ. Anh Tuân tiết lộ, chiếc ấm đắt nhất anh từng mua năm 2015 là ấm Tiếu Anh có giá trên 50 triệu đồng. Càng dùng lâu, ấm càng ánh tím, lên màu rất đẹp. Đây là dáng ấm kinh điển của ấm tử sa, được rất nhiều người yêu thích bởi sự duyên dáng, thanh nhã trong thiết kế. Phàm là người mê trà ai cũng muốn sở hữu một chiếc ấm tử sa dáng Tiếu Anh. Ngoài ra, bộ sưu tập ấm đất của anh có nhiều chủng loại, màu sắc, hình dáng, kích thước khác nhau và đều là những tác phẩm nghệ thuật do các nghệ nhân làm hoàn toàn thủ công. Mỗi chiếc ấm đất có giá không hề rẻ, được anh nâng niu, dùng đãi khách quý cùng các trà hữu thân thiết. Anh chia sẻ: “Khi ngắm nhìn và cảm nhận được hết vẻ đẹp của những món đồ mình sưu tầm thì chính là lúc những vui buồn, lo toan trong cuộc sống sẽ tan biến, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc thực sự”.
Kinh doanh sản phẩm văn hóa
Từ thú vui sưu tập, anh Tuân chuyển sang kinh doanh mặt hàng “kén khách” này. Hiện nay, cửa hàng Tâm Việt Trà (45/7 Phan Đình Giót, TP. Pleiku) gần như là địa chỉ kinh doanh trà cụ đầu tiên và duy nhất ở Pleiku chuyên bán các loại ấm tử sa với nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú. Anh Tuân cho biết: “Chúng tôi có trên 150 dáng ấm, chưa tính một số dáng biến thể của nghệ nhân. Giá bán dao động từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng một chiếc. Riêng tôi rất thích kiểu dáng đơn giản, mộc mạc như ấm Tiếu Anh”.
Là khách hàng nhiều năm của cửa hàng Tâm Việt Trà, anh Bùi Huy Thông (36A Tôn Thất Tùng, TP. Pleiku) cho biết: “Với tôi, đây là địa chỉ tin cậy để mua trà cụ bởi nhiều lẽ, đó là sự chân tình, am hiểu về các loại ấm tử sa cũng như gu uống trà rất tinh tế của người bán. Cũng vì điều đó mà các sản phẩm ở đây, đặc biệt là ấm tử sa luôn được lựa chọn kỹ càng trước khi đưa đến khách hàng. Giá cả lại vừa phải so với thị trường trà cụ hiện nay. Tôi đã mua ở đây tổng cộng 5 chiếc ấm tử sa và 1 chén chủ. Chiếc đắt nhất có giá gần chục triệu đồng”. Anh Thông “nghiện” trà, nhất là các loại trà khô Thái Nguyên nên rất yêu thích các loại ấm tử sa. “Đó là sự kết hợp hoàn hảo để có được ly trà ngon”-anh Thông nói.
Chiếc ấm ra đời cùng lịch sử hàng ngàn năm của trà nên có đời sống riêng và những câu chuyện rất thú vị. Ảnh: Hoàng Ngọc
Theo người chủ của Tâm Việt Trà, có nhiều tiêu chí để chọn mua một chiếc ấm pha trà tốt. Đầu tiên, đất phải tốt. Thứ hai là hình dáng phải thật chuẩn, phần vòi, quai, nắp thẳng hàng, sắc nét. Thứ ba là độ kín, khít cao, nhiều chiếc ấm lật ngược vẫn không bị rơi nắp. Thứ tư là dòng chảy phải mạnh và mượt mà. “Nếu bạn uống các loại trà Thái Nguyên như: long tĩnh, trà xanh, trà đinh… sẽ thấy tiêu chí thứ tư này rất quan trọng. Bạn phải chọn ấm có dòng chảy mạnh, tốc độ rót nhanh thì trà sẽ không bị cháy khi om quá lâu trong ấm”-anh Tuân cho biết.  
Ra đời cùng với lịch sử hàng ngàn năm của trà, những chiếc ấm tử sa không chỉ là dụng cụ để pha những loại trà ngon một cách hoàn hảo, tròn vị mà còn là những sản phẩm văn hóa, chứa đựng dòng chảy lịch sử trên từng họa tiết, hình dáng ấm. Mỗi tên gọi mà nghệ nhân đặt cho từng chiếc ấm còn gắn với những điển tích, điển cố trong lịch sử. Đặc biệt, họa tiết hoa sen, hoa mai, tùng, trúc luôn mang đến những cảm xúc thanh tao, tĩnh lặng để chiêm nghiệm về cuộc sống. Dùng cây, dùng hoa để nói về phẩm chất của con người, vì vậy mà thưởng trà còn là cách chậm lại để thưởng thức cuộc sống.
Giới thiệu một chiếc ấm có màu trầm ấm, anh Tuân giải thích: “Đây là dáng ấm “cung xuân long ẩn” nói về mùa xuân thường có nấm linh chi, có rồng ẩn trong mây nhưng ẩn ý của nghệ nhân là nói về những con người có chí làm việc lớn nhưng không muốn ai biết đến, không muốn khoe khoang. Đây cũng là một sự nhắc nhở ý nhị con người nên sống kín đáo, khiêm nhường, đừng phô trương. Hay trong bộ sưu tập cá nhân của tôi có một chiếc ấm châu bàng màu vàng ngà. Đây cũng là chiếc ấm rất quý tôi sưu tầm năm 2018 với giá trên 20 triệu đồng được làm hoàn toàn thủ công. Từ hình dáng và tên gọi chiếc ấm đều nhắc nhở con người cần sống chính trực, có mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống, đừng bao giờ đi lệch hướng. Dưới đáy ấm có vẽ cành mai trong sương tuyết. Dù trong mùa đông khắc nghiệt mai vẫn nở hoa. Đó cũng là hàm ý cho sự mạnh mẽ tuyệt vời của người phụ nữ”.
Chính những câu chuyện như vậy càng hấp dẫn giới sưu tầm, khiến người ta thêm yêu những chiếc ấm đất bên cạnh thú vui thưởng trà hàng ngày.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm