Người đẻ mướn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thậm chí cả sự tàn nhẫn lúc mang bầu: không được giao du với bạn bè, không được gặp mặt người thân; thai trong bụng được giữ hay phá phụ thuộc vào kết quả siêu âm trai hay gái mà bên thuê đang cần...
PV Thanh Niên trong vai người đẻ mướn thỏa thuận điều kiện với ông N.C.V (Hà Nội) về việc đẻ mướn một đứa con trai |
Tiệm làm tóc ở phố Trạm (P.Long Biên, Hà Nội) hôm đó có gần chục người, trong đó một số người đã quen nhau từ trước.
Tôi vô tình lọt vào câu chuyện của một người đàn ông đang sốt sắng tìm người đẻ mướn. Ông N.C.V (ngoại tứ tuần, ngụ P.Long Biên, TP.Hà Nội) trao đổi chuyện mua một mảnh đất để xây nhà với bà N.T.K (ngụ Bình Dương). Dự định khi xây xong, ngôi nhà đó sẽ dành cho người phụ nữ ông V. thuê đẻ ở.
Trước mặt những người quen và không quen, ông V. không ngần ngại đưa ra tiêu chí tuyển “máy đẻ” cho mình phải là “gái Bắc”. Lý do được ông giải thích là sau khi đẻ xong ông sẽ cắt đứt mọi liên lạc, không muốn dây dưa gì thêm mà “gái Bắc dứt khoát và đỡ lôi thôi như một số vùng khác”, ông nói.
Trong bản hợp đồng đẻ mướn sẽ quy định rõ các điều khoản như chi phí cung cấp hằng tháng, nghĩa vụ của bên thuê và bên được thuê, thời điểm giao con… Hợp đồng sẽ do ông V. tự tay soạn.
Thấy tôi, ông nửa đùa nửa thật ngỏ ý thuê tôi đẻ cho ông một đứa con trai. Ông nói: “Với địa vị xã hội và tài sản hiện tại, tôi chẳng thiếu gì, chỉ cần một “thằng cu” để nối dõi tông đường nhưng vợ tôi không biết đẻ, chỉ đẻ toàn con gái”.
Sau hai tháng ông V. hỏi những thông tin về nơi ở và làm việc của tôi, một cách khá vồ vập, ông đề nghị mua một căn nhà ở TP.HCM để tôi ở trong thời gian đẻ mướn cho ông kèm đề nghị: “Trước khi mang thai sẽ vào bệnh viện soi trứng. Dựa vào hướng dẫn cụ thể từ bệnh viện sẽ thụ tinh theo phương pháp “truyền hình trực tiếp”. Tôi hỏi truyền hình trực tiếp là gì? Ông trả lời là không vào bệnh viện mà quan hệ trực tiếp tại nhà.
Trai giữ, gái… phá
Ông tiếp tục đưa ra yêu cầu: “Cô chỉ cần cắt đứt liên lạc với bạn bè trong thời gian mang bầu và chỉ liên lạc với người thân qua điện thoại. Việc cô có thai càng ít người biết càng tốt”. Để đảm bảo “chỉ đẻ con trai”, ông V. đề nghị các đợt siêu âm định kỳ sẽ tiến hành ở nơi ông quen và “trai giữ, gái phá là nguyên tắc quan trọng nhất của bản hợp đồng” do ông đưa ra.
Ngoài những điều kiện đó, ông V. ngỏ ý: “Nếu có con, tôi với cô có thể ở chung?”. Trong khi đó, tại Hà Nội, ông V. đang có một gia đình cùng vợ và các con gái. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì bản thân ông không có ý định ly hôn. Vậy lời đề nghị ở chung sau khi ký kết hợp đồng đẻ mướn đồng nghĩa ông có một “phòng nhì” sau lưng vợ mình.
Từ chối việc thuê mướn do ông V. đưa ra, tôi ngỏ ý giới thiệu người khác thay. Ông V. yêu cầu phải: “Càng trẻ càng tốt”. Kèm với điều kiện đó, giá thuê đẻ cũng thay đổi từ một ngôi nhà xuống còn 250 triệu đồng. “Giá chung ở ngoài bắc là như vậy. Tôi không thuê ngoài bắc vì tôi muốn xa”, ông V. trả giá.
Ông V. liên lạc qua Zalo để trao đổi về việc thuê đẻ một đứa con trai |
“Cá chậu, chim lồng”
Để đảm bảo đứa bé trong bụng của những cô gái đẻ mướn không bị “lạc dòng”, hầu hết gia đình thuê người đẻ mướn đều quản thúc họ rất chặt trong thời gian mang bầu. Những gia đình có điều kiện còn bỏ ra số tiền lớn mua hoặc thuê biệt thự biệt lập với khu dân cư để nuôi bầu, cốt yếu là để “thu hoạch” được đứa con như ý.
Hơn một tháng trước, ngôi biệt thự nằm riêng rẽ tại phố Trạm (P.Long Biên, Hà Nội) còn thường xuyên có người lui tới, khi thì bác sĩ, khi thì cặp vợ chồng sang trọng đi xe hơi. Người giúp việc trong căn biệt thự là bà Nguyễn Thị Thắm (ngụ H.Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) nói: “Căn nhà này của ông Trần Trung T. (56 tuổi, ngụ Hà Nội). Ông T. có hai con gái nhưng là con trưởng nên buộc phải có con trai. Tuy nhiên, do ông T. làm cho cơ quan nhà nước nên việc đẻ con thứ ba sẽ ảnh hưởng tới sự nghiệp. Vì vậy, ông phải lén thuê người đẻ mướn”.
Người đẻ mướn tên Vũ Thị H. (21 tuổi, quê Tuyên Quang) chuyển về biệt thự này sống khi có bầu được 35 ngày. Theo thỏa thuận, mỗi tuần H. chỉ được gọi điện về nhà một lần nhưng tuyệt đối không được tiết lộ mình ở đâu, làm gì.
Bà Thắm cho biết: “Có muốn nói mình ở đâu cô ấy cũng chả biết vì lúc đưa về đây cô ấy ngồi trong xe ô tô bít hết cửa kính. Từ ngày về ngôi nhà ấy tới năm tháng sau khi sinh con, cô ấy chưa một lần ra khỏi cửa. Hôm giao con xong cô ấy cũng được ô tô đưa ra tận bến xe để về quê”.
Về danh nghĩa, bà Thắm được thuê để chăm nom việc ăn ở của H. nhưng thật ra là để giám sát cô. “Công việc hằng ngày của tôi ngoài lo cơm ba bữa còn phải ngăn cô H. không ra gần cổng chính, không để cô ấy gọi điện thoại cho bạn bè. Vợ chồng ông T. còn dặn tôi khi ra ngoài nếu ai hỏi về H. thì nói đó là con gái tôi ở quê lên. Hai mẹ con được thuê để dọn dẹp biệt thự”, bà nói.
Cuộc đời H. đúng với câu: “hồng nhan bạc phận”. Cưới chồng một tháng thì chồng bị bắt vì buôn lậu. Chưa con cái nên có người rủ xuống Hà Nội bán hàng, xuống tới nơi cô mới biết thực chất chẳng phải bán hàng gì mà là đi làm gái. Cuộc sống đưa đẩy H. gặp vợ chồng ông T. rồi được thuê đẻ.
Cô kể: “Họ bảo sinh được con trai sẽ trả cho tôi 200 triệu. Tiền ăn, ở, sinh đẻ họ lo”. Sau khi H. nhận lời, ông T. thường kiếm cớ tới thăm và sàm sỡ. Mỗi lần đến ông ấy bắt cô vào phòng để “nói chuyện với con trai”. Bà vợ biết chuyện liên tục đay nghiến “phận đẻ thuê đừng cố ngoi lên làm lẽ”.
H. buồn bã tâm sự: “Em không có ý định làm lẽ cho ai. Ông T. hứa đẻ được con trai sẽ cho tiền. Em tính sau khi giao con sẽ vào nam tìm việc làm. Đâu ngờ đẻ xong họ lại yêu cầu cho bé bú sữa mẹ vài tháng. Ở với con thêm chừng ấy thời gian tự nhiên không đành dứt. Em nói muốn trả lại tiền để nuôi con thì họ đòi kiện ra tòa. Giờ em muốn đòi con cũng không biết ở đâu mà tìm. Mất con, cầm tiền em thấy đời mình chẳng còn gì nữa”.
(Còn nữa)
Lam Ngọc (thanhnien)