Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Những đại thụ tỏa bóng mát bình yên cho buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Được ví là đại thụ tỏa bóng mát bình yên cho buôn làng, trong cuộc sống đời thường, mỗi già làng, người có uy tín là tấm gương sáng, tiên phong cho sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm; thổi bùng ngọn lửa thi đua cho mọi người, mọi nhà. Mỗi người là một câu chuyện thực tế, minh chứng cho những cách làm hay, qua đó, phản ánh sinh động bức tranh buôn làng thời kỳ đổi mới.
Những tấm gương tiêu biểu
Đồng bào Bahnar, Jrai ở Gia Lai hầu như ai cũng biết ông Ksor Phước-nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Hơn 30 năm trước, ông Ksor Phước khi ấy là một sĩ quan an ninh phụ trách việc chống FULRO tại địa bàn xã Glar, huyện Đak Đoa. Vừa làm nhiệm vụ chiến đấu, vừa làm công tác dân vận nên ông gần như thông thuộc từng con đường, ngôi nhà, cái rẫy nơi đây. Đó là một thời đầy gian khó không chỉ riêng Glar, riêng Gia Lai mà của cả Tây Nguyên.
Thật đáng mừng, vùng đất khó khăn ngày nào đã khoác trên mình một diện mạo tươi sáng với những con đường làng vuông vức, những vườn cây tươi tốt; những bàn tay cần mẫn bên khung dệt thổ cẩm... Sự phát triển của buôn làng hôm nay có phần đóng góp không nhỏ của người có uy tín trong cộng đồng. Còn với ông Ksor Phước, bây giờ ở tuổi già làng, ông càng hiểu rõ hơn vai trò của những người có uy tín. Họ là chiếc cầu nối tạo nên sức mạnh đại đoàn kết, là chỗ dựa tin cậy cho mỗi buôn làng.
Ông Ksor Phước chia sẻ: “Không dễ gì mà trở thành người uy tín trong đồng bào dân tộc được đâu, họ phải có tấm lòng rất thương người và nhất là đối với đồng bào của mình. Họ luôn luôn có ý thức làm sao giúp đỡ cộng đồng của mình, để làm sao vượt qua những khó khăn thách thức”.
Đã gần 70 mùa rẫy, già Yơp (làng Đê Hrel, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) vẫn còn rắn rỏi, miệng nói tay làm. Ngoài diện tích đất rẫy, vườn chia đều cho 4 người con, bản thân già vẫn trồng cà phê, lúa và chăn nuôi bò. Ở làng, ở xã, mọi người nhắc nhiều đến câu chuyện của già Yơp. Từ một hộ nghèo nhưng bằng tinh thần hăng say lao động, không ngại khó khăn, già Yơp đã xây dựng được căn nhà kiên cố, khang trang đầu tiên ở làng Đê Hrel. Sự nỗ lực, quyết tâm chiến thắng đói nghèo của già là bài học thực tế để bà con dân làng làm theo.
Nói về già Yơp, chị Khép (làng Đê Hrel) chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống của gia đình mình rất khó khăn. Già làng Yớp chỉ cho cách trồng cà phê, làm lúa. Gia đình đã cố gắng chăm chỉ làm ăn, nuôi thêm bò, dê. Nay mình có tiền xây được căn nhà mới. Mình biết ơn già Yơp nhiều”.
các gia làng giao lưu tại lễ tuyên dương các gia làng
Các già làng giao lưu tại Hội nghị gặp mặt, biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ 3 (giai đoạn 2018-2020). Ảnh: Đức Thụy


Tại làng Mook Đen (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ), già làng Siu Deo hơn 10 năm nay cần mẫn đến từng gia đình tuyên truyền, vận động bà con nâng cao nhận thức, không vượt biên; từ bỏ các hành vi lấn chiếm đất làm rẫy tại các khu vực biên giới; phát huy tinh thần đoàn kết, xóa bỏ tập quán lạc hậu, thi đua sản xuất, làm cao su, cà phê để kinh tế gia đình phát triển đi lên. Bám thôn, bám làng, già Siu Deo biết rõ từng gốc cây, con đường nơi đây. Với già, bảo vệ đường biên cột mốc, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia là việc làm ý nghĩa và thiêng liêng.

Bằng cái tâm và uy tín của mình, già Siu Deo và dân làng đã phối hợp với chính quyền, bộ đội Biên phòng tham gia tuần tra; cung cấp hàng trăm tin có giá trị về tình hình an ninh nông thôn, an ninh biên giới, giúp lực lượng Biên phòng nắm bắt được thông tin để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời hành vi gây rối trật tự xã hội, góp phần đem lại bình yên cho vùng biên giới Việt Nam-Campuchia.

Có dịp về thị xã Ayun Pa, ai nấy cũng nói nhiều đến câu chuyện của già Nay Bim đã chắp thêm ước mơ con chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Năm 2010, mảnh đất rộng hơn 500 m2 của già làng Nay Bim có người trả vài trăm triệu đồng nhưng ông nhất quyết không bán mà đem hiến tặng để Nhà nước xây dựng trường học, đem con chữ về cho bọn trẻ trong buôn. Tấm lòng già Nay Bim thật hào sảng, rộng rãi, được ví như sợi dây gắn kết tinh thần, cộng đồng trách nhiệm để chăm lo tương lai cho đám con trẻ.
Nay điểm trường đã được xây dựng nằm ngay trong vườn nhà của già Nay Bim, trở thành nơi học tập của hơn 50 em học sinh lớp 1 và mầm non của buôn Sar. Có trường, có lớp và được sự động viên khích lệ của già cũng như chính quyền địa phương, các em đã không còn phải bỏ học theo cha mẹ lên nương lên rẫy. Công tác nâng cao chất lượng dạy và học đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn (thứ 2 từ trái sang) nói chuyện thân mật với các già làng tiêu biểu. Ảnh: Đức Thụy
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn (thứ 2 từ trái sang) trò chuyện thân mật với các già làng tiêu biểu. Ảnh: Đức Thụy
Chỗ dựa vững chắc của dân làng
So với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Gia Lai là địa phương có số lượng người uy tín được bầu chọn nhiều nhất, với gần 2.000 người. Họ có mặt trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; ngày đêm tâm huyết, nỗ lực không mệt mỏi, khát khao thay đổi cuộc sống đã tạo ra hình ảnh quê hương tươi đẹp hơn, là hành trang để đồng bào dân tộc thiểu số thành công trên con đường xóa đói nghèo, vươn lên làm giàu. Đồng thời, họ còn tiếp thêm sức mạnh cho tinh thần dám nghĩ, dám làm đến thế hệ trẻ biến khó khăn thành tiềm năng để khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công.
Trao đổi với chúng tôi, bà Đinh Thị Giang-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-cho biết: “Già làng, người có uy tín là cầu nối giữa chính quyền, đoàn thể với người dân; có vai trò quan trọng trong công tác dân vận, tạo nên khối đại đoàn kết ở khu dân cư. Trong chương trình hoạt động, chúng tôi sẽ luôn duy trì việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn học tập kinh nghiệm, đồng thời động viên khen thưởng để đội ngũ này là những nhân tố làm nên sức lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên tặng bằng khen cho các già làng tiêu biểu. Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên tặng bằng khen cho các già làng tiêu biểu. Ảnh: Đức Thụy
Tại Hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ 3 (giai đoạn 2018-2020) diễn ra tại TP. Pleiku vừa qua, đồng chí Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh-nhấn mạnh: Gia Lai đang thực hiện mục tiêu kép, vừa tập trung phát triển kinh tế-xã hội vừa chống dịch. Chúng ta đang có những thuận lợi nhưng cũng gặp không ít thách thức. Vì vậy, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đội ngũ người có uy tín cần tiếp tục phát huy vai trò là thủ lĩnh của mọi hoạt động tại cơ sở. Cấp ủy, chính quyền địa phương phải có nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các già làng. Quan tâm, biểu dương kịp thời những đóng góp của người có uy tín, tạo điều kiện thuận lợi để họ phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tiêu biểu trong phát triển kinh tế, năng nổ trong công tác xã hội, dành nhiều công sức lo cho công việc của cộng đồng... các già làng, người có uy tín ở tỉnh ta như những con ong chăm chỉ mang mật ngọt đến cho đời. Với họ, sự phát triển đi lên của buôn làng, quê hương chính là động lực lớn nhất để hàng ngày, hàng giờ cống hiến hết sức mình, đưa ánh sáng văn hóa của Đảng đến với mọi người, mọi nhà; góp phần cùng người dân xây dựng cuộc sống mới, ấm no, hạnh phúc. 
KIM NGÂN-VIỄN KHÁNH

Có thể bạn quan tâm